| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 06/04/2024 , 08:24 (GMT+7)
Nguyễn Thị Mai Hiên

Nguyễn Thị Mai Hiên

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) 08:24 - 06/04/2024

Đốt rơm: Câu chuyện cũ, nỗi buồn mới

Cái chết thương tâm của người nông dân lại dậy lên câu chuyện đốt rơm rạ sau mùa gặt – câu chuyện cũ chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn là mục tiêu phát triển của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Ở đó, giá trị của trồng lúa không chỉ đơn thuần là lúa mà còn là giá trị nuôi trồng thủy sản kết hợp, là bán, xử lý rơm rạ để làm nấm rơm, phân bón, thức ăn cho trâu, bò, dê, cừu… đến các giá trị giảm phát thải khí nhà kính khi canh tác nông nghiệp thân thiện, bảo vệ môi trường.

Mùa gặt lúa là mùa vàng, mùa vui của bà con nông dân. Thế nhưng, ngày 3/4 tại thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra một vụ tử vong thật đáng buồn khi người nông dân ra đồng đốt rơm, vệ sinh đồng ruộng đã bị ngạt khói.

Cái chết thương tâm của người nông dân lại dậy lên câu chuyện đốt rơm rạ sau mùa gặt - câu chuyện cũ chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Luật Trồng trọt được Quốc hội ban hành năm 2018 đã có quy định rõ tại Điều 76 rằng “Phụ phẩm cây trồng phải được thu gom, xử lý, sử dụng phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường và lan truyền sinh vật gây hại” và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT quy định cụ thể việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng.

Theo đó, việc xử lý phụ phẩm cây trồng (trong đó có rơm rạ) được thực hiện bằng cách: (i) Cày vùi hoặc phay; (ii) ép xanh theo rãnh hoặc phủ luống; (iii) vùi trong hố đa năng hoặc che tủ gốc cây trồng, che phủ đất; (iv) ủ làm phân bón hữu cơ truyền thống; (v) phơi khô. Việc xử lý phụ phẩm cây trồng bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại.

Trường hợp tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ phạt cảnh cáo đối với vi phạm lần đầu, đến phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần đối với một trong các hành vi không thu gom phụ phẩm cây trồng; hoặc thu gom, vận chuyển phụ phẩm cây trồng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giao thông (Điều 19 Nghị định số 31/2023/NĐ-CP ngày 9/6/2023 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt).

Có quy định, có chế tài để xử lý đối với hành vi không thu gom phụ phẩm cây trồng nhưng thực tế hiện tượng này vẫn xảy ra phổ biến tại các vùng quê nhất là đối với rơm rạ sau mùa gặt. Đốt rơm rạ không chỉ là hành động lãng phí một nguyên liệu thực sự có giá trị để sản xuất nấm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón hoặc làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác mà còn gây ô nhiễm môi trường, tác động đến sinh vật có ích trong canh tác.

Chính quyền địa phương nhiều nơi thực sự lo ngại trước hiện tượng này nhưng thay vì đề xuất cấm thì nên tuyên truyền hướng dẫn bà con thu gom rơm rạ hoặc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học cày vùi vào đất trả lại hữu cơ cho đất; hỗ trợ bà con xây dựng và thực hành các mô hình ủ rơm rạ làm phân bón, sử dụng rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi theo từng khu vực, địa bàn; hỗ trợ trực tiếp bà con nông dân từ chế phẩm sinh học đến phương pháp ủ rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi, phân bón; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức thu gom rơm rạ của bà con đến hỗ trợ phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ rơm rạ… và chỉ khi nào việc thu gom, sử dụng rơm rạ mang lại hiệu quả kinh tế thì khi đó hiện tượng đốt rơm rạ sau mùa gặt sẽ tự động chấm dứt.