| Hotline: 0983.970.780

Du lịch sông nước miệt vườn gắn với vườn cây ăn trái

Thứ Tư 21/04/2010 , 10:53 (GMT+7)

Du lịch sông nước miệt vườn là loại hình mà nhiều năm qua Tiền Giang đã thu hút được lượng khách thập phương đáng kể, nhất là người nước ngoài...

Ông Phan Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

Du lịch sông nước miệt vườn là loại hình mà nhiều năm qua Tiền Giang đã thu hút được lượng khách thập phương đáng kể, nhất là người nước ngoài đến địa phương. Nhân dịp Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất - năm 2010, ông Phan Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam một số vấn đề mà ông từng quan tâm trên cương vị quản lý.

- Thưa ông, có người cho rằng sản phẩm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long còn đơn điệu, trùng lắp nên chưa hấp dẫn lắm?

Có thể thông cảm cho những người có suy nghĩ như vậy, khi họ được quảng cáo du lịch sinh thái mà bị đưa đến những vườn cây thưa thớt, ít có những trái cây đặc sản; thậm chí có khi phải ăn trái cây mua từ chợ đem về miệt vườn với giá cao. Theo tôi, không thể căn cứ vào một vài cơ sở làm ăn thiếu đầu tư này để đánh giá du lịch đồng bằng như vậy. Bạn thử tưởng tượng, bạn rời vùng núi đồi, biển cả, hay nơi đô thị để đến một vùng đồng bằng sông nước bằng những ghe xuồng, ngang dọc trên sông, kinh, rạch, cũng là một niềm thú vị lớn rồi; huống chi bạn được bước vào những vườn cây xanh mát, có hoa kiểng, mương ao; được thưởng thức những trái cây đặc sản bốn mùa của chính những nhà vườn hoặc chính tay bạn vừa hái xuống thì thật hấp dẫn. Tiền Giang và một số tỉnh lân cận như Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp… có được nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đúng nghĩa “sông nước miệt vườn”.

Trong những năm gần đây, dòng khách du lịch quốc tế đến Tiền Giang tăng bình quân 15%, Tiền Giang là một trong những tỉnh có tỷ lệ khách quốc tế tăng cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 2000, du lịch Tiền Giang đã đón được 323.053 lượt khách và đến năm 2009 mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Tiền Giang cũng đã đón được 866.401 lượt khách, tăng 8,87% so năm 2008, trong đó có 460.756 khách quốc tế. Năm 2010, Tiền Giang dự kiến đón được 945.385 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 460.047 lượt.

Trong xu thế cạnh tranh và hội nhập, Tiền Giang vẫn chưa hài lòng với những gì đạt được trong hoạt động du lịch và đang nỗ lực nhiều hơn. Trước mắt, ngành du lịch đang chuẩn bị nhiều tour tuyến, những điểm tham quan hấp dẫn phục vụ du khách trong và ngoài nước về tham dự Festival trái cây diễn ra tại Tiền Giang, đồng thời đẩy mạnh liên kết, kêu gọi đầu tư thúc đẩy du lịch tăng tốc trong thời gian tới.

- Đợt Festival trái cây lần này cũng là dịp ông muốn quảng bá với khách về loại hình du lịch sông nước miệt vườn, gắn với vườn cây ăn trái của Tiền Giang?

Chúng tôi hy vọng sẽ làm được “một công hai việc”: Vừa là đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, vừa quảng bá hình ảnh du lịch vùng ĐBSCL. Hiện nay, Tiền Giang có những điểm du lịch lý tưởng, như du lịch trên sông Tiền, thăm các cồn được đặt tên theo nhóm tứ linh: cồn Long (Rồng), cồn Lân (Kỳ Lân - còn có tên gọi là cồn Thới Sơn), cồn Quy (Rùa), cồn Phụng (Phượng hoàng), nằm rải rác trên một khúc sông rộng, là mặt tiền của thành phố Mỹ Tho. Đặc biệt hai cồn Thới Sơn và cồn Phụng là có nhiều vườn cây ăn trái. Một tuyến du lịch sông nước xa hơn gắn với nhiều miệt vườn là ngược dòng sông Tiền về các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè với nhiều xã vườn nổi tiếng, như: Song Thuận, Kim Sơn, Phú Phong (Châu Thành) với vườn vú sữa Lò Rèn, cam mật, cam sành và sa pô; rồi cù lao Năm Thôn - Ngũ Hiệp (Cai Lậy) với vườn sầu riêng, nhãn, mận; cù lao Tân Phong, Hòa Khánh, Mỹ Lương, Hòa Hưng (Cái Bè) với vườn xoài, mận, bưởi, nhãn, chôm chôm. Riêng ở Cái Bè, bạn còn được sống lại trong cảnh sinh hoạt xưa với hình thức Chợ Nổi. Chợ được nhóm vào buổi chiều, khi các ghe, xuồng của bốn tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, từ năm ngã của sông rạch tụ về với những hàng nông sản được treo lủng lẳng trên những “cây bẹo”. Chính vì lí do du lịch mà Tiền Giang tổ chức lễ hội Chợ Nổi Cái Bè 3 ngày, từ 20 -22/4 trong dịp Festival này.

- Tiền Giang chỉ có du lịch sinh thái miệt vườn?

Thật ra, vì Festival trái cây, nên chúng tôi nhấn mạnh đến chủ đề du lịch sông nước miệt vườn, du lịch gắn với vườn cây ăn trái, chứ ở Tiền Giang còn có nhiều loại hình du lịch khác như: Du lịch tìm hiểu các làng nghề truyền thống, du lịch biển, du lịch rừng sinh thái tràm, đặc biệt là du lịch lịch sử về nguồn, gắn với những nơi và con người của lịch sử như: khu du lịch “Đám lá tối trời”, căn cứ của nghĩa quân Trương Định, du lịch ngược dòng sông Bảo Định về Mỹ Tịnh An, nơi yên nghỉ của nhà thơ yêu nước Thủ Khoa Huân, du lịch tìm hiểu về lịch sử Cách mạng, như đình Long Hưng, địa điểm nổ ra cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, vùng Ấp Bắc, nơi diễn ra trận đánh oanh liệt của dân quân tỉnh Tiền Giang đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ - ngụy, thời kháng chiến chống Mỹ...

- Festival còn có những hoạt độngnào để thu hút du khách, thưa ông?

Ngoài các cuộc hội thi, hội thảo, lễ hội Chợ Nổi là những hoạt động chính của Festival trái cây, còn có nhiều lễ hội khác như: lễ hội ẩm thực, lễ hội đường phố, lễ hội hóa trang, lễ hội pháo hoa, chung kết “Duyên dáng thôn nữ miệt vườn”, giải bóng đá chân đất “Nông dân miệt vườn” với sự tham gia của các tỉnh bạn; thiết lập các kỷ lục Việt Nam… và nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao hấp dẫn, nhằm thu hút du khách đến với Festival trái cây Việt Nam.

- Nhân đây, xin ông cho biết các giải pháp của tỉnh để phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái trong thời gian sắp tới?

Để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái, tỉnh đã đề ra 5 giải pháp lớn: Quy hoạch phát triển du lịch dựa trên lợi thế so sánh, tập trung đầu tư các dự án phát triển sản phẩm có tính đặc trưng riêng biệt vùng sông nước miệt vườn; Liên kết hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL; Đầu tư kết cấu hạ tầng đến các vùng có vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương; Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

- Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.