Lãng phí hàng chục triệu tấn rơm rạ
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hiện nay mỗi năm Việt Nam sản xuất ra khoảng 43 triệu tấn lúa, cùng với đó sẽ có khoảng 47 triệu tấn rơm, rạ. Trong số này, vùng ĐBSCL sản xuất khoảng 24 triệu tấn lúa/năm, với khoảng 26 - 27 triệu tấn rơm rạ.
Lợi ích từ thu gom rơm: Đối với môi trường và cộng đồng, sẽ giảm ô nhiễm, giảm lượng khí thải các bon, cải thiện đa dạng sinh học và tính bền vững. Đối với nông dân trồng lúa sẽ tăng thu nhập từ bán rơm, tăng giá trị của thị trường gạo cao cấp và bán tín chỉ các bon.
Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 30% số rơm rạ được thu gom sử dụng cho các mục đích khác nhau, còn lại 70% (khoảng 32 - 33 triệu tấn/năm) đang bị lãng phí. Phần lớn nông dân có tập quán đốt bỏ rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa. Việc làm này không chỉ gây lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm khói bụi, phát sinh nhiều chất độc hại, làm mất chất dinh dưỡng và làm biến đổi thành phần cơ giới của đất. Nếu không đốt được thì nông dẫn vùi rơm rạ vào ruộng ngập nước, khi phân hủy yếm khí sẽ làm tăng phát thải khí nhà kính, gây ngộ độc hữu cơ cho vụ lúa sau.
Tại Hậu Giang, mỗi năm có trên 1 triệu tấn rơm rạ được thải ra trong quá trình sản xuất lúa. Do tập quán canh tác và những khó khăn về hạ tầng, thiếu máy móc cơ giới nên tỷ lệ thu gom rơm rạ ở Hậu Giang rất thấp.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, là tỉnh thuần nông, diện tích sản xuất lúa của Hậu Giang mỗi năm hơn 190.000ha, sản lượng lúa thu hoạch hơn 1 triệu tấn, với lượng rơm, rạ thải ra cũng tương đương. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom rơm rạ mới chỉ đạt từ 15 - 20%, chủ yếu sử dụng cho trồng nấm rơm, chưa đa dạng cho các mục tiêu khác.
Hơn nữa, hạ tầng giao thông của tỉnh còn hạn chế và bất cập, gây khó khăn cho việc thu gom và tiêu thụ rơm rạ của bà con nông dân. Thiếu công nghệ thu gom và chưa có giải pháp tối ưu xử lý rơm rạ, vì vậy, nông dân thường chọn cách đơn giản là đốt sau khi thu hoạch hoặc vứt bỏ ngay trên đồng ruộng, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường.
“Để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, giảm ô nhiễm môi trường từ sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, cần có công nghệ cơ giới hóa để thu gom rơm rạ hiệu quả, tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Ngành nông nghiệp cần hướng dẫn nông dân sử dụng rơm rạ để trồng nấm rơm, làm thức ăn chăn nuôi gia súc, phủ liếp trồng rau màu, phủ gốc vườn cây ăn trái, ủ phân hữu cơ. Nâng cao nhận thức của nông dân thông qua việc thu gom, xử lý rơm rạ hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, tăng thêm nguồn thu nhập”, ông Trương Cảnh Tuyên đề xuất giải pháp.
Xử lý tốt sẽ biến rơm thành tiền
Theo ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), Việt Nam là nước có diện tích sản xuất lúa trung bình/hộ không lớn, tại vựa lúa ĐBSCL cũng chưa tới 1 ha/hộ. Hơn nữa, thu nhập từ nghề trồng lúa không cao, ngay cả vụ đông xuân nếu trúng mùa, trúng giá cũng chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng/ha. Thế nhưng, ngay cả nguồn thu nhập ít ỏi đó cũng đang bị đe dọa, mà mối đe dọa lớn nhất là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất.
Biến đổi khí hậu là do trong quá trình sản xuất của chúng ta phát ra khí thải, làm khí quyển toàn cầu nóng lên. Để thích ứng, chúng ta phải thay đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống sản xuất. Để giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhà nước phải đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xây dựng những công trình thủy lợi lớn để ngăn mặn xâm nhập, rất tốn kém. Vì vậy, trong quá trình sản xuất, chúng ta phải chú ý và có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, để không làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.
