| Hotline: 0983.970.780

Những giống chè mới: Liều 'thuốc tăng lực' cho ngành chè Thái Nguyên

Thứ Năm 27/07/2023 , 15:20 (GMT+7)

Các giống chè mới như 'liều thuốc tăng lực' giúp ngành chè Thái Nguyên nhanh chóng vực dậy sau cơn bạo bệnh. Đến năm 2022, giống chè mới chiếm 82% cơ cấu giống của tỉnh.

Giống mới và những bước ngoặt của chè Thái Nguyên

Bài liên quan

Hiện nay, Thái Nguyên có trên 22.000ha chè, trong đó diện tích chè cho sản phẩm hơn 20.000ha. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 260.000 tấn, giá trị sản phẩm đạt gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2022. Đặc biệt, Thái Nguyên đã có hơn 4.000ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, 11ha cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified, 127ha sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên khẳng định, ngành chè của tỉnh có được bước chuyển mạnh mẽ như vậy bên cạnh những chính sách và bước đi của tỉnh, còn có đóng góp lớn của các giống chè mới.

Bà Ngà nhớ lại, từ năm 2000, tỉnh đã thực hiện đổi mới toàn diện ngành chè thông qua "Đề án phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè tỉnh Thái Nguyên”. Trong đó, đầu tư toàn diện từ hỗ trợ thay đổi cơ cấu giống chè, đến đào tạo đội ngũ kỹ sư giàu chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho người dân. Hộ trồng chè giống mới sẽ được hỗ trợ 60% giá giống, 40% vật tư đầu vào; hộ làm vườn ươm giống được hỗ trợ hom giống...

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên giới thiệu sự đa dạng về các dòng sản phẩm chè trong tỉnh. Ảnh: Trung Quân.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên giới thiệu sự đa dạng về các dòng sản phẩm chè trong tỉnh. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Năm 2001, tỉnh đã thành lập Ban Dự án phát triển chè tỉnh Thái Nguyên, tuyển dụng 25 cán bộ là kỹ sư nông nghiệp mới ra trường giao cho Sở NN-PTNT đào tạo để trở thành các chuyên gia về chè. 25 cán bộ trẻ sau khi được đào tạo, trang bị đầy đủ kiến thức được đưa đi thường trú tại các vùng chè, "cầm tay chỉ việc" cho nông dân.

Lực lượng này cùng với chính quyền địa phương thông tin, tuyên truyền, triển khai tập huấn tới toàn bộ nông dân vùng trồng chè về việc cần thiết phải thay đổi giống chè hạt (chè trung du) cũ năng suất thấp sang sử dụng các giống chè mới, năng suất, chất lượng cao hơn.

Tuy nhiên, việc vận động người dân thay đổi giống chè gặp muôn vàn khó khăn vì thói quen, tập quán canh tác giống chè hạt đã ăn sâu bám rễ nên khi đề nghị thay đổi để trồng chè cành ai cũng nghi ngại. Có người còn mạnh miệng phản đối: “Lâu nay trồng giống chè trung du bằng hạt, cây vẫn tươi tốt, mấy chục năm vẫn cho thu hoạch, tại sao phải thay đổi. Nghe kỹ thuật canh tác mới đã thấy ong hết cả đầu, làm sao thực hiện được. Thôi cứ để thế đi, trồng được đâu ăn đấy...”.

Không nản chí, bà Ngà cùng 25 kỹ sư trẻ cần mẫn sang Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) tại Phú Thọ để lấy các giống chè mới như LDP1, LDP2, Hùng Đỉnh Bạch, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Bát Tiên… về trồng khảo nghiệm. Sau đó, triển khai hàng loạt mô hình trình diễn (mỗi huyện 5ha) để người dân trực tiếp xem, so sánh.

