| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai chỉ đạo gỡ rối chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất

Thứ Tư 16/08/2023 , 17:10 (GMT+7)

UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo sớm rà soát để tháo gỡ vướng mắc về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, nhất là giải ngân vốn hỗ trợ chuỗi liên kết rất chậm.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì hội nghị. Ảnh: Lê Bình.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì hội nghị. Ảnh: Lê Bình.

Ngày 16/8, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 98/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và 4 năm thực hiện Nghị quyết 143/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Đồng Nai. 

Đồng Nai nằm trong vùng thị trường tiêu thụ nông sản rất lớn, điều kiện về khí hậu, đất đai phù hợp với việc phát triển nông nghiệp quanh năm… Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn đóng tỉ trọng hơn 10% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Đồng Nai. Trong đó, ngành chăn nuôi của Đồng Nai được coi là "thủ phủ" của cả nước với 2,69 triệu con heo, 25,5 triệu con gà cùng các vật nuôi khác như đàn trâu, bò khoảng 97,8 nghìn con và hơn 8 triệu con chim cút. Ngành trồng trọt cũng là mũi nhọn trong cơ cấu phát triển nông nghiệp của tỉnh với hơn 88.000ha.

Tuy nhiên, khó khăn của Đồng Nai là việc sản xuất nông nghiệp là vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và luôn gặp khó khăn trong đầu ra. Lĩnh vực chế biến và tên tuổi thương hiệu sản phẩm nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Tâm lí “ăn chắc mặc bền” của người dân vẫn còn nặng nề khiến sản phẩm nông sản Đồng Nai khó cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, từ cuối năm 2018, cùng với việc thực hiện Nghị định 98/2018 của Chính phủ, Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết 143/2018/NQ-HĐND nhằm đẩy mạnh các chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Theo đó, việc liên kết sản xuất, sơ chế và chế biến sâu tại Đồng Nai được ưu tiên hàng đầu. Đây là biện pháp đường dài của tỉnh nhằm thích ứng với yêu cầu của quốc tế và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tại hội nghị, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đây là yêu cầu bắt buộc của tỉnh để thoát khỏi tình trạng sản xuất nông nghiệp mang tính manh mún, nhỏ lẻ.

Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát chia sẻ về những hiệu quả của việc liên kết sản xuất. Ảnh: Lê Bình.

Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát chia sẻ về những hiệu quả của việc liên kết sản xuất. Ảnh: Lê Bình.

“Các sở, ban ngành tỉnh Đồng Nai cần quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Chỉ có liên kết mới đi được xa, để có được hàng hóa lớn, có tên tuổi vững chắc và cạnh tranh được với thị trường tốt hơn”, ông Võ Văn Phi phát biểu.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát là một trong những mô hình điểm trong chương trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm của Đồng Nai. Nhờ chăn nuôi theo chuỗi, mua gà giống của Bel Gà, thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn De Heus, HTX này chăn nuôi khép kín thuận lợi, không phải lo lắng đầu ra. HTX đã áp dụng công nghệ số, điều hành trang trại từ xa và xuất bán hàng nghìn con gà sang thị trường khó tính Nhật Bản.

“Chúng ta đã có những sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản… cho thấy đã hội nhập, bắt nhịp được với yêu cầu quốc tế. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau, chúng tôi cũng kì vọng các sản phẩm của tỉnh Đồng Nai đi xa nữa, phát triển hơn nữa”, ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát chia sẻ.

Còn ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc HTX Ca cao Suối Cát cho biết, nhờ thực hiện dự án liên kết, nông dân trồng ca cao được hỗ trợ từ chính sách cánh đồng lớn, được áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, được bao tiêu sản phẩm làm ra nên hết sức yên tâm đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc sở NN-PTNT Đồng Nai phát biểu về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc sở NN-PTNT Đồng Nai phát biểu về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất. Ảnh: Lê Bình.

“Nhiều vườn điều trước đây cho thu nhập rất thấp, nay thay bằng vườn ca cao trĩu quả, thu nhập 200 - 300 triệu đồng/ha. Vườn ca cao trở thành điểm tham quan, du lịch và là nơi học tập, trải nghiệm bổ ích cho các sinh viên, học sinh. Hiện nay, HTX đang tổ chức tập huấn Fair Traide cho nông dân. Nông dân rất yên tâm và phấn khởi khi thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ ca cao”, ông Mỹ cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc sở NN-PTNT Đồng Nai, toàn tỉnh có 22 dự án liên kết với sự tham gia của 16 doanh nghiệp, 20 hợp tác xã, 921 trang trại và hộ nông dân tham gia liên kết. Trong tổng số chuỗi liên kết sản xuất được phê duyệt hỗ trợ của tỉnh, có 20 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, 1 chuỗi lĩnh vực thủy sản và 1 chuỗi trong lĩnh vực chăn nuôi với tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ hơn 63,8 tỷ đồng.

Các chuỗi liên kết bình quân hàng năm tiêu thụ hơn 25 ngàn tấn nông sản ra thị trường ở dạng sản phẩm tươi sống, tuy nhiên tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ phục vụ chế biến còn ít (chủ yếu là ca cao, xoài).

Đồng Nai đặc biệt chú trọng hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất, song việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là khâu giải ngân nguồn vốn hỗ trợ. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai đặc biệt chú trọng hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất, song việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là khâu giải ngân nguồn vốn hỗ trợ. Ảnh: Lê Bình.

Khó khăn hiện nay trong việc hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất của Đồng Nai là việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ còn thấp, mới chỉ đạt 10,3 tỷ đồng (bằng 16,2%). Việc chậm giải ngân nguồn vốn hỗ trợ có nguy cơ kéo theo nhiều hệ lụy. 

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá cao việc phối hợp của các sở, ban ngành và địa phương trong việc triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng chuỗi được phê duyệt còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; quy mô các dự án/kế hoạch được phê duyệt hỗ trợ còn nhỏ; số lượng nông dân tham gia ít.

“Đề nghị các sở, ban ngành và địa phương tiếp tục rà soát các vướng mắc về quy định trong việc hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất, kịp thời đề xuất, báo cho HĐND tỉnh để tháo gỡ. Đừng để người dân phải chờ, làm đứt gãy chuỗi liên kết, uổng công sức của tập thể trong thời gian qua”, ông Võ Văn Phi chỉ đạo.

Xem thêm
Quan điểm trái chiều về kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi

Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Trồng sầu riêng nghịch vụ, kiếm tiền tỷ mỗi năm

CẦN THƠ Một kỹ sư nông nghiệp có bí quyết xử lý sầu riêng nghịch vụ, tận dụng khoảng trống thị trường để bán được giá cao, mang về doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất