| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai thích ứng thiên tai: Bão ít hơn nhưng gây hại gấp nhiều lần

Thứ Năm 30/11/2023 , 09:23 (GMT+7)

Theo tỉnh Đồng Nai, năm 2023 tuy thiên tai và số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn năm trước, nhưng mức độ gây hại lại cao hơn gấp nhiều lần.

Lập các nhóm Zalo tuyên truyền

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra các loại hình thiên tai như: mưa lớn gây ngập lụt, lốc xoáy, mưa đá, sét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường… Tuy nhiên, do ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đã gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Do ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đã gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Ảnh: Minh Sáng.

Do ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đã gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Ảnh: Minh Sáng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai đã làm 2 người chết, 34 căn nhà tốc mái, 84 căn nhà bị ngập, 189 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, trên 1.670 tấn cá bị chết và thoát ra sông; trên 1.280 ha lúa, hoa màu - cây ăn quả bị ngập nước và hư hại, sạt lở đất tại công trình thủy lợi và taluy 3 tuyến giao thông… Ước tính thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 33 tỷ đồng.

Do đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương tiếp tục nắm chắc địa bàn, phối hợp chặt chẽ hơn để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Ông Vũ Quốc Việt, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai cho biết: Năm 2023, về thiên tai và số lượng bão, áp thấp nhiệt đới tuy ít hơn năm 2022, nhưng mức độ thiệt hại về thiên tai lại cao hơn. Nếu như năm 2022 thiệt hại chỉ khoảng 6 tỷ đồng, thì đến năm 2023 con số thiệt hại đã lên tới trên dưới 30 tỉ đồng. Đến thời điểm này lượng mưa đạt trên 100% so với trung bình nhiều năm, như vậy lượng mưa đã cao hơn so với năm 2022.

Mặc dù có thiệt hại lớn, nhưng các ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động, kịp thời ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra; đặc biệt là huy động lực lượng tại chỗ trong vấn đề di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Năm 2023, các loại hình thiên tai, nhất là số lượng bão, áp thấp nhiệt đới tuy ít hơn năm 2022, nhưng mức độ thiệt hại về thiên tai lại cao hơn. Ảnh: Minh Sáng.

Năm 2023, các loại hình thiên tai, nhất là số lượng bão, áp thấp nhiệt đới tuy ít hơn năm 2022, nhưng mức độ thiệt hại về thiên tai lại cao hơn. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Việt, mặc dù các ngành, địa phương đã thông báo, khuyến cáo trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT). Tuy nhiên, tình hình thiệt hại về nuôi trồng thủy sản trên sông La Ngà, sông Đồng Nai hàng năm vẫn xảy ra. Nguyên nhân, do người dân còn chủ quan trong công tác ứng phó thiên tai, nhất là khi lũ về ngay trong thời điểm thu hoạch sản phẩm, nhưng bà con cứ nghĩ rằng sẽ không sao, chẳng bị thiệt hại đến mức độ nặng. Mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp và làm hết trách nhiệm thế nhưng kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chủ yếu thiệt hại về nuôi trồng thủy sản của người dân. Các địa phương và ngành chức năng tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo hướng dẫn, vận động người dân thu hoạch trước lũ để bảo vệ tài sản, cây trồng, thủy sản tránh thiệt hại. Tuy nhiên, người dân vẫn còn chưa tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn cũng như chỉ đạo của chính quyền địa phương, dẫn đến thiệt hại.

“Để phòng, tránh thiệt hại do thiên tai gây ra, các ngành chuyên môn đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhiều biện pháp kỹ thuật nuôi trồng thủy sản như thế nào cho phù hợp; thành lập các nhóm Zalo để tuyên truyền thông tin và gửi văn bản cảnh báo cũng như thông báo tình hình thời tiết đến người dân nhanh nhất để phòng tránh thiệt hại”, ông Việt cho biết.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chủ yếu thiệt hại về nuôi trồng thủy sản của người dân. Ảnh: Minh Sáng.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chủ yếu thiệt hại về nuôi trồng thủy sản của người dân. Ảnh: Minh Sáng.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, tình hình thời tiết Nam bộ trong năm 2023 tiếp tục có diễn biến cực đoan. Nhiều nơi có mưa vừa, mưa to và dông, thậm chí mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 100mm. Mực nước đầu nguồn nhiều tuyến sông tiếp tục dâng cao theo triều cường. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ trên sông Đồng Nai và sông La Ngà tăng lên... Do đó các địa phương cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp ven hai tuyến sông này.

