Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Kỳ họp Thứ 8, Quốc hội Khóa XIV ngày 6/11/2019. |
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp Thứ 8, Quốc hội Khóa XIV (ngày 6/11/2019), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã nhiều lần bày tỏ cảm kích, đánh giá rất cao sự sáng tạo, đóng góp không ngừng nghỉ của nông dân cả nước, cũng như sự vào cuộc, đồng hành quyết liệt trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Không ngừng sáng tạo
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội liên quan tới việc phát triển cây sen và ứng dụng tiến bộ mới để phát huy ngành nghề cũng như đưa sản phẩm thân thiện với môi trường, đó là sản phẩm tơ từ cây sen, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường rất biểu dương chị em phụ nữ khéo tay, sáng tạo.
“Chỗ chị Khánh, chị Thuận ở Mỹ Đức (Hà Nội) cùng nhóm tác giả đã sáng tạo ra một sản phẩm rất thân thiện môi trường, dùng tơ của cây sen cộng với bàn tay khéo léo của phụ nữ Việt Nam để ra được những sản phẩm lụa thiên nhiên 100% rất quý. Chúng tôi rất hoan nghênh ý tưởng và sức sáng tạo này” – Bộ trưởng nêu ví dụ dẫn chứng.
Ông cho biết đã nhất trí đề nghị Hà Nội đưa vào sản phẩm lụa sen vào các sản phẩm OCOP trong chương trình phát triển nông thôn mới, trước hết là huyện Mỹ Đức, và sau này mở rộng ra một số huyện phía Nam của TP Hà Nội. Bởi đây là vùng trũng trong tái cơ cấu nông nghiệp, và không gì bằng là tập trung hình thành cây sen, thay vì hằng năm cứ mất tiền bơm nước để giữ cho lúa thì bây giờ biến vùng đó thành một vùng trồng sen, du lịch, kết hợp với ngành nghề dịch vụ này và nếu làm tốt thì đây trở thành nghề chính đón du lịch vào rất tốt.
“Vừa qua, Thủ tướng cũng nhận được một khăn tặng, Bộ trưởng cũng nhận được một khăn tặng, mùi rất thơm, đến hôm nay vẫn còn thơm” – Bộ trưởng dí dỏm.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận tại xưởng sản xuất tơ sen. |
Trả lời câu hỏi của về việc ứng dụng KH-CN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ về cơ khí, tại sao toàn anh “Hai lúa” đưa ra nhiều sáng kiến mà việc khu vực nhà nước đưa ra những tiến bộ, sáng kiến, đặc biệt về cơ khí hóa lại ít và chậm? Về vấn đề này, Bộ trưởng đánh giá trong thời gian qua, nông dân rất sáng tạo, các vùng miền đưa ra các loại máy cải tiến.
“Chỗ anh Hát ở Hải Dương rất sáng tạo. Máy do anh Hát sản xuất gieo hạt rồi máy công tác XK đi hàng chục quốc gia. Hoặc trường hợp anh Tuấn ở Chương Mỹ (Hà Nội) chế tạo ra chiếc máy 15 trong 1, với 15 chức năng nằm trong một cái máy” – Bộ trưởng dẫn chứng.
Sự đồng hành của các địa phương
Tổng kết những thành quả sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như xung quanh những vấn đề nóng của ngành nông nghiệp thời gian qua, tại diễn đàn Quốc hội, Tư lệnh ngành nông nghiệp liên tục đánh giá cao sự vào cuộc, quyết liệt hành động của các địa phương.
Trả lời chất vấn về vấn đề tiêu thụ nông sản, ông dẫn chứng và hoan nghênh: Vừa rồi Bắc Giang làm rất tốt lễ hội gà, đã tiêu thụ 15 triệu con gà, gà mái cũng tiêu thụ tốt, Sơn La thì làm quả xoài đi bán quốc tế cũng tốt, tất cả cùng đồng hành, tôi tin tưởng không chỉ sản phẩm quốc gia mà sản phẩm của các tỉnh chúng ta bán cũng tốt, cũng hết.
Đánh giá về công tác triển khai phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, Bộ trưởng nhấn mạnh: Rất cảm ơn các địa phương đã tích cực triển khai rất quyết liệt, rất cố gắng. Từ các lãnh đạo địa phương như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định là những nơi có ổ dịch đầu tiên, kể cả sau đó khi đến địa bàn TP Hà Nội, đồng chí Bí thư, Chủ tịch thành phố..., tất cả lực lượng lãnh đạo đều ra quân để ứng phó. Do đó đến giờ phút này, nhìn chung đánh giá đã giảm đến mức độ thấp nhất về chu kỳ phát triển của loại dịch.
Về xây dựng sản phẩm OCOP, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường không quên nhắc tới tỉnh Quảng Ninh sau 5 năm triển khai, hiện đã có tới 237 sản phẩm OCOP và rất nhiều DN nhỏ, HTX hình thành từ đây.
