Nguồn nước dồi dào
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai có gần 280 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, không tính đất nuôi thủy sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm: 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 24 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ và trên 636km kênh mương; tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt hơn 51,4%.
Tổng lượng mưa từ đầu năm 2022 đến nay đạt khoảng 109% so với trung bình nhiều năm, dung tích hồ chứa đạt khoảng 94,69% so với tổng dung tích và tăng 5,19% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nước các hồ chứa đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân theo kế hoạch.
Phó giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai Lê Xuân Toàn cho biết, hiện hầu hết các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh do doanh nghiệp quản lý, dung tích hồ chứa đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, hồ Suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ) có dung tích thiết kế 4,35triệu m3 mọi năm thường có nguy cơ thiếu nước về mùa khô nhưng đến nay, dung tích hồ đã đạt gần 3,9 triệu m3, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và đạt hơn 89% so với tổng dung tích.
Ngoài diện tích đất sản xuất có hệ thống thủy lợi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là đất trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn trái chủ động nguồn nước tưới bằng giải pháp tưới nước tiết kiệm. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm gồm tưới gốc, tưới phun mưa trên diện tích gần 57 ngàn ha.
Trong đó, nhóm cây hằng năm hơn 11 ngàn ha, nhóm cây ăn trái 23 ngàn ha, nhóm cây lâu năm và cây công nghiệp 22 ngàn ha, còn lại là cây lâm nghiệp. Việc ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước góp phần nâng cao hiệu quả cây trồng, tiết kiệm khoảng 25% nhân công tưới nước, tiết kiệm khoảng 20% lượng nước tưới.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp công trình thủy lợi
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ, hiện hệ thống kênh, mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều hoạt động tốt, đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ trong mùa khô tới. Từ đầu năm đến nay, Sở NN-PTNT đã tổ chức kiểm tra thực tế 27 công trình gồm: 14 hồ chứa, 6 đập dâng, 7 hệ thống ngăn mặn, kênh tiêu thoát nước trên địa bàn 6 huyện, thành phố có nhiều hồ chứa, công trình thủy lợi gồm: Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Long Thành, Trảng Bom, Cẩm Mỹ và Long Khánh. Qua kiểm tra, các địa phương, đơn vị quản lý đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn công trình; phân công, bố trí người trực thường xuyên tại các công trình để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Đồng thời, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, đến nay hội đồng đã tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đối với 16 hồ chứa nước. Qua kiểm tra đã hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương, đơn vị thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ; triển khai có hiệu quả các phương án phòng chống thiên tai, lũ lụt…
"Hiện tỉnh Đồng Nai đang tập trung đầu tư cho hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 40 dự án thủy lợi với tổng kinh phí thực hiện khoảng 6.560 tỷ đồng. Có 5 dự án đã triển khai thi công hoàn thành và đang lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư để đưa vào sử dụng, góp phần tăng khả năng phục vụ tưới 450ha, tiêu 4.570ha, cấp nước 12.150 m3/ngày. Và 10 dự án đang triển khai thi công và 25 dự án đang trong giai đoạn lập hồ sơ", Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ nhấn mạnh.
"Nước là nguồn tài nguyên quan trọng, Đồng Nai là địa phương có nguồn nước khá dồi dào nên cần tăng cường bảo vệ, giữ gìn nguồn nước để phục vụ người dân. UBND tỉnh phải xây dựng chiến lược về nước với mục tiêu có thể tăng lên cung cấp nửa triệu khối nước/ngày đêm. Tất cả các hồ nước của tỉnh phải là điểm sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn, có hành lang, có cây xanh bảo vệ, thủ tục đất đai phải rõ ràng. Các địa phương phải phát huy tối đa giá trị của mặt nước, hồ nước để vừa là nguồn cung cấp nước vừa là điểm du lịch, là không gian sinh thái phục vụ nhân dân, phục vụ kinh tế của địa phương. Trong đó, toàn dân phải chung tay bảo vệ nên phải quan tâm công tác giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn nước của người dân, không để xảy ra tình trạng sản xuất nông nghiệp như xịt thuốc, bón phân, chăn nuôi xả thải xuống hồ, nguồn nước. Nếu vi phạm sẽ xử lý.…", Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định.