| Hotline: 0983.970.780

Giảm phát thải trong trồng lúa

Đồng xanh ngát nhờ vi sinh

Thứ Hai 31/07/2023 , 06:05 (GMT+7)

Cái nắng hầm hập trưa hè tháng 7 như dịu đi bởi vẻ xanh mướt mát của những cánh đồng lúa sử dụng chế phẩm vi sinh tại huyện Tam Dương.

Đại diện Hội nông dân, Bí thư thôn, trưởng thôn Điền Trù, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc ra thăm ruộng. Ảnh: Văn Việt.

Đại diện Hội nông dân, Bí thư thôn, trưởng thôn Điền Trù, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc ra thăm ruộng. Ảnh: Văn Việt.

Chế phẩm vi sinh

Bài liên quan

“Trước kia, nhiều khi đi làm cỏ, nhổ lên còn đi cả gốc rạ cũ lẫn gốc lúa mới. Bây giờ dùng chế phẩm vi sinh, chỉ 1 tuần đến chục ngày là gốc rạ phân hủy hết. Đất tơi xốp, trồng lúa vừa cho năng suất, vừa nhàn bớt công làm cỏ”, ông Bùi Văn Khương ở thôn Điền Trù, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, cho biết.

Mỗi sào ruộng, ông Khương trộn 1kg chế phẩm vi sinh, cùng 20kg vôi bột. Cây lúa phát triển nhanh, khóm to, năng suất tăng từ 15 - 20%. Đó là tổng kết của lão nông gần 60 tuổi sau một năm dùng chế phẩm vi sinh do Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc cung cấp.

Năm nay là năm thứ 2 việc dùng chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng tại Tam Dương đã lan ra gần như khắp huyện, riêng xã Hướng Đạo là khoảng 95% nông hộ sử dụng.

Năm ngoái, Bí thư và trưởng thôn là hai hộ đi đầu, làm mẫu để bà con xem có hiệu quả hay không. “Đến giờ này, ai cũng thấy kết quả hết rồi. Chúng tôi cám ơn Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã cung cấp, trợ giá 50% cho chế phẩm vi sinh. Mỗi lần ra đồng, nhìn một màu xanh là thấy nhẹ hết người”, ông Khương nói.

Ngày trước, gốc rạ phải xử lý rất kỹ, nhiều khi đốt vẫn không hết. Nông dân đi bừa, xử lý được phần trước, thì phần sau gốc rạ lại “ngoi” ra. Nhiều khi cắm cây mạ xuống, sơ ý là cắm luôn vào gốc rạ cũ. Hạt giống cỏ bám vào, mọc lên. Nông dân nhổ cỏ, lắm lúc đi cả chùm từ gốc cỏ, gốc rạ cũ, gốc lúa.

“Cỏ trên gốc rạ vươn cao hơn cả cây lúa. Bực lắm, muốn giữ cây lúa thì phải ngồi tỉ mẩn gỡ từng tý một. Mà dù có thế nào thì cây lúa bị như thế sẽ không cho năng suất bằng việc gốc rạ đã phân hủy hoàn toàn trong đất”, ông Khương nói.

Tại một góc ruộng khác, ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư thôn Điền Trù, nói gia đình thấy rất hài lòng vì gốc rạ sau khi dùng chế phẩm vi sinh đã mục hoàn toàn, không bị dư lượng chất độc làm chết cây lúa.

Các cánh đồng ở Điền Trù, lan rộng ra cả Hướng Đạo, Tam Dương, gần như không còn cảnh khói mịt mù vì đốt rơm rạ. “To, cứng như gốc rạ còn phân hủy thành phân bón, thì rơm rạ còn nhanh nữa. Quan trọng là tốt đất, không phải đốt khói um lên như xưa”, ông Việt cho biết. Cả gieo mạ hay cấy thẳng, ông Việt đều bảo “cứ trộn với vôi bột, ném xuống là xong”.

Cán bộ khuyến nông Vĩnh Phúc, khi đi hướng dẫn, đều nhắc đi nhắc lại 28kg chế phẩm/1ha. Nông dân thì tính gọn hơn, cứ 1kg/1 sào.

Ông Việt bảo, thấy lúa lên tốt, vợ ông lại tự liên hệ cán bộ khuyến nông để đi mua thêm cho những thửa ruộng khác. Hiện tại, Vĩnh Phúc chỉ có chế độ trợ giá 50% cho một sào ruộng của một hộ dân.

Biện pháp kỹ thuật

Lúa sau khi được thu hoạch, cho nước vào ruộng giữ mức nước 2 - 3 cm, sử dụng 15 - 20kg vôi bột/sào rải đều trên mặt ruộng, dùng máy lồng qua 1 lượt ruộng cho dập gốc rạ. Dùng chế phẩm vi sinh rải đều trên mặt ruộng (lượng sử dụng: 28 kg/ha - tương đương khoảng 1 kg/sào); tiến hành phay hoặc lồng lại 1 lượt nữa, cho thêm nước vào ruộng, giữ ngập mức nước 7 - 10 cm trong vòng 10 - 15 ngày; sau đó tiến hành bừa và bón lót phân theo khuyến cáo và trang phẳng ruộng để gieo cấy.

