Các chính trị gia nước ngoài đang lên tiếng bày tỏ quan điểm về những phát biểu "bạo miệng" của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump. Những phản ứng này từ các lãnh đạo thế giới là chưa từng có tiền lệ, sử gia James Thurber, người nghiên cứu về các tổng thống Mỹ tại Đại học Mỹ ở Washington, bình luận.
"Tôi chưa từng thấy các lãnh đạo nêu ý kiến khi cuộc bầu cử tổng thống đang diễn ra, và đặc biệt là khi mới trong giai đoạn bầu cử sơ bộ", USA Today dẫn lời ông Thurber, cho biết. "Việc này có liên quan đến những phát biểu thái quá của ông Trump về cuộc chiến ở Syria, người Hồi giáo, các nước nói tiếng Tây Ban Nha, người nhập cư và thương mại. Ông ấy thực sự đã làm nhiều người tức giận".
Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto hồi đầu tuần này đưa ra một trong những chỉ trích gay gắt nhất, nói rằng giọng điệu của ông Trump làm gợi nhớ đến trùm phát xít Italy Benito Mussolini và trùm phát xít Đức Adolf Hitler.
Ông Peña và các chính trị gia Mexico tức giận trước tuyên bố của tỷ phú về việc xây dựng một bức tường để ngăn người nhập cư Mexico vào Mỹ, và Mexico phải trả tiền xây nó. Ông Peña tuyên bố Mexico không đời nào làm vậy.
Rõ ràng, khả năng ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đã gây ra "cảm giác tuyệt vọng" tại Mexico, ông Bill Richardson, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nhận xét.
Ông Richardson nói thêm rằng không chỉ Mexico lo lắng về triển vọng ông Trump trở thành tổng thống. Lời hứa "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" của tỷ phú này đại diện cho một chính sách cô lập, phản ánh sự thất vọng của nhiều cử tri Mỹ về tình hình đất nước hiện tại, nhưng đó là quan điểm gây lo ngại cho các lãnh đạo nước khác, Richardson nói.
"Thế giới than vãn về điều đó, vì mặc dù chúng ta có mắc sai lầm, thế giới vẫn muốn chúng ta đóng vai trò dẫn dắt", ông bình luận.
Lãnh đạo một số đồng minh của Mỹ như Canada, Ireland, Anh, Pháp, Đức, Israel và Arab Saudi đã có phản ứng tiêu cực với ông Trump.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cuối tuần trước chỉ trích cách tiếp cận của ông Trump về người nhập cư và người tị nạn. "Cởi mở và tôn trọng lẫn nhau là cách để giải tỏa hận thù và giận dữ hiệu quả hơn nhiều so với bức tường lớn và chính sách áp bức", ông Trudeau nói.
Một ngày sau đó, ông Trudeau dịu giọng hơn. "Tôi sẽ không 'gây hấn' với Donald Trump vào thời điểm hiện tại", ông nói. "Rõ ràng là tôi không ủng hộ ông ấy. Nhưng tôi đang theo dõi tình hình rất sát sao. Tôi nghĩ đây thời điểm rất quan trọng của Mỹ", thủ tướng Canada nói thêm.
Tại Đức, nước đang phải đối mặt với khủng hoảng di cư, Phó thủ tướng Sigma Gabriel cuối tuần trước nói rằng "tất cả những tư tưởng dân túy cánh hữu của ông Trump không chỉ là mối đe dọa đối với hòa bình và sự gắn kết xã hội, mà còn cả phát triển kinh tế".
Hồi tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng tuyên bố của ông Trump về việc kêu gọi một lệnh cấm tạm thời đối với người Hồi giáo đến Mỹ là "chia rẽ, ngu ngốc và sai lầm". Một số thành viên nghị viện Anh thậm chí còn muốn cấm ông Trump đến nước này.
Tại Trung Đông, hoàng tử Arab Saudi Abdulaziz al-Saud nói rằng ông Trump nên rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng. Hai người còn bất hòa trên mạng xã hội vào cuối tháng một, sau khi ông Trump đăng trên Twitter hình ảnh được chỉnh sửa, cho thấy người dẫn chương trình Fox News Megyn Kelly đứng bên cạnh hoàng tử Arab, với lời đề sai lầm rằng hoàng tử là đồng sở hữu của Fox News.
Hoàng tử Arab nói rằng mình chỉ là một nhà đầu tư nhỏ trong công ty mẹ của Fox News và phàn nàn về hình ảnh này. Hoàng tử còn chỉ ra rằng trong những năm 1990, ông đã giúp ông Trump vượt qua khó khăn tài chính.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng là người phản đối ông Trump. Tỷ phú Mỹ hồi tháng 12 hủy chuyến thăm tới Israel, sau khi ông Netanyahu chỉ trích kế hoạch cấm người nhập cư Hồi giáo đến Mỹ của ứng viên đảng Cộng hòa này.
Tổng thống Nga Putin là một trong số các lãnh đạo khen ngợi tỷ phú Trump. Ảnh:Reuters
Tuy nhiên, tỷ phú Trump lại giành được sự ủng hộ từ một số nhà lãnh đạo. Tổng thống Nga Putin tháng 12 năm ngoái ca ngợi ông Trump là "thông minh, tài năng" và là "người dẫn đầu tuyệt đối trong cuộc đua tổng thống". Tỷ phú chỉ vài giờ sau đã đáp lại rằng lời khen ngợi của ông Putin là một "vinh dự lớn".
"Ông ấy đang nói về việc chuyển sang một cấp độ quan hệ khác, một mối quan hệ sâu sắc và gần gũi hơn với Nga", ông Putin nói. "Làm sao chúng tôi có thể không hoan nghênh việc đó cơ chứ? Tất nhiên là chúng tôi rất hoan nghênh".
Ông Jean-Marie Le Pen, cựu lãnh đạo đảng cánh hữu National Front có quan điểm chống nhập cư ở Pháp, tuyên bố rằng: "Nếu tôi là người Mỹ, tôi sẽ bỏ phiếu cho ông Donald Trump".
Lãnh đạo đảng Tự do ở Hà Lan, ông Geert Wilders, người có quan điểm chống nhập cư và chống Hồi giáo, cũng viết trên Twitter rằng ông Trump "sẽ mang đến điều tốt lành cho Mỹ và châu Âu. Chúng ta cần các nhà lãnh đạo dũng cảm".
Danielle Pletka, một nhà phân tích chính sách của đảng Cộng hòa và nước ngoài tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nói rằng, cho dù ủng hộ hay phản đối ứng viên Trump, các lãnh đạo thế giới đừng nên "nhúng mũi" vào nền chính trị Mỹ.
"Đó không phải là việc của họ", Pletka, người không ủng hộ ông Trump, nói. "Đây là cuộc bầu cử của chúng tôi, không phải của họ".
Sử gia Thurber bình luận rằng tỷ phú Trump có thể sẽ dịu giọng hơn nếu trở thành tổng thống, tuy nhiên, "sẽ rất khó khăn để làm việc với các nhà lãnh đạo đã công khai chỉ trích ông ấy", ông nói.
"Nhưng dù gì, chúng ta cũng là Mỹ, nước giàu và quyền lực nhất thế giới, vì vậy họ vẫn sẽ phải làm việc với ông ấy", ông Thurber nhận xét.