| Hotline: 0983.970.780

Giảm phát thải trong trồng lúa

'1 phải 5 giảm' giảm 8 tấn CO2e/ha/năm

Thứ Ba 25/07/2023 , 06:00 (GMT+7)

ĐBSCL Đó là tính toán của chuyên gia Ngân hàng Thế giới và nếu nhân rộng kỹ thuật 1 phải 5 giảm ra toàn vùng ĐBSCL có thể giảm 10 triệu tấn CO2e/năm.

Giảm mạnh yếu tố gây hại, tăng ấn tượng cái lợi

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng vào cam kết của Việt Nam với Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, với mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê tan vào năm 2030, tương đương khoảng 6,8 triệu tấn CO2e mỗi năm và 25,8 triệu tấn CO2e vào năm 2050.

Theo Báo cáo Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, việc áp dụng hiệu quả kỹ thuật 1 phải 5 giảm (1P5G) có thể giúp bà con nông dân duy trì hoặc gia tăng sản lượng, thu nhập, giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả.

Áp dụng hiệu quả kỹ thuật 1 phải 5 giảm giúp bà con nông dân duy trì hoặc gia tăng sản lượng, thu nhập, giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Áp dụng hiệu quả kỹ thuật 1 phải 5 giảm giúp bà con nông dân duy trì hoặc gia tăng sản lượng, thu nhập, giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Kỹ thuật 1P5G là gói nông học nhằm giảm bớt sử dụng phân bón và các yếu tố đầu vào khác. 1P5G là sử dụng giống lúa được chứng nhận và giảm lượng hạt giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nước và thất thoát sau thu hoạch.

Kỹ thuật này được phát triển bởi Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) và lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam vào năm 2013 thông qua dự án Cạnh tranh ngành Nông nghiệp (Dự án ACP).

Thời điểm đó, dự án ACP triển khai trên quy mô khoảng 42.000ha tại một số địa phương vùng ĐBSCL. Dữ liệu do IRRI thu thập được từ vụ hè thu 2013 cho thấy, áp dụng kỹ thuật 1P5G giúp giảm mức độ sử dụng hạt giống xuống 29 - 50%, phân bón hóa học cũng sẽ kéo giảm 22 - 50%, giảm lượng nước sử dụng 30 - 50%, thuốc bảo vệ thực vật giảm 20 - 33%.

Từ đó, chi phí sản xuất cũng giảm khoảng 4 triệu đồng/ha. Ngoài ra, việc áp dụng 1P5G giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính khoảng 26,6% vào vụ đông xuân và gần 30% ở vụ hè thu. Đến vụ thu đông 2013 cũng thu được kết quả tương tự.

Tiếp đến, trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), hơn 262.000 nông dân trồng lúa ở 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL được hỗ trợ áp dụng kỹ thuật 1P5G. Thống kê từ WB, hiệu quả từ kỹ thuật này đã giúp nông dân giảm sử dụng vật tư đầu vào 20 - 30%, tăng năng suất lúa 3 - 4%, tăng giá bán 5 - 10% và thúc đẩy lợi nhuận trung bình tăng khoảng 28%. Dự án VnSAT đã giảm phát thải khí nhà kính gần 1,5 triệu tấn CO2e.

Trong khuôn khổ Dự án VnSAT, hơn 262.000 nông dân trồng lúa ở 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL được hỗ trợ áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm. Ảnh: Kim Anh.

Trong khuôn khổ Dự án VnSAT, hơn 262.000 nông dân trồng lúa ở 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL được hỗ trợ áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm. Ảnh: Kim Anh.

Đến nay, tại ĐBSCL nhiều dự án thí điểm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa đã được triển khai. Mỗi dự án cũng có những kết quả khác nhau, xuất phát từ việc áp dụng công nghệ, yếu tố thời tiết, mùa vụ và địa điểm khác nhau. Tuy nhiên, có thể khẳng định tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc áp dụng kỹ thuật 1P5G rất rõ nét so với phương pháp canh tác truyền thống và được nhân rộng tại nhiều địa phương trong vùng.

Đặc biệt, trong “Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL” được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) ban hành vào tháng 4/2022, kỹ thuật 1P5G cũng trở thành một trong những phương pháp hiệu quả được đưa vào áp dụng. Điểm nhấn của quy trình là thực hiện giảm lượng giống gieo sạ không quá 80 kg/ha cho phương pháp sạ lan (sạ bằng tay, máy phun hạt), sạ hàng hoặc không quá 60 kg/ha cho phương pháp sạ theo cụm (khóm).

Đồng thời, yêu cầu bà con nông dân sử dụng giống xác nhận, giảm lượng phân bón hóa học. Nhất là bón phân cần đảm bảo các nguyên tắc: Bón đạm nặng đầu nhẹ cuối, có gia giảm theo thực trạng cây lúa; bón lân sớm, tập trung bón lót, bón đợt 1, đợt 2; bón kali tập trung cho đợt đón đòng, có thể bổ sung cho đợt 1 nếu cần thiết.