Sử dụng chế phẩm vi sinh giúp người dân bảo vệ môi trường do không còn phải đốt rơm rạ như trước. Ảnh minh họa: Võ Dũng.

Sử dụng chế phẩm vi sinh giúp người dân bảo vệ môi trường do không còn phải đốt rơm rạ như trước. Ảnh minh họa: Võ Dũng.

Phát triển nông nghiệp bền vững

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý rơm rạ trên đồng ruộng đối với sản xuất lúa là biện pháp hữu hiệu nhất để phân hủy nhanh lượng rơm rạ tồn dư, giảm tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, tận dụng lượng phân hữu cơ sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp, cải tạo và bảo vệ môi trường đất, giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi, giảm sâu bệnh hại. Góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm lúa gạo và phát triển nông nghiệp bền vững.

Giảm tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nghề trồng lúa theo hướng bền vững, đồng thời đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về tác hại của việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Canh tác lúa phù hợp với xu hướng hiện nay, thu gom và xử lý rơm rạ hiệu quả, tăng năng suất lúa, bảo vệ và cải tạo môi trường đất.

Theo kế hoạch được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt, từ năm 2022 đến 2024, tổng kinh phí là hơn 103 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 43,2 tỷ đồng, người dân đối ứng khoảng 60 tỷ đồng.

Chế phẩm vi sinh cũng góp phần xử lý việc ngộ độc hữu cơ gây nên hiện tượng vàng lá lúa sinh lý. Giúp các hộ trồng lúa ở Vĩnh Phúc giải quyết được vấn đề sử dụng rơm rạ trong việc tận dụng làm nguồn phân bón hữu cơ và nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch lúa, góp phần phát triển nghề trồng lúa hiệu quả, bền vững và thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.

Theo kỹ sư Trần Duy Lịch, Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, hàng năm, toàn tỉnh gieo cấy khoảng hơn 52 nghìn ha cây lúa (vụ xuân hơn 29 nghìn ha, vụ mùa hơn 23 nghìn ha), trong đó huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc diện tích gieo cấy hơn 16.100ha cây lúa, do đó lượng rơm rạ sau thu hoạch là khá lớn.

Trước đây, mỗi khi thu hoạch lúa xong, do nhu cầu sử dụng rơm thấp và khung lịch thời vụ gieo cấy lúa giữa vụ xuân, vụ mùa rất ngắn chỉ khoảng 1 tháng, nên cũng như các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc bà con nông dân thường xuyên đốt rơm rạ tại ruộng, gây ô nhiễm môi trường, làm tăng lượng khí thải và gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa; tập huấn quy trình kỹ thuật, triển khai mô hình; hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ cho cây lúa vụ mùa 2022 với tổng diện tích 5.000ha. Trong đó, 2 huyện trọng điểm lúa của tỉnh gồm Vĩnh Tường và Yên Lạc mỗi địa phương được hỗ trợ 1.000ha.

Tại huyện Vĩnh Tường, với truyền thống thâm canh lúa cao, 2 năm nay, sau khi thực hiện dồn thửa đổi ruộng, nông dân xã Ngũ Kiên đã chủ động đưa nhiều giống lúa mới vào gieo cấy, nhất là vụ mùa 2021, địa phương đã sử dụng hiệu quả chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch với diện tích 70ha đã góp phần đưa năng suất lúa đạt hơn 60 tạ/ha. Năm 2022 cũng cho kết quả tương tự. Dự kiến, năm nay, Vĩnh Tường sẽ lại bội thu. 

Sử dụng chế phẩm vi sinh, các chủng loại vi sinh vật có lợi do các tổ chức nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp sản xuất đảm bảo chất lượng, uy tín. Sản phẩm vi sinh có tác dụng phân hủy nhanh các chất hữu cơ, tăng cường vi sinh vật hữu ích giúp phòng chống các đối tượng dịch hại trên cây lúa; phân giải nhanh gốc rạ, rơm của vụ trước, đồng thời cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây lúa vụ sau; hết hiện tượng nghẹt rễ do ngộ độc chất hữu cơ và vàng lá sinh lý cho cây lúa, giúp cây lúa ra rễ mạnh, tăng sức đề kháng. Sử dụng chế phẩm vi sinh có thành phần: Vi khuẩn axit lactic (Lactobacillus fermentum) 20%, Lactobacillus. Spp: 1.107 CFU/g...

Xem thêm
Lợn cấp cho hộ nghèo bị chết nghi do dịch tả lợn châu Phi

GIA LAI Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pah nghi lợn bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đơn vị đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệp để kết luận nguyên nhân.

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng

AN GIANG Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức 3 lớp tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng.