| Hotline: 0983.970.780

Đồng Hỷ miền quê đa sắc [Bài 1]: Thương nhớ Thái Nguyên, lưu luyến vị trà

Thứ Ba 17/10/2023 , 20:16 (GMT+7)

Thưởng thức trà Đồng Hỷ là để thức uống của đồng quê ấy chạm vào tất cả các giác quan, để được tìm về những miền ký ức đậm sâu với biết bao thương nhớ.

Chè là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở huyện Đồng Hỷ. Ảnh: Quang Linh.

Chè là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở huyện Đồng Hỷ. Ảnh: Quang Linh.

Nếu tôi chết xin báo về nông trường chè Sông Cầu!

Năm 2016 - hơn 40 năm sau ngày liệt sỹ Nguyễn An Trung hi sinh, anh trở về nông trường chè Sông Cầu theo di nguyện: “Nếu tôi chết xin báo về nông trường chè Sông Cầu”. Hôm ấy, đón anh trở về, người già, người trẻ ở đôi bờ Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên bật khóc.

Liệt sỹ Nguyễn An Trung con nhà ai, quê gốc ở đâu? Người dân sống ở nông trường chè Sông Cầu không ai biết. Chỉ biết khi anh đến với họ, anh còn là một bé trai khoảng 10 tuổi vào nông trường xin ăn. Hỏi con nhà ai, quê ở đâu, tên là gì? Cậu bé đều lắc đầu!

10 tuổi chưa đến tuổi lao động, nhưng không thể để cậu bé tiếp tục đi lang thang, người nông trường chè nhận cậu ở lại phụ giúp nấu cơm, quét dọn phòng. Rồi họ đặt cho anh cái tên Nguyễn An Trung. Cứ thế anh lớn lên, trở thành công nhân của nông trường. Năm 1967, như bao chàng trai khác anh tình nguyện ra chiến trường để bảo vệ Tổ quốc. 50 đồng dành dụm được anh gửi lại một người thân ở nông trường chè Sông Cầu mong hẹn ngày trở về sẽ tìm một cô gái ở xứ sở ân tình ấy để nên vợ nên chồng.

Vùng chè nguyên liệu của HTX trà Thịnh An, thị trấn Sông Cầu. Ảnh: Đào Thanh.

Vùng chè nguyên liệu của HTX trà Thịnh An, thị trấn Sông Cầu. Ảnh: Đào Thanh.

Bẵng đi 40 năm chẳng thấy anh trở về. Đám trẻ mới sinh ra chưa biết tên anh, người già tóc đã trắng như mây bỗng xôn xao chuyện của người liệt sỹ Nguyễn An Trung trở về mảnh đất Sông Cầu theo di nguyện: “Nếu tôi chết xin báo tin về nông trường chè Sông Cầu”. Người dân đôi bờ Sông Cầu bật khóc, anh đã trở về với nông trường chè Sông Cầu với ký ức đẹp đẽ, là biểu tượng của một vùng chè, hình tượng đẹp của quê hương Sông Cầu.

Chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX trà Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ tâm tình về câu chuyện người liệt sỹ đáng kính của vùng chè quê mình giọng tự hào. Chị Hảo cũng là chủ của HTX sở hữu nhãn hiệu trà mang tên người liệt sỹ ấy – Sản phẩm trà Nhất ẩm An Trung. Đây là sản phẩm cao cấp, nguyên liệu là chè sạch tôm nõn ướp với hương trong những bông sen được hái khi còn mờ sương sớm.

Sản phẩm trà Nhất ẩm An Trung sau khi ra đời được nhiều đón nhận bởi vị thơm nồng nàn hòa quyện giữa hương trà và hương sen. Bởi chất chứa trong sản phẩm đó là câu chuyện cuộc đời của một người liệt sỹ, sâu nặng ân tình với đất, với người ở nông trường chè Sông Cầu.

