| Hotline: 0983.970.780

Động lực phát triển từ nông thôn mới

Chủ Nhật 23/06/2024 , 10:15 (GMT+7)

Từ huyện miền núi còn khó khăn, sau 13 năm bắt tay xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã có nhiều bước chuyển biến tích cực về mọi mặt.

Huyện miền núi Lục Nam chuyển mình phát triển

Toàn cảnh huyện Lục Nam nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bắc Giang.

Toàn cảnh huyện Lục Nam nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bắc Giang.

Huyện Lục Nam là huyện miền núi đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, đây cũng huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Trước đây, Lục Nam là địa phương gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 22% và có 4 xã đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, sau gần 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Lục Nam đã được thay đổi căn bản và gặt hái được nhiều thành quả quan trọng.

Đến nay, huyện Lục Nam có 23/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, đạt 9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; an sinh xã hội được bảo đảm; văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng và thiết chế nông thôn được đầu tư khá đồng bộ; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Đời sống người dân trồng vải tại xã Đông Hưng (huyện Lục Nam) ngày càng khấm khá. Ảnh: Thanh Phương.

Đời sống người dân trồng vải tại xã Đông Hưng (huyện Lục Nam) ngày càng khấm khá. Ảnh: Thanh Phương.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng được địa phương đặc biệt quan tâm, từ đó hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, huyện đã thực hiện dồn điền, đổi thửa hơn 2,1 nghìn ha, xây dựng 33 cánh đồng mẫu lớn và triển khai 38 mô hình nông nghiệp ứng dụng cao.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã gây được tiếng vang lớn, chiếm trọn lòng tin của người tiêu dùng như nhãn muộn Lục Sơn, na dai Lục Nam, bưởi Mai Sưu, trà hoa vàng, vải…

Đặc biệt, để phát triển hạ tầng giao thông, huyện cũng đã triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” hay “đường đi đến đâu dân giàu đến đó”. Từ những chủ trương của nhà nước, người dân đã đồng tình, ủng hộ và tiên phong hiến đất, đóng góp sức người sức của để sữa chữa, nâng cấp các trục đường thôn, ngõ xóm. Tính đến nay đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 78,16%, trong đó đường xã đạt 100%.

Phần đấu trở thành lá cờ đầu phát triển của tỉnh

Từ những thành quả quan trọng đó, huyện Lục Nam “thừa thắng xông lên”, tiếp tục xây dựng huyện nhà ngày càng vững mạnh, giàu đẹp và văn minh. Trong năm 2024, huyện Lục Nam đặt mục tiêu có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 thôn đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu.

Đường giao thông được cải tạo, nâng cấp ngày càng hiện đại, đồng bộ.

Đường giao thông được cải tạo, nâng cấp ngày càng hiện đại, đồng bộ.

Theo ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, thời gian tới huyện tiếp tục triển khai chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo tiền đề để đưa huyện Lục Nam trở thành huyện khá của tỉnh.

Để tiến tới mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2026-2030, huyện Lục Nam đã xác định các mục tiêu gắn với kế hoạch cụ thể. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Nam sẽ quyết tâm, nỗ lực vượt khó, tranh thủ thời cơ, tận dụng lợi thế để vươn lên, từng bước trở thành một trong những lá cờ đầu phát triển của tỉnh nhà.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.