Sự sáng tạo, đồng hành của nông dân, các địa phương là chìa khóa thành công của ngành NN-PTNT (Trong ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (bìa phải) thăm vườn xoài phục vụ XK tại HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, Yên Châu, Sơn La). |
Đặc biệt, sản phẩm “5 sao”, đạt tiêu chuẩn XK Quảng Ninh hiện có tới hơn chục sản phẩm để XK... Bộ trưởng nhớ lại ở giai đoạn đầu triển khai xây dựng OCOP, theo dõi cho thấy đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh luôn tập trung cao độ, hầu như tuần nào cũng giao ban, giao ban chỉ bàn chuyện OCOP. Phải khẳng định, khó như vậy nhưng nếu quyết tâm làm là làm được.
“Hôm vừa rồi, chúng tôi có đi Lễ hội cam Cao Phong. Một hộp cam Cao Phong do bà con nông dân tại Cao Phong làm, rất ngỡ ngàng là trình độ SX của người nông dân Việt Nam. Một khi đưa vào sản phẩm OCOP, khích lệ trở thành những tiêu chuẩn thì sẽ những sản phẩm trong nay mai.
Hiện nay, Bắc Kạn có 37 sản phẩm OCOP, khó như tỉnh Bắc Kạn mà vẫn tập trung làm, đã đạt trên 60 sản phẩm OCOP, để thấy hướng đi này là đúng” – Bộ trưởng NN-PTNT nhấn mạnh.
Trả lời Đại biểu Quốc hội liên quan tới vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, người đứng đầu Bộ NN-PTNT đặc biệt đánh giá cao nhiều tỉnh ĐBSCL. Tiêu biểu như Long An là địa phương tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng vừa qua triển khai rất quyết liệt và có kết quả cao.
Đến nay, Long An đã có một vạn ha chanh, một vạn ha trái thơm (dứa), một vạn ha thanh long... Long An cũng làm rất quyết liệt để khắc phục tình trạng cứ được mùa, rớt giá và nâng cao chuỗi giá trị. Vừa qua, Long An làm rất tốt, thu hút vào khâu chế biến nông sản, trong đó một nhà máy chế biến cây ăn quả vừa khánh thành, không chỉ thu hút sản phẩm cho Long An mà còn cho các vùng lân cận...
Mùa quả ngọt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
Xung quanh vấn đề giải quyết đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, tại Kỳ họp Thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá rất cao sự vào cuộc của tỉnh Gia Lai và 5 tỉnh Tây Nguyên nói chung.
Bộ trưởng cho rằng để giải quyết căn cơ vấn đề này, một trong những giải pháp là phải tập trung kêu gọi nhiều hơn các DN vào liên kết để tổ chức SX theo chuỗi cùng bà con nông dân.
“Vừa qua Gia Lai làm rất tích cực, trong 5 tỉnh Tây Nguyên nói chung, trong đó chúng tôi thấy Gia Lai rất tích cực. Ví dụ đồng chí bí thư, chủ tịch tỉnh, các đồng chí thường vụ, các đồng chí lãnh đạo mời gọi rất nhiều DN. Có những đợt ra tận sân bay đón mời DN vào để giúp. Hiện nay, sau hơn 1 năm đã khánh thành một nhà máy chế biến rau quả và quyết định đầu tư thêm một nhà máy nữa...” – Bộ trưởng hoanh nghênh.
Liên quan tới vấn đề xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, tại Kỳ họp Thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặc biệt đánh giá cao cách làm rất điển hình của tỉnh Tiền Giang. Ông cho rằng Tiền Giang hiện là địa phương triển khai rất tích cực. Trước kia Kiên Giang là một tỉnh dẫn đầu với sản lượng trên 4 triệu tấn lúa, nhưng liên tục mấy năm nay sản lượng lúa của Kiên Giang giảm xuống. Chủ trương của tỉnh đã được nhiều lần Bộ NN-PTNT cùng bàn bạc, phải giảm lúa để nhường chỗ để SX cây trồng khác, và đây là chủ trương rất đúng. Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng là một tỉnh khai thác thủy sản rất tốt, gần nửa triệu tấn. Tiền Giang cũng đi đầu trong lĩnh vực tổ chức nuôi tôm xen lúa. Tuy nhiên mô hình này chưa được rộng, tới đây phải làm quyết liệt, kể cả lúa gạo. “Chúng tôi đã thăm mô hình của huyện Hòn Đất, đó là Cty Trung An có 1.000 ha làm hạt nhân, trong đó ứng dụng KH-CN cao nhất, đảm bảo SX theo hướng thân thiện môi trường hướng hữu cơ để làm hạt nhân lan tỏa, thu mua nguyên liệu trong vùng...” – Bộ trưởng nêu ví dụ. |
Tin tưởng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu Đề cập tới mục tiêu tăng trưởng XK nông sản trong năm 2019, tại Kỳ họp Thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đây là một trong những chỉ tiêu khó khăn nhất của năm 2019, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quyết liệt về nông sản. Tuy nhiên, toàn ngành sẽ nỗ lực hoàn thành được ở mức độ cao nhất từ trước đến nay. “Còn 2 tháng nữa, chúng tôi tin tưởng năm nay sẽ hoàn thành, cán đích cao nhất từ trước đến nay cho thấy tất cả những trục sản phẩm của chúng ta, nhất là 10 sản phẩm trụ cột có kim ngạch XK 1 tỷ USD trở lên chúng ta đều sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu” – Bộ trưởng khẳng định. |