| Hotline: 0983.970.780

Diện mạo mới Bắc Giang: [Bài 5] Quyết liệt, đột phá vì một miền quê giàu có

Thứ Tư 11/09/2024 , 07:00 (GMT+7)

Bắc Giang Sự vào cuộc quyết liệt, đột phá, sáng tạo, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang đã mang lại hiệu quả thiết thực, diện mạo làng quê đã thực sự thay đổi.

Diện mạo mới, sức sống mới

Trong những năm qua, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, huy động tối đa mọi nguồn lực và phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Chương trình nông thôn mới đã giúp khu vực nông thôn tỉnh Bắc Giang thay đổi về chất. Ảnh: Thanh Phương.

Chương trình nông thôn mới đã giúp khu vực nông thôn tỉnh Bắc Giang thay đổi về chất. Ảnh: Thanh Phương.

Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, Bắc Giang đã xác định đây là nhiệm vụ lâu dài, do người dân là chủ thể nên mọi quyết sách đưa ra đều thực hiện theo phương châm “ý Đảng, lòng dân”. Bằng những nỗ lực, sự đột phá trong chiến lược và quyết liệt trong từng hành động, những xã, thôn NTM kiểu mẫu đang dần hình thành, tạo đà cho việc ổn định và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Kết thúc năm 2023, Bắc Giang đã hoàn thành quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM kiểu mẫu tại 100% xã; phê duyệt đồ án quy hoạch vùng huyện và quy hoạch chung xây dựng đô thị cho 7 huyện và thành phố. Đây là tiền đề quan trọng giúp Bắc Giang từng bước xây dựng, đảm bảo sự phát triển bền vững và đồng bộ.

Nhìn lại hơn 10 năm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Bắc Giang đang ngày càng đổi thay, các tiêu chí xây dựng không chỉ được hoàn thành mà ngày một nâng lên. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá giao thông đã được cải tạo, nâng cấp theo hướng “đường bé thì tiếp tục mở rộng, đường chưa sáng – xanh – sạch đẹp thì phải tiếp tục đầu tư cho tốt hơn”.

Cùng với đó, thiết chế văn hóa, thể thao ở khu vực nông thôn cũng thay đổi rõ rệt, các phong trào thể dục thể thao, phong trào khiêu vũ, dưỡng sinh,… được tổ chức mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân. Chiều chiều, nhà văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh đều tấp nập, rộn rã tiếng nói cười, thậm chí nhiều nơi sáng đèn đến 9-10h tối để phục vụ nhu cầu thể dục thể thao của người dân.

Khu vực nông thôn nhiều nơi đã tiệm cận đô thị. Ảnh: Đinh Mười.

Khu vực nông thôn nhiều nơi đã tiệm cận đô thị. Ảnh: Đinh Mười.

Không chỉ làm tốt công tác chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân, việc phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu trong cách ngành cũng được Bắc Giang đặc biệt quan tâm. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, Bắc Giang đã tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, vận động bà con nhân dân sản xuất an toàn, đảm bảo an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global GAP nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Đến nay, những mô hình phát triển kinh tế đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, từng bước đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Có thể kể đến mô hình trồng cây ăn quả tại xã Phúc Hòa, trồng sâm ở xã Liên Chung, ứng dụng công nghệ cao vào trông na tại xã Đông Hưng… hay một số mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp dù mới manh nha nhưng cũng mang lại nhiều dấu ấn nổi trội.

Đánh giá về những kết quả đã đạt được của tiến trình xây dựng NTM, ông Trần Văn Tú, Phó chánh văn phòng Văn phòng điều phối NTM Bắc Giang nhấn mạnh: “Các tiêu chí xây dựng NTM ở Bắc Giang khá đồng đều. Đặc biệt, các tiêu chí về giao thông, xây dựng và thiết chế văn hóa ở khu vực có sự thay đổi đáng kể, rõ rệt”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và ông Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang thăm mô hình sản xuất của HTX Măng lục trúc lâm sinh Ngọc Châu, huyện Tân Yên. Ảnh: Nguyễn Miền.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và ông Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang thăm mô hình sản xuất của HTX Măng lục trúc lâm sinh Ngọc Châu, huyện Tân Yên. Ảnh: Nguyễn Miền.

Chính quyền quyết tâm, nhân dân đồng thuận

Xuất phát điểm là địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đến nay Bắc Giang đã vươn lên, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng NTM. Những năm qua, với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, Bắc Giang đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, đồng thời đề ra những chính sách hỗ trợ cụ thể, đạt sự đồng thuận cao.

Bên cạnh nguồn ngân sách của chính quyền, các tầng lớp nhân dân đã đóng góp cả về sức người, sức của để xây dựng, tu sửa nhiều cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 2017-2019, với chủ trương chính quyền hỗ trợ xi măng và người dân đối ứng cát sỏi, ngày công và hiến đất giải phóng mặt bằng, đã có trên 4.500km đường được mở rộng, cải tạo.

Theo kế hoạch đến hết năm 2024, Bắc Giang tập trung chỉ đạo, phấn đấu đạt thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã NTM nâng cao, 7 xã NTM kiểu mẫu. Đến thời điểm hiện tại các địa phương đang rà soát các tiêu chí, hoàn thiện thủ tục để thẩm tra, thẩm định, dự kiến từ tháng 12 sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

Có thể thấy rõ nét kết quả chương trình xây dựng NTM ở Bắc Giang đã hiển diện khắp các ngõ ngách làng quê. Để có kết quả như vậy, dấu ấn rõ nét chính là sự vào cuộc quyết liệt, cách làm chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền, của cả hệ thống chính trị, sự kết hợp hài hòa của ý Đảng với lòng dân. Tỉnh Bắc Giang có nền kinh tế phát triển, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, mang lại nguồn thu lớn. Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho xây dựng NTM. Cán bộ và toàn thể nhân dân đều nhận thức tốt về chủ trương xây dựng NTM. Nguồn lực xã hội hóa được huy động từ nhiều nơi. Có kế hoạch tuyên truyền vận động xã hội hóa để xây dựng NTM.

Nhiều hội nghị kết nối được Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang kết nối để giúp người dân xuất khẩu vải thiều Tân Yên sang những thị trường khó tính trên thế giới. Ảnh: BBG.

Nhiều hội nghị kết nối được Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang kết nối để giúp người dân xuất khẩu vải thiều Tân Yên sang những thị trường khó tính trên thế giới. Ảnh: BBG.

Theo ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, trong xây dựng NTM nói chung, thôn kiểu mẫu nói riêng, vai trò chủ thể của người dân cần được phát huy, bà con chủ động tham gia đóng góp ngày công, kinh phí làm công trình công cộng và mỗi nơi đều có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện của mình. Tại các thôn kiểu mẫu, hầu hết đều xây dựng phong trào ngày thứ Bảy, Chủ nhật xanh, tuyến đường tự quản, mô hình trồng hoa, cây xanh, tuyến đường bích họa, vừa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, vừa góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường.

Để giữ vững tiêu chí, cũng như hoàn thành mục tiêu toàn tỉnh có thêm 72 thôn kiểu mẫu vào cuối năm nay, các địa phương tập trung thực hiện duy trì và nâng cao các tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu để hình thành những làng quê đáng sống. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội thi tạo khí thế sôi nổi, tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các thôn, hộ gia đình.

Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm xây dựng NTM gắn với chuyển đổi số để hình thành các mô hình làng, xã thông minh; thực hiện thôn NTM kiểu mẫu gắn với du lịch nông thôn. Thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn, chuyển giao kiến thức, kỹ năng, tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất cho người dân. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tín dụng chính sách xã hội, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trong chuyến làm việc với tỉnh Bắc Giang đầu tháng 7/2024, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, cao và ghi nhận những thành quả trong sản xuất nông nghiệp của địa phương thời gian qua, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phát triển sản phẩm nông sản hàng hóa của các nước trên thế giới. Thời gian tới, Bắc Giang cần xây dựng và thực hiện những đề tài khoa học nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy, nâng cao năng suất, thay đổi mùa vụ cây trồng, vật nuôi để tăng giá trị nông sản hàng hóa, phấn đấu đi đầu và trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.