Mỗi hecta lúa áp dụng 1P5G sẽ giảm được 8 tấn CO2e/năm

An Giang là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn ở ĐBSCL, quy mô gieo trồng hàng năm trên 600.000ha. Từ vụ hè thu năm 2009, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai thí điểm chương trình kỹ thuật 1P5G tại thành phố Châu Đốc, huyện An Phú và Thoại Sơn. Từ những kết quả khả quan những ngày đầu, ngành nông nghiệp tỉnh xác định, kỹ thuật 1P5G là biện pháp hiệu quả giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, lợi nhuận. Từ đó, địa phương đã và đang triển khai nhiều chương trình kỹ thuật canh tác lúa bền vững, trọng tâm là 1P5G, quản lý tưới nước tiết kiệm.

Tại Cần Thơ, trong vụ lúa thu đông 2017, Dự án VnSAT đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật canh tác 1P5G cho bà con nông dân ở các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh. Ngoài ra, Sở NN-PTNT thành phố cũng tổ chức nhiều điểm trình diễn áp dụng quy trình này trên quy mô từ 2 - 3ha.

1 phải 5 giảm trở thành một trong những quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến trong các chương trình, đề án lớn mà Bộ NN-PTNT và các địa phương ĐBSCL đang hướng đến. Ảnh: Kim Anh.

1 phải 5 giảm trở thành một trong những quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến trong các chương trình, đề án lớn mà Bộ NN-PTNT và các địa phương ĐBSCL đang hướng đến. Ảnh: Kim Anh.

Đánh giá tổng kết dự án VnSAT tại Cần Thơ cho thấy, hơn 32.000 nông dân đã và đang áp dụng kỹ thuật 1P5G, trên 140 cánh đồng mẫu lớn, với quy mô 38.000ha.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ, việc tổ chức các điểm trình diễn để khẳng định tính ưu việt của quy trình, như vậy bà con nông dân có thể mạnh dạn áp dụng 1P5G vào sản xuất lúa.

Nông dân Nguyễn Thanh Hồng ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) canh tác hơn 10 công đất lúa (1 công = 1.300m2). 100% diện tích này đã được ông áp dụng quy trình kỹ thuật 1P5G từ năm 8 năm trước. Theo ông Hồng, nếu canh tác lúa truyền thống, mỗi vụ lúa trung bình ông gieo sạ từ 20 - 25kg lúa giống/công, lượng phân bón các loại cũng rơi vào khoảng 60 kg/công. Tham gia nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật 1P5G, ông mạnh dạn áp dụng, giảm lượng giống gieo sạ hiện nay chỉ còn khoảng 13 kg/công, lượng phân bón hóa học và hữu cơ được ông sử dụng theo tỷ lệ 60:40.

Nếu xét về hiệu quả, mỗi vụ lúa ông Hồng có thể tiết kiệm khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/ha so với cách làm truyền thống trước đây.

1P5G hiện được xem là biện pháp kỹ thuật, thực hành sản xuất lúa tốt, tiên tiến hiện nay. Đặc biệt là phù hợp với định hướng chuyển đổi nền nông nghiệp phát thải thấp, tăng trưởng xanh và bền vững.

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, giúp chi phí đầu vào, phù hợp với kỹ thuật canh tác 1 phải 5 giảm. Ảnh: Kim Anh.

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, giúp chi phí đầu vào, phù hợp với kỹ thuật canh tác 1 phải 5 giảm. Ảnh: Kim Anh.

Trong dự thảo Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, Bộ NN-PTNT cũng hướng đến áp dụng các quy trình canh tác bền vững giảm sử dụng nguyên liệu đầu vào. Sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường, giảm thiểu sử dụng tài nguyên. Từ đó tiến đến giảm phát thải nhà kính.

Ước tính sơ bộ từ Bộ NN-PTNT, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đến năm 2030 là trên 11,5 triệu tấn CO2e theo dự án VnSAT và áp dụng quy trình 1P5G.

Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB, ông Cao Thăng Bình đánh giá, nếu nông dân ĐBSCL áp dụng tốt kỹ thuật 1P5G sẽ giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính. Ông Bình đánh giá, bài học từ dự án VnSAT cho thấy việc áp dụng kỹ thuật 1P5G trong canh tác lúa có thể giúp nông dân tăng năng suất lên 5% và giảm phát thải khí nhà kính ở mức khoảng 8 tấn CO2e/ha/năm. Nếu nhân rộng toàn vùng ĐBSCL tương đương giảm khoảng 10 triệu tấn CO2e/năm. Một con số khá lớn, đóng góp quan trọng vào việc bán tín chỉ các bon.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, lượng nước sử dụng cho tưới tiêu ở Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Diện tích lúa được tưới ước tính vào năm 2018 đạt trên 65%, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Để sản xuất ra 1kg gạo cần phải sử dụng từ 3.000 - 5.000 lít nước, nhiều hơn nhiều loại cây trồng chủ lực khác. Việc sử dụng nhiều nước trong canh tác lúa cùng với nguồn nước ngọt ngày càng cạn kiệt ở ĐBSCL là trở ngại lớn cho việc mở rộng trồng lúa, thậm chí là duy trì sản xuất.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).