| Hotline: 0983.970.780

Phát triển các giải pháp hạ tầng chống ngập đô thị ĐBSCL

Thứ Bảy 04/11/2023 , 07:35 (GMT+7)

ĐBSCL Với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sĩ và Đức, ĐBSCL được tiếp sức, nâng cao năng lực chống chịu biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng chống ngập đô thị.

Thời gian qua có rất nhiều chỉ đạo, thiết chế được đưa ra nhằm giúp ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là vấn đề chống ngập đô thị, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra. Thực tế này được ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) đưa ra tại hội thảo đối tác triển khai Dự án Thích ứng với Biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL (Gọi tắt là Dự án MCRP) pha II, diễn ra vào ngày 1/11 ở TP Cần Thơ.

Ông Mậu đánh giá, ảnh hưởng của BĐKH đối với ĐBSCL đã rất rõ ràng. Do đó các địa phương trong vùng cần xem xét, tính đến những việc cần làm, cách thức quản lý và trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị thông qua Dự án MCRP. Từ đó, góp phần cải thiện công tác quản lý, sử dụng đất, nước, rừng ngập mặn tại ĐBSCL, thích ứng với BĐKH.

Ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) nhìn nhận, vấn đề ngập đô thị vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Ảnh: Kim Anh.

Ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) nhìn nhận, vấn đề ngập đô thị vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Ảnh: Kim Anh.

Với vai trò đại diện cho cơ quan chủ quản của Dự án MCRP, ông Mậu mong muốn dự án sẽ được triển khai một cách thiết thực, hữu ích và phù hợp với tình hình thực tế trong công tác phòng chống thiên tai ở ĐBSCL.

TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng là một trong những đô thị ở ĐBSCL có nguy cơ ngập cao từ 10 – 20%. Hàng năm, UBND tỉnh đã quan tâm, đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng thêm hệ thống thoát nước đô thị, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Hiếu Nghĩa, Trưởng phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng tỉnh Sóc Trăng), hệ thống thoát nước của thành phố đã hình thành từ trước năm 1975, với tổng chiều dài khoảng 100km. Tiến trình đô thị hóa đã khiến cho hệ thống này bị quá tải, không đảm bảo về lưu lượng.

Thực tế chứng minh, các đợt mưa lớn những ngày đầu tháng 10/2023, đã khiến nhiều trục đường chính ở TP Sóc Trăng bị “nhấn chìm”, ngập cục bộ, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân khu vực trung tâm.

Năng lực thoát nước ở TP Sóc Trăng không đảm bảo khiến mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao gây ngập đô thị cục bộ, ảnh hưởng đến đi lại và sinh hoạt người dân. Ảnh: Kim Anh.

Năng lực thoát nước ở TP Sóc Trăng không đảm bảo khiến mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao gây ngập đô thị cục bộ, ảnh hưởng đến đi lại và sinh hoạt người dân. Ảnh: Kim Anh.

Đáng nói, nếu như trước đây thời gian ngập từ 3 – 6 giờ, hiện nay có thời điểm kéo dài tới 6 – 12 giờ. Nguyên nhân chính của thực trạng này được ông Nghĩa chỉ ra là do năng lực thoát nước không đảm bảo, tiêu chuẩn thiết kế hệ thống thoát nước không còn phù hợp với thực tế khi mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao.

Theo Đồ án quy hoạch chung TP Sóc Trăng đã được phê duyệt vào năm 2018, địa phương này đã nghiên cứu các giải pháp thích nghi và không chống lại BĐKH. Bao gồm giải pháp công trình và phi công trình, kết hợp giữa kỹ thuật và cảnh quan, hướng tới xây dựng đô thị xanh, thông minh. 6 hồ đa chức năng cũng được quy hoạch với mục tiêu trữ nước khi xảy ra mưa lớn kết hợp triều cường.

Ông Christoph Klinnert, Cố vấn trưởng Dự án MCRP cho rằng, đây là vấn đề rất nan giải. Dự án MCRP đã thực hiện một số giải pháp xây dựng hạ tầng đô thị thích ứng với BĐKH cho các địa phương trong vùng. Trong đó có việc triển khai đồng thời các hệ thống vỉa hè thấm nước, lưu trữ nước, hệ thống mái nhà xanh… Đây là những giải pháp giúp cho đô thị thích ứng tốt trước tác động của BĐKH và giảm nguy cơ ngập.

Ông Christoph Klinnert, Cố vấn trưởng Dự án MCRP nhận định, ngập đô thị là vấn đề nan giải, cần đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực thích ứng cho đô thị trước tác động của BĐKH. Ảnh: Kim Anh.

Ông Christoph Klinnert, Cố vấn trưởng Dự án MCRP nhận định, ngập đô thị là vấn đề nan giải, cần đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực thích ứng cho đô thị trước tác động của BĐKH. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, Dự án MCRP cũng hỗ trợ các địa phương lồng ghép tiêu chí kỹ thuật vào quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị.

“Khi các giải pháp này được đưa vào khung hành lang pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ tác động lớn hơn, không chỉ với một vài tỉnh thí điểm mà toàn bộ các địa phương vùng ĐBSCL sẽ được hưởng lợi”, ông Christoph Klinnert bày tỏ.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã được đầu tư 2 đập tạm bản thép công nghệ mới, giúp bảo vệ 120ha đất nông nghiệp trước tác động của xâm nhập mặn, ổn định sinh kế cho hơn 80 hộ dân. Hay 21 trạm quan trắc nguồn nước tự động đã được lắp đặt tại tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, cung cấp dữ liệu nước thời gian thực phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Dự án MCRP đã được tổ chức GIZ Việt Nam và Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai triển khai từ năm 2019, tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Dự án được tài trợ bởi Chính phủ Thụy Sĩ và Chính phủ Đức với mục tiêu hỗ trợ các cơ quan quản lý nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL thông qua thiết lập khung thể chế, thúc đẩy liên kết phát triển vùng và ứng dụng các giải pháp công nghệ đổi mới và sáng tạo ở khu vực nông thôn và đô thị.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.