Luôn chủ động, phòng là chính

Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, hạn chế những thiệt hại do thời tiết bất thường, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai đã triển khai đồng bộ loạt giải pháp cấp bách và đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể; trong đó, chú trọng vai trò trách nhiệm của chính quyền các huyện, thành phố; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án chống ngập, tiêu thoát nước; kiểm tra, khơi thông hệ thống cống, mương thoát nước trên các tuyến đường, khu dân cư. Đồng thời, sớm cảnh báo thường xuyên, liên tục cho người dân; cắt cử lực lượng ứng trực, điều tiết giao thông, hỗ trợ người dân khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Nhiều khu vực tại TP.Biên Hòa ngập nặng sau đợt mưa lớn. Ảnh: Minh Sáng.

Nhiều khu vực tại TP.Biên Hòa ngập nặng sau đợt mưa lớn. Ảnh: Minh Sáng.

TP. Biên Hòa được xem là địa bàn trọng điểm của các đợt “đại hồng thủy” do mưa, triều cường liên tục xảy ra. Do đó, UBND TP. Biên Hòa đã giao Công an thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết phân luồng giao thông trên địa bàn khi có ngập lụt; xây dựng kế hoạch điều tiết giao thông cụ thể, rõ ràng.

Đội Cảnh sát giao thông bố trí các tổ cơ động tại những “điểm nóng” thường xảy ra ngập nước, ùn tắc giao thông sau mỗi trận mưa lớn, kéo dài. Đồng thời, phối hợp tuần tra, giải tỏa ách tắc giao thông trên các tuyến đường nội thành.

Ông Nguyễn Thành, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Biên Hòa cho hay, để chủ động PCTT và sự cố bất ngờ, đơn vị quản lý các hồ, đập tràn đã được yêu cầu chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả các công trình thủy lợi, nhất là chú trọng đến các công trình hồ chứa trong mùa mưa lũ, duy trì hoạt động phục vụ sản xuất ổn định sau mùa mưa. Đặc biệt, các đơn vị quản lý phải tiến hành kiểm tra đánh giá lại tình trạng và năng lực của từng công trình để có kế hoạch tu sửa.

Là đơn vị đang quản lý 24 công trình thủy lợi toàn tỉnh Đồng Nai, trong đó có 10 công trình hồ chứa nước, 10 đập dâng, 2 trạm bơm điện và 2 hệ thống đê ngăn mặn, nhưng đa số các hồ chứa thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai quản lý hiện đang tích nước thấp hơn so với mọi năm.

Ông Lê Xuân Toàn, Phó Giám đốc công ty này chia sẻ: “Theo quy định, việc tích nước các hồ chứa phải điều tiết dung tích hồ dưới 70% so với dung tích trữ theo thiết kế nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, điều này cũng gây khó khăn trong công tác trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vào mùa khô tới với dự báo sẽ khô hạn hơn mọi năm”.

Nhiều hồ chứa thủy lợi ở Đồng Nai hiện đang tích nước thấp hơn so với mọi năm. Ảnh: Minh Sáng.

Nhiều hồ chứa thủy lợi ở Đồng Nai hiện đang tích nước thấp hơn so với mọi năm. Ảnh: Minh Sáng.

Trao đổi với NNVN, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Tuy Đồng Nai không xảy ra nhiều thiên tai so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, nhưng biến đổi khí hậu cũng làm ảnh hưởng và thiệt hại lớn. Do đó, các địa phương cần chủ động triển khai công tác phòng ngừa để hạn chế thiệt hại, nhất là ở những địa phương hay xảy ra mưa lũ, ngập lụt.

"Để huy động tối đa mọi nguồn lực ngay tại địa bàn trong phòng, chống thiên tai, lãnh đạo các địa phương có thể ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị quân đội, doanh nghiệp trên địa bàn để khi xảy ra sự cố thiên tai có thể trưng dụng các loại phương tiện, vật tư, huy động con người của các đơn vị, doanh nghiệp tại chỗ hỗ trợ nhân dân và kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đề nghị.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.