Tăng giá trị, thu nhập
Dù đã kết thúc nhưng dấu ấn từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT vẫn còn in đậm trên những cánh đồng lúa bạt ngàn của huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Không chỉ là những công trình hạ tầng được đầu tư, mà quy trình sản xuất lúa tiên tiến, giảm phát thải vẫn được bà con nông dân tiếp tục duy trì, mang lại hiệu quả thiết thực.
Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 7A (xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp) là một trong những tổ chức nông dân được chọn tham gia dự án VnSAT và vẫn còn duy trì các hoạt động hiệu quả từ dự án. Giám đốc Đỗ Duy Nguyện cho biết, hợp tác xã được thành lập vào năm 1997, hiện nay có 336 thành viên, diện tích canh tác 640ha, năng lực sản xuất và cung ứng khoảng 4.500 tấn nguyên liệu/vụ, nhiều diện tích hiện đã đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Theo ông Nguyện, tham gia dự án VnSAT, xã viên trong hợp tác xã đã được tập huấn và thực hiện khá tốt kỹ thuật canh tác lúa 1 phải 5 giảm. Sau khi dự án kết thúc, chúng tôi không chỉ tiếp tục duy trì quy trình sản xuất lúa tiên tiến mà còn được đào tạo thực hành nông nghiệp tốt GAP với tiêu chuẩn lúa gạo SRP, với 4 lớp tập huấn.
Nông dân thực hành nông nghiệp đổi mới sáng tạo để gia tăng lợi nhuận và giúp giảm các tác động đến môi trường, bằng cách giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng nước tưới, giảm phân bón hóa học và hóa chất nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính. Để thực hiện, nông dân ứng dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ AWD, tính toán lượng khí phát thải bằng công cụ của IRRI, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, giảm dư lượng MRL và trạm theo dõi dịch hại thông minh hỗ trợ IPM.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hiệp, ông Bùi Quốc Duy cho biết, khi triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Tân Hiệp được Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh chọn 5 xã tham gia là Tân Hiệp A, Tân Hiệp B, Thạnh Đông A, Tân Hội và Thạnh Đông. Trong đó, có 30 hợp tác xã nông nghiệp và 13 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp với 7.342 hộ nông dân, diện tích xây dựng dự án là 12.199ha.
Hoạt động tập huấn, xây dựng mô hình đã được thực hiện rất nhiều ở huyện Tân Hiệp để đẩy nhanh tiến độ áp dụng kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm vào đồng ruộng. Việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã mang lại hiệu quả tích cực cả về xã hội và môi trường.
Cụ thể, nông dân tham gia dự án VnSAT đã giảm lượng phân bón đạm, thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm ô nhiễm môi trường. Hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo theo các tiêu chí VietGAP; tăng giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Sản xuất lúa gắn với tăng trưởng xanh
Dự án VnSAT được thực hiện tại 8 huyện, thành phố của tỉnh Kiên Giang, gồm Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao, Hòn Đất, Giang Thành, U Minh Thượng và thành phố Rạch Giá. Quá trình triển khai, đã có 22 hợp tác xã được đầu tư cơ sở hạ tầng và tập huấn về kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm cho 53 hợp tác xã và tổ hợp tác.
Ông Từ Thanh Long, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT Kiên Giang cho biết, quá trình thực hiện dự án VnSAT, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo cho 19.242 hộ nông dân, trên diện tích canh tác 31.927ha. Trong đó, có khoảng hơn 73% số hộ áp dụng và tiếp tục duy trì kỹ thuật sản xuất 3 giảm 3 tăng trên đồng ruộng, tương ứng với 14.141 hộ, diện tích sản xuất 25.190ha, đạt 120% so với kế hoạch đề ra. Số hộ áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm sau tập huấn là 6.355 hộ (tỷ lệ 64%), diện tích canh tác 11.821ha, đạt 113% so với kế hoạch đề ra. Diện tích sản xuất lúa có hợp đồng bao tiêu 11.860ha, đạt 169% so với kế hoạch.
Phân tích những mặt lợi mà dự án VnSAT mang lại cho nhà nông, ông Long nhận xét, trước dự án (năm 2015) nông dân sử dụng lượng lúa giống bình quân 178 kg/ha, đến nay bình quân còn 125 kg/ha, giảm 53 kg/ha. Tính trên diện tích tham gia dự án VnSAT toàn tỉnh là 40.738ha thì dự án đã giúp tiết kiệm 2.159 tấn lúa giống/vụ, tương đương với hơn 21,5 tỷ đồng.
Tương tự, lượng phân đạm nông dân sử dụng trước dự án bình quân 135kg N/ha, đến nay bình quân còn 109kg N/ha, mức giảm tương đương với hơn 56kg Ure/ha. Toàn vùng dự án VnSAT tại Kiên Giang đã giúp tiết kiệm được 2.301 tấn phân Ure/vụ, so với giá phân hiện nay là tương đương với hơn 39 tỷ đồng. Ngoài ra, việc giảm số lần sử dụng thuốc trừ sâu từ 6 lần (năm 2015) xuống còn 3 lần/vụ cũng giảm được khá nhiều chi phí, giúp bảo vệ môi trường, tạo tiền đề cho sản xuất lúa an toàn bền vững.
Áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật, hiện nay năng suất lúa bình quân đạt 7,6 tấn/ha, tăng 1,4 tấn/ha so với trước dự án, tính cho toàn diện tích dự án 40.738ha thì giúp tăng sản lượng hơn 57.000 tấn lúa thương phẩm, tương đương với hơn 330 tỷ đồng.
Từ những kết quả đã đạt được của dự án VnSAT, đã giúp lan tỏa quy trình sản xuất lúa tiên tiến, ít tác động đến môi trường, giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả… đến các vùng lân cận, đặc biệt là ở các xã tiếp giáp vùng dự án triển khai với diện tích lên đến hàng chục ngàn ha. Đây là tiền đề rất quan trọng để Kiên Giang tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đang được Bộ NN-PTNT triển khai.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, tỉnh Kiên Giang đã đăng ký với Bộ NN-PTNT đến năm 2030 đạt 200.000ha chuyên canh lúa. Cụ thể, khi bắt đầu triển khai sẽ thực hiện trên diện tích khoảng 60.000ha dựa trên diện tích vùng lúa thuộc Dự án VnSAT đã triển khai những năm trước đây. Sau đó Đề án sẽ mở rộng dần dần 100.000ha vào năm 2025 trên địa bàn các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên như Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, vùng Tây Sông Hậu là Tân Hiệp, Giồng Riềng và huyện An Biên, An Minh vùng U Minh Thượng, sẽ mở rộng diện tích đến các huyện Châu Thành, Gò Quao, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận.
Việc tham gia Đề án sẽ hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị. Quy trình sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả hệ thống sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
“Quá trình tập huấn, xây dựng mô hình đã tác động tích cực, giúp nông dân nâng cao kỹ thuật, nâng cao kỹ năng quản lý, xóa bỏ tâm lý sợ rủi ro, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa bền vững, giúp giảm lượng lúa giống gieo sạ, giảm phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường rõ rệt so với trước dự án”, ông Từ Thanh Long, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT Kiên Giang đánh giá.