 Chị Hảo tâm sự: “HTX muốn lấy sản phẩm mang tên người liệt sỹ đáng kính An Trung như lời tri ân của thế hệ hôm nay với ân tình người liệt sĩ đã dành cho nông trường chè đồng thời cũng là cách nhắc nhớ về câu chuyện cảm động của vùng chè. Cũng như người liệt sỹ An Trung yêu vùng chè Sông Cầu, người Sông Cầu cũng yêu nương chè như máu thịt, như sinh mệnh cuộc đời.”

Hiện nay, HTX trà Thịnh An có 3 sản phẩm OCOP 4 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay, HTX trà Thịnh An có 3 sản phẩm OCOP 4 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Đào Thanh.

Một ấm trà giá bằng một tô phở Thìn Lò Đúc

Khi nhiều người theo những giống chè lai cho năng suất cao chị Hảo vẫn mải miết đam mê với việc khôi phục giống chè trung du lá nhỏ. Đấy là giống chè cổ có tới 60 năm tuổi đời. Rễ của chúng đã ăn sâu vào lòng đất, như cách nhắc nhớ mạch nguồn thời hoàng kim của những năm 60, 70 của thế kỷ trước chè Sông Cầu đã được gọi tên ở nhiều nước trên thế giới. Thế rồi lại một thời gian khó, nông trường chè Sông Cầu giải thế khiến vùng chè nổi tiếng ấy như bị lãng quên.

Nhưng chè Sông Cầu chỉ tạm thời lắng xuống. Bởi chất đất của vùng chè ấy để lại bao nhớ thương của người miền xuôi lên vùng đất này đi bộ đội, đi làm kỹ sư, công nhân... khi về miền xuôi vẫn gửi theo ký ức vị chè trong nỗi niềm nhớ thương. Bằng ấy thương nhớ đủ để cây chè ngấm vào ký ức cuộc đời của những thế hệ sau như chị, để cho chị sống và tâm huyết với nghề chè.

Có một vị khách tận trong Nghệ An lên thăm xứ Thái bảo với chị Hảo rằng: Ông đã uống nhiều loại trà ở nhiều nơi nhưng không đâu bằng vị trà Thái. Mỗi lần trở lại Thái Nguyên ông cụ bảo phải vào đúng xưởng chè của chị để tìm mua, để được đánh thức ký ức thời xưa cũ, của những năm tháng ông cụ công tác gắn bó với đất Thái Nguyên. Chị Hảo cẩn thận lựa chọn gói trà được lấy từ những cây chè trung du lá nhỏ cổ thụ mà trân trọng gửi tới ông cụ.

Chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX trà Thịnh An đóng gói các sản phẩm trà của HTX mình. Ảnh: Đào Thanh.

Chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX trà Thịnh An đóng gói các sản phẩm trà của HTX mình. Ảnh: Đào Thanh.

Với những vị khách như vậy họ đâu chỉ có uống trà, họ còn thưởng thức cả nghĩa tình, nhâm nhi bao nhiêu nhớ thương gửi gắm trong hương trà. Vậy người xứ trà không tôn trọng sao được. Bởi biết trân trọng họ cũng chính là trân trọng văn hóa nông sản xứ trà.

Cũng chính bởi tình yêu trà ấy, chị Hảo không quản ngại khó khăn mà khôi phục giống chè trung du lá nhỏ. Để loại chè ấy kết hợp với thổ nhưỡng từ cổ xưa nhiều khoáng chất khiến vùng đất quê chị có vị trà đặc biệt đậm đà, uống lâu rồi mà vị còn lưu lại nơi cuống họng. Chị đã đi vận động người dân bỏ công chăm sóc để những bộ rễ ăn sâu dưới đất có thể tiếp nhận những chất dinh dưỡng hữu cơ; trồng những luống hoa dọc đường lên nương chè để thu hút ong bướm…

Khi mới bắt tay vào làm nhiều người phản đối vì cách đi ngược của chị. Cách chị yêu cầu họ chăm sóc cũng như quy chuẩn hái chậm, hái ngắn khắt khe phải nhận về những lời nói rát mặt: “Hảo ơi, muốn sai khiến, muốn hành người khác thì phải trả thêm tiền.”. Nuốt cơn nóng giận vào lòng, chị chấp nhận đi vay lãi để có tiền trả thêm công cho họ, để họ hái và chăm sóc chè theo ý mình.

