| Hotline: 0983.970.780

Đồng lòng xây dựng thôn bản kiểu mẫu

Thứ Năm 17/09/2020 , 08:12 (GMT+7)

Là 1 trong 9 xóm NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai đã có bước tiến xa phát triển kinh tế - xã hội.

Cổng ngõ các gia đình xóm Mỏ Gà đều được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Cổng ngõ các gia đình xóm Mỏ Gà đều được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đổi thay lớn

Cuộc sống của người dân xóm vùng cao này đã thay đổi căn bản, từ nếp sinh hoạt hàng ngày cho đến việc làm ăn, đặc biệt là tập quán cố hữu tự cung tự cấp từ ngàn đời đã được thay thế bởi tư duy sản xuất hàng hóa giá trị cao.

Xóm NTM kiểu mẫu Mỏ Gà hôm nay không còn chút nào diện mạo của một bản vùng cao nhiều khó khăn của huyện miền núi Võ Nhai. Hình ảnh nghèo đói, bệnh tật của vùng đất này, vốn được khắc họa bởi câu ca quen thuộc “lử khử lừ khừ không Đại Từ thì cũng Võ Nhai”, giờ đã lùi xa về quá khứ. Xã Phú Thượng là một trong số xã đầu tiên của Thái Nguyên về đích NTM vào năm 2015, hiện đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

Ông Hoàng Xuân Kiến, 64 tuổi, Trưởng xóm Mỏ Gà tâm sự: Xóm Mỏ Gà có 175 hộ với 753 nhân khẩu, 95% là dân tộc ít người. Năm 2017, xóm được xã Phú Thượng lựa chọn làm điểm trong thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu của xã.

Với nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự đồng lòng của nhân dân, đến cuối năm 2018 khi được công nhận đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu, xóm đã có sự thay đổi rõ nét, đạt 9/9 tiêu chuẩn của xóm NTM kiểu mẫu. 100% đường trục xóm, 100% đường giao thông nội đồng đã được bê tông hoá; 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn, thường xuyên từ nguồn điện lưới quốc gia.

Xóm có 4,2 km đường điện chiếu sáng tại khu dân cư tập trung, đường trục xóm và ngõ xóm; không có nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ nhà đạt chuẩn theo quy định đạt 94,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 32,1 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo.

Từ năm 2018 đến nay tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa luôn chiếm trên 95%; nhà văn hóa xóm được xây dựng với quy mô 165 chỗ ngồi, có đủ các công trình phụ trợ như: nhà vệ sinh, hàng rào, cổng ngõ, bồn hoa cây cảnh. Trên 85% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ dân trong xóm được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có khoảng 60% sử dụng nước sạch theo quy định.

Xóm có tổ vệ sinh môi trường, 100% hộ dân tiến hành thu gom, xử lý rác thải tại các điểm thu gom; 100% hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; Chi bộ giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh.

Các hộ dân đã tự nguyện hiến trên 1.800m2 để xây dựng 'đường kiểu mẫu'. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Các hộ dân đã tự nguyện hiến trên 1.800m2 để xây dựng “đường kiểu mẫu”. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đồng thuận

Nói về thuận lợi trong xây dựng NTM kiểu mẫu, ông Kiến cho biết, vì đã được hưởng nhiều lợi ích từ thành quả của xây dựng NTM giai đoạn trước nên bà con rất tin tưởng và phấn khởi tham gia xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo. Chương trình phát huy nội lực mở rộng đường làng ngõ xóm, đặc biệt là đường nội xóm, đường liên gia được các hộ dân hưởng ứng rất mạnh, có những hộ ngõ vào nhà dài đên gần 200m cũng được đổi công hoàn thành. Đến nay, ngõ nhà nào cũng được trải bê tông khang trang, sạch đẹp, non nửa số hộ có cổng khép.

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm và những khó khăn khi xây dựng NTM mới kiểu mẫu, ông Kiến cho rằng, cần nhất là sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị; tinh thần trách nhiệm của từng đồng chí đảng viên, thành viên Ban công tác Mặt trận, Ban phát triển thôn trong công tác tuyên truyền, vận động; đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện trước; sự đồng thuận và nhất trí cao của các tầng lớp nhân dân.

Từ hiệu quả chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả giá trị cao, thu nhập bình quân của xóm Mỏ Gà đạt  45 triệu đồng/người/năm. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Từ hiệu quả chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả giá trị cao, thu nhập bình quân của xóm Mỏ Gà đạt  45 triệu đồng/người/năm. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông cũng băn khoăn với công tác quy hoạch, như ở giai đoạn trước, quy chuẩn đường xóm có chiều rộng 3m, vận động dân hiến đất rất dễ. Xóm NTM kiểu mẫu lại yêu cầu mặt đường rộng 5,5m, lúc này người dân đã xây cất xong một số công trình kiên cố, thậm chí có hộ vừa mới mua đất của hộ khác để mở rộng sân vườn, song chính diện tích đất này lại nằm trên đoạn đường kiểu mẫu theo quy hoạch mới, nên vận động họ hiến đất lần 2 khó hơn nhiều.

Song, với sự chung sức đồng lòng của tất cả người dân trong xóm, tuyến đường kiểu mẫu của xóm đã hoàn thành. Đây là đường trục chính từ quốc lộ 1B vào xóm, mặt đường rộng 7m, với mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, vật tư, nhân dân hiến đất và đối ứng phần kinh phí còn lại. Hai bên đường, những vườn cây bắt đầu bói quả.

Người dân đã rất mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, hơn 40% diện tích đất nông nghiệp của xóm đã chuyển sang trồng cây ăn quả như bưởi, nhãn, ổi cho thu nhập cao gấp nhiều lần ngô, lúa.

Ông Lường Văn Lâm, hộ gia đình NTM kiểu mẫu cho biết vườn ổi nhà ông cho thu hái quanh năm, giá bán từ 15-20 nghìn đồng/kg, lúc rẻ nhất cũng được 8 nghìn đồng/kg. Với 3 sào ổi, có thể cho thu mỗi năm thu từ 45-60 triệu đồng. Nhãn năm nay tuy rẻ nhưng bán tại vườn cũng được 15 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ trong xóm đã “đổi đời” nhờ cây ăn quả nên chỉ trong vòng 2 năm qua, thu nhập của người dân đã tăng đáng kể, đến nay vào khoảng 45 triệu đồng/người/năm. Một số hộ đầu tư trồng cây hoa đào, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Chúng tôi tham quan hộ gia đình NTM kiểu mẫu tại gia đình ông Lường Văn Lâm, ông cho rằng cũng chỉ đơn giản là đầu tư xây dựng các công trình phụ sạch, đẹp, thực hiện tốt cuộc vận động gia đình “5 không 3 sạch”, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Trước hết là sạch cho gia đình mình, sau là sạch cho xóm làng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.