Nhằm đáp ứng nhu cầu chưng mâm ngũ quả ngày tết, nông dân tỉnh Tiền Giang trồng đu đủ vàng với diện tích hàng chục héc ta, mang đến cho nhiều gia đình có một cái tết ấm no, sung túc và trọn vẹn hơn.
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 30 ha đu đủ vàng, trồng nhiều nhất tại huyện Cái Bè với hơn 10 ha. Những ngày này về lại xã Tân Hưng, Hòa Hưng (Cái Bè), ven các đường lộ liên ấp, liên xã sẽ thấy xuất hiện hàng loạt diện tích đủ đủ vàng, khóm son, khóm phụng...
Theo các nhà vườn, muốn có đu đủ vàng bán vào dịp Tết Nguyên đán, thì ngay từ tháng 6 bắt đầu ươm giống. Trồng đến ngày thu hoạch, trái đạt yêu cầu mất khoảng 6 tháng. Trước khi trồng nên bón lót phân hữu cơ, nhất là phân rác ủ oai, vì đu đủ thích nghi với phân hữu cơ nhiều hơn những loại phân hóa học.
Đu đủ vàng có đặc điểm trái sai, cao khoảng 50 cm là bắt đầu cho trái (cây ít nhất cũng trên 20 trái, những cây sai trái trên 30 kg), vốn đầu tư ít, không tốn nhiều công chăm sóc như các loại cây ăn quả khác, nhưng cần chú ý tới bệnh đầu lân.
Bệnh này hay xuất hiện ở đọt cây do côn trùng chích từ cây có bệnh lây sang cây không có bệnh, từ đó diện tích nhiễm bệnh lây lan nhanh. Năm nay, do thời tiết thất thường, nắng nóng cộng với mưa kéo dài nên xảy ra hiện tượng rụng trái non khi còn nhỏ.
Ông Phan Văn Nho, xã Tân Hưng (Châu Thành, Tiền Giang) nhiều năm liền gắn bó với cây đu đủ vàng vào dịp tết phấn khởi nói: “Năm nào cứ tết đến, xuân về là gia đình tôi trồng đu đủ vàng vào những khoảng đất trống, vừa tiết kiệm đất, vừa tiết kiệm được chi phí, làm một được hai.
Năm trước tôi trồng gần 1.000 cây vụ tết thu lãi 60 triệu đồng. Năm nay, trồng hơn 1.000 cây hy vọng giá cao như mọi năm để gia đình có một cái tết sung túc hơn”.
Hiện thương lái tìm đến tận các vườn, đặt cọc thu mua với giá 12.000 đ/kg (trái từ 80 - 800 gr), khiến cho người trồng thêm phấn khởi vào vụ tết.
Dù không phải là cây trồng chủ lực của nông dân, nhưng mỗi khi tết đến thì diện tích trồng đu đủ vàng tăng lên đáng kể, góp phần tô điểm cho mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên thêm đầy đủ, ý nghĩa. |
Bình quân, mỗi công đất trồng xen canh đu đủ vàng với các loại cây ăn trái khác sau khi trừ chi phí, người trồng thu lãi hơn 10 triệu đồng. Chính những đặc tính dễ trồng, không kén đất, trái sai nên được nhiều bà con lựa chọn trồng vào dịp tết.
Bà Nguyễn Thị Út, xã Tân Thanh phấn khởi cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ tết đến là gia đình tôi trồng vài trăm cây đu đủ vàng để bán.
Đu đủ rất dễ trồng, chi phí đầu tư ít, nếu bán được giá khoảng 3.000 đồng/kg là người trồng bắt đầu có lãi. Với giá cao như các thương lái đặt cọc hiện tại, bà con chúng tôi năm nay sẽ trúng mùa được giá”.
Hằng năm, các ngành chức năng luôn có định hướng giúp bà con chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, nhất là việc xen canh các loại cây trồng được thị trường ưa chuộng vào dịp tết, qua đó góp phần nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: “Tân Hưng là một trong những xã của huyện Cái Bè sống chủ yếu bằng việc trồng cây ăn trái.
Vì vậy, hàng năm chúng tôi luôn định hướng để bà con chuyển đổi, trồng những loại cây phục vụ tết như đu đủ vàng, khóm phụng, khóm son… để có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyên bà con không nên ồ ạt trồng một loại cây sẽ dễ dẫn đến cung vượt cầu, giá sẽ tuột xuống thấp và khó tiêu thụ”.