Hết năm 2022, giống chè mới đã chiếm 82% cơ cấu giống của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Hết năm 2022, giống chè mới đã chiếm 82% cơ cấu giống của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Kiên trì sau 2 năm, những nương chè trồng bằng cành đầu tiên đã cho thấy kết quả khác biệt. Sau 1 năm cây đã phân tán, 18 tháng đã có thể thu hoạch (chè trồng bằng hạt kiến thiết cơ bản phải 3 năm mới có thể thu hoạch). Lúc này, người dân cũng bắt đầu mở lòng, đua nhau đăng ký để đưa giống chè mới về trồng (nhiều nhất là chè lai LDP1). Có thời điểm, việc chuyển đổi nhanh đến mức tỉnh phải chỉ đạo “phanh lại” vì nguy cơ mất hết giống chè trung du. 

Bước ngoặt quan trong trong hành trình nhân rộng giống chè mới của Thái Nguyên là tỉnh chỉ đạo chuyển giao công nghệ, làm vườn ươm giống tại chỗ thay vì liên tục phải lặn lội sang Phú Thọ để lấy giống về trồng. Trên cơ sở đó, Ban Dự án phát triển chè của tỉnh lấy hom giống từ NOMAFSI, lựa chọn một số hộ có điều kiện, chấp nhận làm giống chè tại TP Thái Nguyên xây dựng mô hình thử nghiệm, khi thành công sẽ nhân rộng ra các huyện trọng điểm.

Tuy nhiên, mọi việc không thuận buồm xuôi gió như dự tính vì sản xuất giống chè đòi hỏi kỹ thuật rất cao, nhiều hộ hoang mang vì tỉ lệ chết nhiều. Trước thực tế đó, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ hom giống 1 năm đầu; giao đội ngũ khuyến nông phải ngày đêm tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ trồng.

Sau một thời gian kiên trì, tỷ lệ xuất giống ở các vườn từng bước tăng lên từ 60 đến 70, rồi 80%. Trên địa bàn tỉnh từ 1 - 2 vườn ươm ban đầu, hiện tại đã có hàng trăm vườn ươm giống đạt chất lượng.

Đến hết năm 2005, tỷ lệ chè giống mới của Thái Nguyên đạt khoảng 20%. Mặc dù con số còn khiêm tốn nhưng vẫn được xem là thắng lợi của ngành chè vì người dân đã chấp nhận giống mới. Bên cạnh đó, có thể khẳng định giống chè mới, nhất là chè lai được lựa chọn là chính xác, hoàn toàn phù hợp, thích ứng với điều kiện tự nhiên của Thái Nguyên.

Nhờ những giống chè mới, thu nhập, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Ảnh: Trung Quân.

Nhờ những giống chè mới, thu nhập, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Ảnh: Trung Quân.

Giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh tiếp tục ban hành Đề án “Nâng cao giá trị sản xuất cho ngành chè”. Trong đó triển khai mạnh mẽ chính sách đầu tư nhằm thay đổi cơ cấu giống chè, chủ lực vẫn là giống LDP1. Kết thúc Đề án, Thái Nguyên đạt 50% cơ cấu giống chè mới.

Giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020, mỗi giai đoạn tỉnh đều xây dựng một đề án, lộ trình rất rõ ràng cho sự phát triển của ngành chè. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng gắn với phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên” với chính sách đầu tư của tỉnh vô cùng mạnh mẽ như hỗ trợ tới 100% chi phí giống chè mới, với mục tiêu đạt được 80% giống chè mới.

Những bộ giống chất lượng đã giúp đa dạng các dòng sản phẩm chè của người dân Thái Nguyên, tăng cao về giá trị sản xuất. Gía trị sản xuất bình quân của cây chè trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt hơn 124 triệu đồng/ha (vùng chè Tân Cương có giá trị sản xuất lên tới 200 triệu đồng/ha). Giá trị sản phẩm chè sau chế biến của toàn tỉnh hơn 10.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" ngoài được bảo hộ trong nước còn được bảo hộ tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản…

“Các giống chè mới như một liều thuốc tăng lực giúp ngành chè Thái Nguyên nhanh chóng vực dậy sau cơn bạo bệnh. Minh chứng là hết năm 2022, giống chè mới đã chiếm 82% cơ cấu giống của tỉnh, trong đó giống chè lai chiếm 60%. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, đưa cơ cấu giống chè mới của tỉnh đạt 85%, đến 2030 đạt 90%, giữ lại 10% giống chè trung du truyền thống”, bà Ngà tự hào chia sẻ.

