Bộ mặt đổi thay
Năm 2019 - 2020, huyện Kim Động đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở, huy động nguồn lực thực hiện chương trình; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc.
Nhiều tiêu chí mà huyện đã hoàn thành với chất lượng tốt như: giao thông, thủy lợi, điện, sản xuất. Ngoài những gì đạt được, Kim Động đang khẩn trương thực hiện các nội dung như giải quyết dứt điểm tình trạng vứt, đổ rác không đúng nơi quy định; tổ chức dọn dẹp cây, cỏ dại dọc các tuyến đường giao thông. Có kế hoạch phân công cho từng phòng, ngành và giao trách nhiệm cho từng địa phương, tổ chức ra quân chỉnh trang nông thôn trên địa bàn, tổ chức trồng hoa, trồng cây xanh tạo môi trường xanh - sạch - đẹp...
Từ kết quả xây dựng NTM đã góp phần tạo nên bức tranh tươi sáng của kinh tế - xã hội huyện Kim Động. Trong 5 năm 2015 - 2020, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 9,51%; giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha canh tác đạt 200 triệu đồng (tăng 95 triệu đồng/ha so với năm 2015); thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm (tăng 16%); 16/16 xã đã đạt chuẩn NTM và đang xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8% theo tiêu chí đa chiều; tạo việc làm mới cho 12.000 lao động, trong đó 62% lao động đã qua đào tạo; tỷ lệ lao động ở các xã, thị trấn có việc làm thường xuyên đạt 91,1%.
Là một trong những điểm sáng xây dựng NTM của huyện Kim Động, lãnh đạo xã Đồng Thanh cho biết, khi bước vào xây dựng NTM, xã xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong những nhiệm vụ then chốt, tạo nên sự phát triển bền vững.
Chính quyền xã tích cực vận động, huy động được hơn 380 tỷ đồng, trong đó nhân dân góp hơn 270 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất. Nhờ đó, hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế... được làm mới. Việc cán đích xã NTM sớm vào năm 2017 có sự đóng góp không nhỏ của việc hoàn thành tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, ngày càng khang trang, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn; 100% đường giao thông nôn thôn được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; các nhà văn hóa thôn được xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp; tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiện dưới 1%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 91,5%, BHXH 34,6%…
Chú trọng kinh tế hợp tác
Nhờ có sự chung tay, đồng lòng của người dân, huyện Kim Động đến nay đã xây dựng và đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hoá chất lượng cao có sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, điển hình như mô hình phát triển cây có múi ở xã Đồng Thanh với những cánh đồng rộng hơn 200ha.
Chủ tịch UBND xã Đồng Thanh Hoàng Minh Tuấn cho biết: Vụ cam vừa rồi, nông dân Ðồng Thanh được mùa, giá ổn, thu nhập tốt. Hiện nay, cam Ðồng Thanh đã có nhãn hiệu, được quảng bá rộng rãi, nhiều doanh nghiệp đến tận vườn đặt hàng. Những hộ trồng cam theo quy trình VietGAP, giá bán cam thường cao hơn 20% so với cam canh tác theo truyền thống.
Cũng theo ông Tấn, để có được kết quả này là cả một quá trình chuyển đổi cây trồng gần 10 năm ở Ðồng Thanh. Ban đầu, nông dân chuyển đổi tự phát, manh mún, hiệu quả chưa cao. Trước thực trạng này, huyện Kim Ðộng đã chỉ đạo và hỗ trợ nông dân đồng thửa đổi ruộng, quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cây có múi; triển khai và chuyển giao quy trình sản xuất VietGAP cho nông dân, thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới, xây dựng nhãn hiệu tập thể cam Ðồng Thanh… Từ đó, nhiều hộ nông dân đã thay đổi tập quán sản xuất manh mún, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. UBND xã đã chỉ đạo quyết liệt việc dồn thửa đổi ruộng gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Trong thời gian ngắn, nhiều diện tích cấy lúa hiệu quả thấp được chuyển đổi trồng những cây trồng có giá trị kinh tế cao, hình thành vùng chuyên canh như cam, bưởi, nhãn... với tổng diện tích 230ha, chiếm khoảng 70% diện tích canh tác của xã. HTX nông nghiệp rau củ quả được thành lập mới đã tích cực đưa quy trình sản xuất VietGAP vào sản xuất, chủ động xây dựng nhãn hiệu cam Ðồng Thanh, tổ chức quảng bá, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Nhờ đó, thu nhập từ cây trồng được nâng cao qua các năm. Ðến nay, thu nhập bình quân của xã đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm, đời sống người dân được cải thiện; việc xã hội hóa trong việc xây dựng NTM thuận lợi, mang lại sự hài lòng và ủng hộ của nhân dân.
Bên cạnh đó, người dân Đồng Thanh cũng rất đồng lòng, ủng hộ và hỗ trợ tối đã trong việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, ngoài với việc huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng trong làng, xã Ðồng Thanh cũng đã đầu tư lớn cho xây dựng giao thông ngoài đồng, ô tô có thể vào tận ruộng;
Theo báo cáo của UBND TP Hưng Yên, 10/10 xã cơ bản đạt tiêu chí NTM nâng cao, trong đó xã Hồng Nam đã đạt đủ các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Công tác an sinh xã hội được quan tâm; văn hóa - xã hội, giáo dục – y tế được chú trọng; cải cách hành chính tiếp tục được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó sử dụng nước máy cấp tập trung đạt 92%…
Định hướng giai đoạn 2021-2025, TP Hưng Yên sẽ có 100% xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Có 100% số xã có các khu dân cư đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu, 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Cùng đó, tập trung triển khai thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển thương mại theo quy hoạch, thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ngoài ra, tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả kinh tế các làng nghề, phát triển HTX, trang trại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm…