| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 22/11/2021 , 11:27 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 11:27 - 22/11/2021

Dự đoán lãi - lỗ đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Ngày 21/11, tàu chạy trên đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông bán vé, với mục đích lấy tiền chi cho bộ máy vận hành rồi 'trước là hòa vốn, còn sau thì lời'.

Trong những ngày này, giới chuyên gia đã đưa ra rất nhiều dự đoán về lãi - lỗ của dự án này trong quá trình vận hành khai thác thương mại. Tựu trung, những ý kiến của chuyên gia chia làm hai phía.

Phía thứ nhất, theo TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn công nghệ và quản lý TP Hồ Chí Minh (HASCON), Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học (EE) thì nếu khai thác được 65% sức chở của tàu, chạy được 360 chuyến/ngày cả hai chiều, với giá vé 15.000 đồng/người/lượt, thì doanh thu mỗi năm đạt khoảng 1.230 tỷ đồng.

Và nếu tính tỷ lệ lãi suất là 30% (gấp rưỡi việc kinh doanh đường sắt thông thường), thì mỗi năm sẽ lãi được 369 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư cho dự án này là  20.079 tỷ đồng. Với mức lãi này, thì sau 54 năm, chúng ta sẽ thu hồi được vốn (với các nước khác, thời gian thu hồi vốn cho các dự án tương tự bình quân là 8 năm).

Như vậy là dự án có thể có lãi. Chỉ có điều sau 54 năm, thì đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ còn lại cái gì? Bản thân nó, hiện tại đã lạc hậu rồi thì sau chừng ấy năm, nó sẽ lạc hậu đến mức nào trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải? Và để duy trì cho dự án vận hành được trong hơn nửa thế kỷ đó, phải đổ vào đó bao nhiêu là tiền để duy tu, bảo dưỡng đường, thay mới hoặc nâng cấp thiết bị?

Phía thứ hai, theo PGS.TS Nguyễn Quang Toàn, nguyên Trưởng bộ môn Đường bộ (Trường Đại học Giao thông - Vận tải), thì đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, xét về hiệu quả kinh tế thì không lỗ, chỉ có hiệu quả tài chính là lỗ. Lỗ về tài chính, là người tham gia giao thông bằng phương tiện này ít, tiền vé thu được không đủ chi, Nhà nước sẽ phải bù lỗ.

Còn hiệu quả kinh tế sẽ rất cao, đó là việc dùng vốn của cộng đồng để đầu tư phục vụ cộng đồng, rút ngắn thời gian đi lại của dân (đường sắt trên cao sẽ không trở thành nạn nhân của tắc đường như các phương tiện khác), chủ yếu là người đi làm, đi học, cải thiện bộ mặt giao thông của Thủ đô, có điều kiện miễn giảm vé cho các gia đình chính sách và gia đình nghèo, thể hiện tính nhân văn của chế độ. Đó chính là hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Lập luận này khiến không ít người thấy chưa thỏa đáng. Dùng vốn của cộng đồng để phục vụ cộng đồng, không có nghĩa là dùng kiểu “vung tay áo xô đốt nhà táng giấy” như dự án này. Và dự án nào mang lại hiệu quả tài chính mà không đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội? Nếu dự án nào mà Nhà nước cũng phải bù lỗ, thì nền kinh tế chắc chắn sẽ chồng chất khó khăn.

Nhưng, mọi dự đoán vẫn chỉ là dự đoán, vì “mọi lý thuyết đều màu xám”. Cây đời còn ở phía trước...

Bình luận mới nhất