Giống mới “lột xác” những vùng chè

Huyện Đại Từ (Thái Nguyên) là địa phương được đánh giá có sự thay đổi cơ cấu giống chè mới ngoạn mục nhất, hiện giống chè mới LDP1 đã phủ xanh hầu hết diện tích.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chè Hà Thái (xã Hà Thượng, huyện Đại Từ) đã có hơn 20 năm xuất khẩu các sản phẩm chè, chứng kiến những thăng trầm, sự chuyển mình của cây chè ở Đại Từ. 

Những giống chè mới đang dần thế chân giống chè trung du (chè hạt) trên đồng đất Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Những giống chè mới đang dần thế chân giống chè trung du (chè hạt) trên đồng đất Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Bà Hiền chia sẻ: Trước đây, hầu hết diện tích người dân trồng giống chè phục vụ sản xuất chè đen. Mặc dù chất lượng chè đen của Đại Từ không thể chê vào đâu được nhưng giá trị xuất khẩu lại không tương xứng với công sức, chi phí bỏ ra. Doanh nghiệp, người dân loay hoay tìm hướng tháo gỡ mà vẫn không ăn thua. Tới khi các giống chè mới xuất hiện, như một cơn mưa mát lạnh giữa ngày hè, đánh thức ngành chè đang ẩn mình tránh nắng vươn vai đứng dậy.

Giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác mới đã giúp việc đa dạng hóa các dòng sản phẩm trở nên thuận lợi hơn, sức cạnh tranh của sản phẩm cao hơn. Từ chỗ chỉ sản xuất chè đen, người dân chuyển hướng sang sản xuất chè xanh, chè xanh cao cấp để xuất khẩu.

Vùng nguyên liệu chè chất lượng nhanh chóng được hình thành. Công ty như bắt được vàng, thỏa sức mở rộng liên kết với các hộ sản xuất tại La Bằng, Tân Ninh… trên diện tích 200ha. Công ty từ chỗ chỉ có 1 - 2 sản phẩm, đã có thể chế biến ra hơn 20 loại sản phẩm chè khác nhau. Không dừng lại ở đó, trong giai đoạn tới, Công ty định hướng sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế về nguyên liệu để sản xuất chuyên sâu tinh bột trà đưa vào các loại mỹ phẩm, dược liệu, sữa tắm, dầu gội, dung dịch vệ sinh…

Bằng kinh nghiệm của mình, bà Hiền khẳng định, muốn nâng cao giá trị sản xuất thì phải canh tác chè hữu cơ, mà muốn làm chè hữu cơ thì giống chè mới đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, giống mới cho năng suất cao, khi chuyển đổi hình thức canh tác sản lượng sẽ không bị giảm nhiều so với cách canh tác thông thường nên không gây ra tâm lý lo lắng, e dè cho các hộ.

Ở các vùng chè thuộc huyện Đồng Hỷ, TP Phổ Yên... (Thái Nguyên), bất kỳ người dân nào khi được hỏi cũng có thể kể tường tận về sự "lột xác" của những đồi chè. Có lẽ, đối với người dân Thái Nguyên, cây chè trung du hay những giống chè mới dù có khác nhau về đặc điểm sinh trưởng hay năng suất chất lượng thì đều mang trong mình hồn cốt của mảnh đất Thái Nguyên, trở thành chỗ dựa vững chắc để người dân nơi đây vượt qua những thăng trầm của cuộc sống, để danh xưng “đệ nhất danh trà” của Thái Nguyên lưu lại mai sau.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.