| Hotline: 0983.970.780

Động vật hoang dã không có lỗi

Thứ Bảy 28/03/2020 , 08:01 (GMT+7)

Hiện nay, có nhiều giả thiết cho rằng dịch Covid-19 đang khiến thế giới chao đảo có nguồn gốc từ loài dơi.

Nhân viên cứu hộ tê tê ở Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images.

Nhân viên cứu hộ tê tê ở Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images.

Và các chuyên gia nói đây là hậu quả của việc con người buôn bán, ăn thịt động vật hoang dã một cách vô tội vạ, chứ bản thân con vật không có lỗi.

Sau khi thăm Trung Quốc, đại diện WHO kết luận, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nguồn gốc của virus Corona gây ra dịch Covid-19 hiện nay xuất phát từ một loài dơi ở khu chợ hải sản thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Ông Peter Daszak, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận EcoHealth Alliance ở Mỹ cho biết, từ cách đây 15 năm các nhà khoa học đã phát hiện trong hang động ở miền nam Trung Quốc những con dơi mang theo các loại virus gần như giống với virus corona chủng mới và các virus gây ra dịch SARS, MERS.

Ở Việt Nam, câu chuyện này đã có từ lâu, hàng chục năm trước, người dân ở Tây Nguyên và Tây Nam Bộ thường kể chuyện ăn thịt con trăn có 9 lỗ mũi hay còn gọi là con nưa thì sẽ bị chết, mà chết đến 3-4 người.

Trước kia, dân gian thường cho rằng đó là do ma rừng bắt nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, khoa học chứng minh được rằng trong loài vật này có xoắn khuẩn và một số chất độc có thể gây chết người.

Giờ đây, theo thông tin từ các tổ chức uy tín như CDC Mỹ hay EcoHealth Alliance, chúng ta có thể hiểu rằng động vật hoang dã luôn tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe con người.

Khỉ đuôi dài bị bắt nhốt ở Indonesia. Ảnh: National Geographic.

Khỉ đuôi dài bị bắt nhốt ở Indonesia. Ảnh: National Geographic.

"Chỉ vì hành động một số ít những người có thói quen xấu về việc ăn và sử dụng động vật hoang dã, dẫn đến gia tăng hoạt động buôn bán, nuôi nhốt và là nguyên nhân dẫn đến các đại dịch như SARS, HIV, cúm H5N1, Covid-19", ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife) nói.

Theo ông Thái, nguyên nhân dịch bệnh không phải do động vật hoang dã truyền trực tiếp đến con người mà là do thói quen xấu về ăn và sử dụng động vật hoang dã một cách quá mức.

Trong khi đó, bác sỹ Nguyễn Trọng An, điều phối viên Liên minh Y tế NCDs Việt Nam cho rằng, có thể thấy con người đang săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã với niềm tin rằng chúng đem lại sức khỏe.

"Do đó, chúng ta đừng đổ lỗi cho động vật vì dù chúng có mang virus nhưng để lây lan, gây ra các dịch bệnh là do con người tiêu thụ, ăn thịt chúng", ông An nói.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An.

Theo bác sỹ này, Chính phủ cần cương quyết, có những văn bản pháp luật để cắt đứt được dây chuyền giữa động vật hoang dã với con người. Từ đó, giúp động vật hoang dã được bình yên sinh sống, bình đẳng với các loài vật khác và đảm bảo sức khỏe cho con người.

Điều cần lưu ý là các văn bản pháp luật của Việt Nam cần hài hòa với các văn bản quốc tế mà chúng ta đã ký kết về bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn di sản thiên nhiên và hài hòa với luật pháp trong nước hiện nay.

Liên quan vấn đề pháp lí này, luật sư Đặng Đình Bách, điều phối viên Nhóm Hành động vì Công lý, Môi trường và Sức khỏe cho rằng các tầng luật của Việt Nam hiện nay về động vật hoang dã đã tương đối đảm bảo, từ các công ước quốc tế đã tham gia cho tới những quy định cụ thể của pháp luật trong nước.

Đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan khẩn trương soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã, trình trước ngày 1/4.

Theo ông Bách, đây là hành động kịp thời trong bối cảnh động vật hoang dã có thể là nguyên nhân chính dẫn đến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

"Tuy nhiên, chỉ thị này theo tôi là một văn bản chỉ đạo điều hành mang tính chất tình thế. Do đó, tôi kiến nghị rằng chúng ta phải mở rộng ra, xem xét trách nhiệm của từng cơ quan liên quan xem đã thực hiện tốt hay chưa", luật sư Bách kiến nghị.

Ông cũng cho rằng, Việt Nam cần sơ đồ hóa được dòng tiền, lợi nhuận từ việc săn bắt, mua bán động vật hoang dã được phân chia cho những ai, đi đến đâu, từ đó mới có chế tài phù hợp.

Hai chuyên gia này cũng nhất trí rằng, ngoài các chính sách, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục toàn dân, đặc biệt những người lãnh đạo, giàu có phải làm gương.

Bên cạnh các chế tài mạnh mẽ với người mua bán, sử dụng, cần phải có biện pháp giúp đỡ những người nghèo, kiếm sống bằng nghề săn bắt động vật hoang dã để họ có thể từ bỏ công việc này.

"Chúng ta cũng cần tăng cường điều kiện, trang thiết bị để thực hiện được công tác bảo vệ động vật hoang dã. Ví dụ như lập đường dây nóng để người dân có thể báo cáo việc săn bắt, tiêu thụ ngay lập tức hoặc trang bị cho lực lượng kiểm lâm để đủ thiết bị ngăn chặn được các đối tượng săn bắt trong rừng", ông Nguyễn Trọng An kiến nghị thêm.

Thịt động vật hoang dã, dù không được bán rộng rãi ở các thành phố lớn của Việt Nam nhưng tương đối dễ tìm thấy trên khắp đất nước và vẫn phổ biến ở các khu vực nông thôn.

Theo thống kê của Cơ quan Điều tra Môi trường - EIA, từ năm 2004 - 2019, trên 70% số các vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã trên thế giới đều liên quan đến Việt Nam. Trong đó có ít nhất 105,72 tấn ngà voi (khoảng 15.779 cá thể); 1,69 tấn sừng tê giác (ước tính khoảng 610 cá thể tê giác); da, xương từ ít nhất 228 cá thể hổ; thân, vảy của 65.510 cá thể tê tê.

Buôn lậu liên quan chủ yếu đến các loài có giá trị cao như hổ, tê giác và voi trong khi hầu hết các loài nhỏ hơn không được kiểm soát. Nguồn cung là sự pha trộn giữa động vật hoang dã, chẳng hạn như tê tê và mèo rừng với động vật được nuôi trong các trang trại như cầy hương và gấu chó.

Theo báo cáo của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã - WCS tại Việt Nam, trong giai đoạn 5 năm từ 1/2013 đến 12/2017, khoảng 1.500 trường hợp vi phạm được ghi nhận và gần 1.500 người buôn lậu động vật hoang dã bị đưa ra tòa.

 

(Kiến thức gia đình số 13)

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.