Ước mơ nuôi heo rừng
Anh Dinh kể, khi còn ngồi trên ghế nhà trường ước mơ làm chủ đã nhen nhóm nên anh thường lục lọi sách báo để tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới, lạ, đặc biệt là những mô hình liên quan đến chăn nuôi heo.
Anh Dinh nuôi heo rừng trên đệm lót sinh học và cho ăn thức ăn thảo dược |
Phát hiện mô hình nuôi heo rừng có nhiều thú vị, anh Dinh quyết định tìm hiểu sâu hơn và nhận thấy, đây là loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, mọi kế hoạch chỉ dừng lại ở ý tưởng vì không có tiền, gia đình lại kịch liệt phản đối vì cho rằng ý tưởng này là viển vông.
Ra trường năm 2013, anh Dinh dùng số tiền tích cóp từ việc phụ hồ, phục vụ quán ăn, anh mua được 2 con heo rừng mang về quê nuôi trên diện tích 50m2 đất trong vườn nhãn của gia đình. Rồi 2 con heo sinh sản, anh để lại làm giống nhân đàn. Anh còn mua thêm heo con về nuôi, toàn tâm toàn ý tập trung cho đàn heo. Do đã có sự chuẩn bị từ trước về nguồn giống, kiến thức, anh Dinh chỉ cần bắt tay vào nhân rộng bầy heo.
Anh Dinh chia sẻ: Tôi nuôi heo rừng bằng niềm đam mê nhưng áp dụng nuôi bằng cách cũ, ban đầu nuôi heo thả rông sống hoan dã với diện tích gần công đất, xung quanh có bao lưới B40 không cho heo ra ngoài. Heo rừng là đối tượng nuôi khá mới ở địa phương, nhưng lại dùng cách rất cổ điển để làm, nên chi phí không cao, ai cũng làm được.
Theo lý giải của kỹ sư chăn nuôi này, cách cũ mà anh tận dụng nằm ở nguồn thức ăn có sẵn xung quanh nhà như: lục bình, khoai lang, cây chuối, khoai lang, bả hèm… Hầu như toàn bộ thức ăn đều tận dụng từ tự nhiên, với giá rất rẻ nên không tốn kém.
Nhờ cách nuôi đó mà đến nay, đàn heo của anh Dinh phát triển đã tăng lên khoảng 700 con lớn nhỏ với diện tích nuôi gần 2.500m2, trong đó có 70 con heo nái cho sinh sản quanh năm. Trung bình mỗi tháng anh Dinh xuất bán khoảng 250 con heo giống và thịt.
Ngoài ra, anh còn hợp tác chăn nuôi với các hộ khác để cung ứng khoảng 200 con/tháng cho các đầu mối tại các tỉnh vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ. Sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng anh Dinh bỏ túi hơn 700 triệu đồng.
Từ thành công trên, anh Đoàn Phan Dinh đã thành lập Cty TNHH Thương mại - dịch vụ Heo Rừng do mình làm giám đốc để liên kết SX với nhiều hộ nuôi heo rừng, cùng họ làm giàu.
Liên kết nuôi heo sạch
Thời gian gần đây, trụ sở Cty Heo Rừng luôn rộn ràng khách đến tham quan, học hỏi cách nuôi và ký hợp đồng liên kết. Vốn lớn lên từ cái nghèo khó, ba mẹ cũng là nông dân, nên anh biết người nông dân cần gì, muốn gì. Trao đổi với chúng tôi, anh Dinh khẳng định: "Tôi đảm bảo liên kết với người dân theo phương chăm người nuôi có lời, người ăn có lợi".
Sau khi đã thành công với cách tổ chức SX tại gia đình, anh Dinh quyết định mở rộng SX thông qua việc tìm kiếm một cách làm ăn mới, đưa giống heo chất lượng đến với nông dân để cùng nhau làm giàu. Anh bán heo giống cho người nuôi, sau đó sẽ cho người tư vấn kỹ thuật đến từ hộ nuôi hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh và theo dõi qua hệ thống camera giám sát từ xa, cách thức cho ăn, tiêm phòng vắc xin… rồi thu mua lại heo thịt hoặc heo giống với giá cao hơn so với giá thị trường.
Mỗi năm anh Dinh thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ heo rừng |
Nói về một số kỹ thuật trong chăn nuôi heo rừng, anh Dinh chia sẻ: yếu tố tiên quyết của việc nuôi heo rừng là cách xây dựng chuồng trại. Chuồng phải được phân ra từng lô với những chức năng chuyên dụng riêng. Heo từ 3 – 4 tháng tuổi được nuôi phân lô với chiều ngang 1,8 – 2m, dài 5 – 6m, thả nuôi 10 con. Khi sắp xuất bán thì heo được đưa vào ô trống ngoài trời với chiều ngang 10m, dài 17m và thả thành đàn từ 40 – 50 con nhằm để chúng cạnh tranh thức ăn, giúp thịt săn chắc. Ngoài ra, đối với chuồng nuôi heo nái bầu phải có chắn gió và che mưa.
Để việc nuôi heo hiệu quả, anh Dinh sử dụng đệm lót sinh học với lớp dưới cùng là đất mặt, lớp giữa là 20cm cát, phía trên là 20cm trấu, nhằm hạn chế mùi hôi, hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, để cho đệm lót không bị xơ cứng, anh còn thả gà vào chuồng nuôi nhằm bới trấu lên cho men phát triển.
Từ những thành công nói trên, cuối năm 2018 anh Dinh đạt giải thưởng Lương Định Của. Đây là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng hằng năm nhằm động viên, cổ vũ thanh niên nông thôn xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của đất nước. |
Đứng cạnh đàn heo rừng được thiết kế khoa học, anh Dinh cho biết thêm: Heo rừng là loài vật hoang dã, dễ nuôi nên hộ chăn nuôi có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn từ tự nhiên để giảm chi phí trong quá trình chăn nuôi. Theo đó, chi phí để mua thức ăn công nghiệp và cám nhuyễn là khoảng 15%, còn lại 85% là phụ phẩm tự kiếm tại địa phương.
Hiện tại anh Dinh còn mở ra hướng nuôi mới là cho ăn các loại cây thảo dược như đinh lăng, chùm ngây, bìm bịp, kim tiền, tam thất, sâm đất… giúp heo có sức đề kháng cao.
Theo anh Dinh, sắp tới, để nâng chất lượng đồng loạt cho heo rừng ở khu vực miền Tây thì trang trại của anh sẽ mở các lớp chia sẻ kinh nghiệm cũng như cung cấp nguồn giống và bao tiêu sản phẩm với mong muốn đưa ra sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mang đến lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Định hướng phát triển của anh Dinh, sẽ tiếp tục mở rộng liên kết và bao tiêu sản phẩm cho người dân cả ĐBSCL. Bên cạnh đó, anh đang hoàn thành các thủ tục nuôi heo hướng VietGAHP. Đảm bảo nuôi heo rừng theo tiêu chí sạch, không gây ảnh hưởng môi trường.
Không dừng ở đó anh Dinh còn mở các cửa hàng cung cấp heo sạch ở khắp các tỉnh ĐBSCL, cho ra các sản phẩm thịt heo đóng gói như thịt heo tươi ướp gia vị, heo quay, xong khói, gác bếp, thịt heo rừng một nắng…
Ông Huỳnh Thành Tâm, Trưởng trạm Thú y huyện Châu Thành cho biết, mô hình này phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân địa phương. Nông hộ có thể tận dụng lao động nhàn rỗi trong gia đình cũng như nguồn thức ăn có sẵn. Sản phẩm thịt heo rừng rất chất lượng, hấp dẫn người tiêu dùng. Đặc biệt trang trại chăn nuôi heo rừng của anh Dinh đang được nâng cấp và mở rộng qui mô SX theo hình thức cùng liên kết với nông dân.
“Nếu bà con thiếu vốn, Cty sẵn sàng góp vốn theo tỷ lệ thỏa thuận cùng đầu tư với người nuôi, lợi nhuận được chia theo tỷ lệ đầu tư. Đặc biệt, Cty Heo Rừng cam kết, sau 3 năm nuôi, người dân không sinh lợi, có quyền trả lại heo và lấy tiền đã đầu tư về. Từ những cam kết rất thực tế trên, đến nay anh đang hợp tác với khoảng 100 hộ dân và 30 trang trại ở khắp ĐBSCL theo hình thức này. Thường sau khoảng 4 – 6 tháng, các hộ chăn nuôi heo rừng có thể lãi khoảng 1 -1,5 triệu đồng/con”, anh Dinh nói. |