Giờ thì hành trình gian khó của chị đã qua đi. Những đồi chè trung du lá nhỏ cổ thụ rộng tới 20ha trở thành báu vật của HTX trà Thịnh An. Những đồi chè ấy cho búp để làm ra những sản phẩm trà hảo hạng. Có sản phẩm giá một gói trà được chị bán ở Hà Nội bằng một tô phở Thìn Lò Đúc nổi tiếng đất Thủ đô.

Chị Hảo cũng xây dựng vùng sản xuất chè an toàn với diện tích 50ha, trong đó có 20ha chè hữu cơ và 9ha chè được cấp mã số vùng trồng. HTX của chị có 3 sản phẩm OCOP 4 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Năm 2021, giống chè trung du thuần chủng của HTX được UBND tỉnh Thái Nguyên chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Vùng chè Trại Cài là một trong 4 vùng chè nổi tiếng ở đất Thái Nguyên. Ảnh: Đào Thanh.

Vùng chè Trại Cài là một trong 4 vùng chè nổi tiếng ở đất Thái Nguyên. Ảnh: Đào Thanh.

Chè Trại Cài nổi tiếng đất Thái Nguyên

Từ đồi chè đất Sông Cầu sóng sánh như trải thảm tôi xuôi về vùng chè Trại Cài ở xã Minh Lập. Đâu đâu trên núi đồi Đồng Hỷ cũng thấy những nương chè xanh mát chạy từ vùng núi thấp sang vùng núi cao. Vượt qua thời gian khó của ngành chè, cây chè Đồng Hỷ đồng hành cùng người nông dân xứ này vươn mình, thơm ngát trên khắp miền Tổ quốc.

Người ta bảo rằng, ở Thái Nguyên có bốn vùng chè nổi tiếng. Đó là vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; vùng chè La Bằng, huyện Đại Từ; vùng chè Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, huyện Phú Lương và huyện Đồng Hỷ cũng có vùng chè ùng chè Trại Cài, xã Minh Lập điểm mặt, ghi danh.

Ở vùng chè Trại Cài, có những người nông dân quanh năm chỉ biết lam lũ với đồi chè quanh làng. Bàn tay làm chè nhựa dính đen kịt mỗi lần ra khỏi làng còn mải xấu hổ chẳng nói lên lời. Thế nhưng sức mạnh của việc duy trì thương hiệu, khát vọng đưa nông sản quê hương vượt qua vùng trung du, họ đã trở thành những người thương lái, những chủ HTX kinh doanh trà nổi tiếng khắp vùng Việt Bắc.

Chị Uông Thị Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chè Nguyên Việt người tâm huyết với cây chè ở vùng chè Trại Cài. Ảnh: Đào Thanh.

Chị Uông Thị Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chè Nguyên Việt người tâm huyết với cây chè ở vùng chè Trại Cài. Ảnh: Đào Thanh.

Chị Uông Thị Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chè Nguyên Việt, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ rỏ những giọt nước mắt lặng lẽ vào trong câu chuyện hành trình làm nghề chè của cuộc đời mình.

Chị Lan tâm sự, mỗi lần làm nên những mẻ trà ngon, chị rạo rực hạnh phúc. Bởi thấy hình ảnh ông cha mình trong đó, thấy cả hình ảnh của những đứa con của chị. Gia đình chị có bốn đời làm chè. Từ ông bà, bố mẹ đến đời các con chị cũng lớn lên bên nương chè. Có thời chè mất giá, nhiều người làng bỏ chè làm nghề khác, chị vẫn say mê gắn bó với nó.

