| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng: Trồng măng tây hướng hữu cơ

Thứ Hai 14/12/2020 , 06:30 (GMT+7)

Từ việc trồng măng tây chất lượng cao để bán cho doanh nghiệp, mỗi tháng, gia đình ông Đóa ở Lâm Đồng thu về hàng trăm triệu đồng.

Khoảng 2 năm trước, vườn cà phê của gia đình bước vào giai đoạn già cỗi, kém hiệu quả nên gia đình ông Nguyễn Văn Đóa ở xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) lên phương án chuyển đổi cây trồng. Khi ông về huyện Đơn Dương, Đức Trọng (Lâm Đồng), thấy người dân trồng măng tây mang lại hiệu quả kinh tế cao nên học hỏi và quyết định đầu tư.

Sau khi nắm trong tay kỹ thuật chăm sóc, chủ động được nguồn vốn và tìm kiếm được thị trường, gia đình ông Đóa chuyển đổi 1ha cà phê già cỗi sang măng tây. Ông chia sẻ, việc trồng măng tây đối với ông không quá khó khăn do cây hợp khí hậu và đất đai. Việc chăm bón cũng được gia đình thực hiện theo quy trình nông nghiệp sạch hướng hữu cơ.

Mỗi ngày, khu vườn 1ha của gia đình ông Nguyễn Văn Đóa cho thu hoạch 100kg măng tây. Ảnh: Minh Hậu. 

Mỗi ngày, khu vườn 1ha của gia đình ông Nguyễn Văn Đóa cho thu hoạch 100kg măng tây. Ảnh: Minh Hậu. 

Chủ vườn cho biết: “Việc tưới nước cho măng tây được thực hiện thông qua hệ thống tưới phun. Về phần phân bón, gia đình áp dụng phân bò cùng các phụ phẩm nông nghiệp đã ủ hoai bón cho cây. Ngoài ra còn sử dụng các chế phẩm sinh học tưới cho cây để đảm bảo chế độ dinh dưỡng và phòng trừ sâu hại”.

Cũng theo ông Đóa, khi bắt tay vào làm măng tây, gia đình ông đã sử dụng giống của một công ty có trụ sở tại Hà Nội. Trong quá trình làm, bộ phận kỹ thuật, kỹ sư nông nghiệp của công ty luôn đồng hành và giúp gia đình ông thực hiện chế độ chăm sóc phù hợp nhất. Do vậy, việc phát triển vườn của gia đình khá thuận lợi.

Cây được xuống giống vào tháng 7/2019 và đến đầu năm 2020 thì khu vườn 1ha cho thu hoạch măng tơ. Đến nay, vườn măng tây cho gia đình ông Đóa thu hoạch đều đặn 100kg mỗi ngày. Măng của gia đình ông Đóa được một doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với mức giá 60.000 đồng/kg. Ở mức giá này, mỗi tháng, gia đình ông Đóa có nguồn thu hàng trăm triệu đồng.

Măng tây xanh phù hợp đất đai, khí hậu ở Lâm Đồng nên phát triển mạnh. Ảnh: Minh Hậu.

Măng tây xanh phù hợp đất đai, khí hậu ở Lâm Đồng nên phát triển mạnh. Ảnh: Minh Hậu.

Theo chủ vườn, măng tây phù hợp với điều kiện thởi tiết ở Lâm Đồng và trồng ngoài trời nên chi phí đầu tư ở vào khoảng 60-70 triệu đồng/sào (1.000m2). Sau khi trồng khoảng 5-6 tháng thì cây cho thu hoạch và mỗi gốc cho thu hoạch liên tục khoảng 6 tháng. Đây cũng là cây trồng dài ngày với vòng đời lên đến 15 năm và trong điều kiện chăm sóc tốt, vòng đời của cây có thể kéo dài đến 30 năm. “Để đạt hiệu quả cao thì phải cắt tỉa đúng kỹ thuật và biết cách chọn cây con thay thế. Hiện tại, gia đình tôi đang áp dụng quy trình 3 tháng là cắt bỏ cây già để nuôi cây bố mẹ mới”.

Thành công ở 1ha vườn ban đầu, gia đình ông Đóa đang thực hiện mở rộng diện tích, chuyển đổi 2ha vườn còn lại sang măng tây. Cây cho hiệu quả cao nên nhiều hộ dân khác ở xã Nam Hà cũng lần tìm, học hỏi và sản xuất. “Đến nay đã có 10 hộ trồng với diện tích trên 5ha. Trong đó có 8 hộ đã cho thu hoạch với năng suất trung bình 100kg măng/ha/ngày”, ông Đóa chia sẻ.

Hiện nay, để nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến thị trường rộng lớn hơn nên ông Đóa đã cùng 10 hộ dân khác trong vùng thành lập Hợp tác xã măng tây xanh Langbiang. Toàn bộ diện tích được trồng theo hướng hữu cơ.

Sản phẩm của Hợp tác xã măng tây xanh Langbiang đang được một doanh nghiệp bao tiêu với mức giá 60.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Hậu. 

Sản phẩm của Hợp tác xã măng tây xanh Langbiang đang được một doanh nghiệp bao tiêu với mức giá 60.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Hậu. 

Việc sản xuất có quy mô, sản phẩm có chất lượng nên đầu ra cho nông sản luôn được đảm bảo. Hợp tác xã này đang thực hiện quy trình sản xuất VietGAP và tiến hành đăng ký mã truy xuất nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Hợp tác xã có trang website để giới thiệu sản phẩm. Nhiều cá nhân, đơn vị cũng liên hệ đặt hàng nhưng hiện nay nguồn cung chưa đủ cầu”, ông Đóa thổ lộ.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.