Đối với sản xuất lúa gạo, ngoài việc áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên nước, thì cần thu gom, di chuyển rơm rạ ra khỏi đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch. Mỗi mùa vụ, chúng ta thu hoạch được sản lượng lúa bao nhiêu thì lượng rơm rạ thải ra cũng tương đương. Tại ĐBSCL, lượng rơm rạ thải ra sau khi thu hoạch các vụ lúa ước lến đến khoảng 26 - 27 triệu tấn. Do phần lớn nông dân chỉ chú trọng thu hoạch hạt lúa, nên mới có khoảng 30% lượng rơm được thu gom, còn lại bỏ phí trên đồng ruộng bằng cách đốt hoặc vùi vào ruộng nước, gây ô nhiêm môi trường.
“Nếu áp dụng cơ giới hóa để thu gom rơm rạ và có giải pháp xử lý, chế biến thành các sản phẩm hữu ích, như trồng nấm rơm, phủ vườn trồng cây, rau màu, làm thức ăn chăn nuôi, biến chúng thành phân bón hữu cơ trả lại cho đồng ruộng theo chuỗi kinh tế tuần hoàn thì sẽ tạo ra nguồn tiền không hề nhỏ, giúp tăng thu nhập cho nhà nông”, Chủ tịch Hội đồng quản trị IRRI Cao Đức Phát khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, sản xuất lúa gạo của Việt Nam vẫn còn những khâu bất cập, tổn thất sau thu hoạch lớn, lên đến 10%, các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ là nguồn tài nguyên đẻ ra tiền nhưng vẫn đang bị bỏ phí. Cả nước sản xuất khoảng 42 - 43 triệu tấn lúa/năm, với lượng rơm rạ trên 40 triệu tấn, trong đó khu vực ĐBSCL chiếm hơn 50% số này. Tuy nhiên, từ lâu nông dân vẫn có tập quán đốt rơm rạ sau thu hoạch, xem đây như là biện pháp vệ sinh đồng ruộng. Còn nếu gặp mưa hay ngập nước đốt không được thì bỏ luôn tại ruộng để rơm rạ tự phân hủy. Cách làm này vừa lãng phí vừa phát thải rất lớn về khói bụi, khí nhà kính…
Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp không chỉ tái cơ cấu lại ngành hàng sản xuất mà phải hướng đến phát triển sản xuất bền vững, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập, giúp nông dân giữ đất trồng lúa và sản xuất lâu dài. Trong đó, đề án triển khai thực hiện 1 triệu ha lúa chất lượng cao đang hướng đến mục tiêu đó. Sản xuất lúa chất lượng cao không chỉ đơn thuần là giống, mà còn phải thay đổi tập quán canh tác, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập. Trong đó, thu gom xử lý rơm rạ là một giải pháp vừa giảm phát thải, giảm ô nhiễm, vừa gia tăng giá trị, tạo thêm nguồn thu nhập.
Hiện nay, có nhiều loại máy cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp rất hiệu quả, giảm công sức lao động, như máy làm đất, máy thu hoạch lúa, máy cuốn rơm. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam thì không thể sản xuất riêng lẻ, mỗi nhà mỗi máy, mà phải làm ăn tập thể, vào hợp tác xã, góp sức cùng nhau mua máy, hoạt động chung trên cánh đồng, phát huy hết giá trị công năng của máy.
Bộ NN-PTNT đang triển khai thực hiện thêm Đề án cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển Trung tâm cơ giới hóa ở ĐBSCL, dự kiến chọn tỉnh Hậu Giang để triển khai. Trung tâm này không chỉ là nơi trưng bày, mà còn có sự góp sức của các viện, trường đại học, phát huy vai trò sáng tạo của doanh nghiệp, của những nông dân đam mê nghiên cứu, chế tạo máy móc. Trung tâm sẽ là đầu mối liên kết các viện, trường, doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp, với sự hỗ trợ của chính quyền và ngân hàng tham gia cho vay tín dụng ưu đãi. Qua đó, đẩy nhanh ứng dụng các loại máy cơ giới vào phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) đề xuất chương trình Kinh tế tuần hoàn từ rơm, giúp sản xuất các sản phẩm từ rơm như trồng nấm rơm, làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, làm nguyên liệu sản xuất nhựa sinh học...