Năm 2011, nhận thức cần phải xây dựng thương hiệu, HTX chè Nguyên Việt của chị Lan ra đời. Giai đoạn mới thành lập rất khó khăn, vất vả vì một người nông dân đầu chỉ biết chè, tay chân chỉ biết với lấm lem bùn đất thì những khái niệm về về pháp luật, về các quy trình thủ tục xem tìm ai để có thể làm những hồ sơ thành lập HTX rất mơ hồ. Rồi từ mối quen chị được gặp gỡ với cán bộ của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, cán bộ Sở NN-PTNT, Sở Công Thương… tất cả từ từ được tháo gỡ.

Mỗi thành viên HTX chè Nguyên Việt có thu nhập từ chè khoảng 90 triệu đồng/năm. Ảnh: Đào Thanh.

Mỗi thành viên HTX chè Nguyên Việt có thu nhập từ chè khoảng 90 triệu đồng/năm. Ảnh: Đào Thanh.

Không muốn đi đâu, ai hỏi cũng lặp lại câu nói đầy tự ti: “Em không có vốn” tiếp tục kéo dài, năm 2012 chị “liều mình” vay 50 triệu đồng vốn từ Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, thêm tiền của bà con hàng xóm vùng chè góp, chị gom đủ 3 tấn chè giá trị khoảng hơn 500 triệu mang lên tận vùng Cao Bằng xa xôi để bán. Chị đã thành công khi nhận được cái gật đầu bao tiêu sản phẩm cho toàn thành phố Cao Bằng.

Tối hôm ấy mãi khuya chị mới về đến đất Thái Nguyên. Khi tới nhà, trời đã sang ngày mới, nhưng đứa con vẫn chưa chịu ngủ vì thao thức mong mẹ về. Chị ôm con vào lòng, nước mắt cứ lã chã rơi. Chị đã làm được, những nương chè cả mấy đời người dân quê chị gắn bó sẽ tỏa hương thơm ngát ở nhiều vùng miền của Tổ quốc. Niềm tin về tương lai tươi sáng sống dậy mạnh mẽ như lúc chị dám vượt hơn trăm cây số đường rừng lên với Cao Bằng để giao trà.

Sau đơn hàng ấy, những đơn hàng khác từ Vĩnh Phúc, Hà Nội cũng theo về. Những đơn hàng nuôi lớn HTX của chị và cả ước mơ khát vọng của người làm chè ở Trại Cài. Từ 7 thành viên ban đầu với vùng nguyên liệu là 5ha, giờ HTX của chị đã có hơn 30 thành viên, vùng nguyện liệu lên tới 50ha, trong đó có 10ha đang triển khai thủ tục cấp mã vùng trồng, 10ha đang triển khai theo hướng hữu cơ. Mỗi thành viên HTX có thu nhập từ chè khoảng 90 triệu đồng/năm.

Tháng 10, nắng thu vàng óng như mật ong mải miết trải dài trên những nương chè kéo về mùa chè cuối cùng trong năm. Những búp chè mơn mởn non nằm gọn trong tay người hái tỏa ra thứ mùi thơm nồng nàn thân thuộc. Rồi ngày mai kia, những búp chè ấy sẽ thành trà hảo hạng, được mang đi mọi miền tổ quốc để đánh thức các giác quan trong mỗi con người; đánh thức câu chuyện với biết bao thương nhớ về vùng trà trứ danh nức tiếng.

HTX chè Nguyên Việt cũng liên kết với các hộ dân hình thành thêm vùng nguyên liệu rộng 400ha. HTX đưa ra ràng buộc, các hộ nông dân chỉ thu hái bằng tay, quá trình chăm sóc chè phải có ghi chép nhật ký, để quản lý được thời gian thu hái, phun thuốc bảo vệ thực vật… Từ nhật ký người dân chủ động được sức khỏe của cây chè, quản lý được dinh dưỡng. Hiện nay HTX có 4 sản phẩm trà đạt 4 sao OCOP, 1 sản phẩm đạt 3 sao OCOP.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.