| Hotline: 0983.970.780

Cây dừa thầm lặng làm giàu

Dừa - loại cây không bỏ đi thứ gì

Thứ Tư 14/09/2022 , 08:27 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Nhìn những quả dừa khô khốc, không ai có thể nghĩ là cơm của nó và cả những phế phẩm như vỏ, sọ dừa có thể chế biến thành những sản phẩm cao cấp.

Chưa "vắt" hết được giá trị từ cây dừa

Nông dân Nguyễn Ngọc Thảng, người đang sở hữu 180 cây dừa ta có thời đã từng là người giàu nhất làng ở khu phố Phụng Du 1, phường Hoài Hảo (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) nhờ thu nhập từ dừa và nghề chế biến dầu dừa. Ngoài ra, phế phụ phẩm trong chế biến dầu dừa còn được ông Thảng làm thức ăn phục vụ chăn nuôi heo, nên tiền cứ “ùn ùn” chảy vào gia đình ông.

Dừa già được lấy cơm để chế biến dầu dừa. Ảnh: V.Đ.T.

Dừa già được lấy cơm để chế biến dầu dừa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bài liên quan

Với 180 cây dừa, mỗi năm qua 3 vụ thu hoạch ông Thảng hái được khoảng 6.300 quả dừa làm nguyên liệu chế biến. Trong năm, ông còn đi dạo khắp xứ Hoài Hảo để mua gom dừa khô về chế biến dầu dừa. Theo ông Thảng, những năm đầu sau giải phóng, hàng ngoại nhập chưa có nhiều, hàng tiêu dùng sản xuất trong nước cũng hạn chế, nên khi ấy dầu dừa rất có giá, thị trường luôn hút hàng.

Thiết bị chế biến dầu dừa thủ công cũng đơn giản, chỉ cần 1 máy xay xát cơm dừa và 1 máy quay ly tâm. Cơm dừa xay xong cho ra máy quay ly lâm có đường kính 60cm, sâu 90cm, quay đến khi xác cơm dừa cho ra nước đục như sữa. Cho nước này vào thùng nấu khoảng 10 tiếng đồng hồ thì tinh dầu sẽ nổi lên trên. Cách làm này được gọi là phương pháp nhiệt thủy phân. Khi ấy dầu dừa luôn hút hàng, được tiêu thụ khắp cả nước.

“Nếu dừa thu hoạch vào giữa năm, đúng kỳ chính vụ, dừa sẽ có hàm lượng dầu cao, chỉ cần 8 quả là cho ra 1 lít dầu. Dừa thu hoạch vào đầu năm và cuối năm do có hàm lượng dầu ít, phải 12 quả mới cho ra được 1 lít dầu. Khi ấy, tùy lượng dừa nguyên liệu mua được nhiều hay ít, mỗi ngày gia đình tôi chế biến được từ 60 - 100 lít dầu dừa.

Chế biến dầu đã có lãi, phụ phẩm của nó như bã dừa và bánh dầu tôi dùng nuôi heo, ăn chất bổ dưỡng heo lớn nhanh như thổi. Khi ấy thu nhập của gia đình tôi là “đỉnh” nhất làng. Hiện nay dừa già được thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc mạnh quá, trong khi giá dầu dừa lại thấp nên gia đình tôi đành giải nghệ chế biến dầu dừa”, ông Thảng chia sẻ.

Vỏ dừa được phơi khô để bán cho những cơ sở chế biến những sản phẩm từ xơ dừa. Ảnh: V.Đ.T.

Vỏ dừa được phơi khô để bán cho những cơ sở chế biến những sản phẩm từ xơ dừa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng theo ông Thảng, cây dừa hầu như không bỏ đi thứ gì. Đến cả lá dừa khô bà con cũng có thể tuốt lấy cọng dừa để bán cho các cơ sở làm chổi quét sân với giá 9.000đ/kg, lá dừa tuốt ra được làm chất đốt. Vỏ quả dừa trước đây được lấy xơ để chế biến thảm xơ dừa xuất khẩu sang Đông Âu, bây giờ được xay ra làm giá thể để trồng dưa lê, trồng rau, hoặc làm phân hữu cơ cho cây cảnh với giá từ 500 - 1.500đ/kg.

Sọ dừa sau khi lấy cơm cũng được bán cho những cơ sở sản xuất than hoạt tính với giá 1.200đ/kg. Thân dừa già được các cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ thu mua để làm những món đồ trang trí rất ăn khách. Hiện nay, cơm dừa được nhiều cơ sở ở Hoài Nhơn chế biến thành sản phẩm tinh dầu dừa, ngoài ra còn được dùng để chế biến bánh tráng nước dừa, kẹo dừa, mứt dừa…, nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh Bình Định.

Theo ông Nguyễn An Điềm, người từng tâm huyết với cây dừa khi còn làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty PISICO Bình Định, Việt Nam tuy có thế mạnh về cây dừa, nhưng cây trồng này chưa được quan tâm đúng mức để khai thác hết tiềm năng của nó. Trong khi ở các nước Sri Lanka, Philippines… ngành dừa được phát triển theo hướng công nghiệp từ khâu trồng đến khâu chế biến, nhờ đó mới “vắt” hết tiềm năng kinh tế của cây dừa.

Empty

Xơ dừa ở Việt Nam chỉ được làm thảm xơ dừa và dây dừa, còn ở các nước tiên tiến được chế biến thành những sản phẩm cao cấp, giá trị cao. Ảnh: Lê Khánh.

"Sở NN-PTNT Bình Định đã có kiến nghị với UBND tỉnh xây dựng đề án củng cố và cải tạo vườn dừa trên địa bàn 2 địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất tỉnh là Thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ. UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở NN-PTNT phối hợp với các huyện đánh giá lại mọi mặt về cây dừa.

Chúng tôi đánh giá lại giống dừa ở những vùng dừa trọng điểm như thế nào, mức độ thoái hóa của các vườn dừa hiện nay ra sao, chất lượng như thế nào... Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xây dựng đề án củng cố, cải tạo vườn dừa cho phù hợp”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.

Những sản phẩm cao cấp từ dừa 

Cũng theo ông Nguyễn An Điềm, không bộ phận nào của cây dừa là bỏ đi. Cơm dừa ngoài chế biến dầu, còn là nguyên liệu để chế biến 2 sản phẩm đặc biệt khác là sữa dừa và kem dừa dưỡng da; hoặc cơm dừa sấy khô để làm nhân bánh sô-cô-la và nhân các loại bánh lương thực khác.

Dây chuyền sấy lạnh và ép lạnh dầu dừa tinh khiết của HTX Nông nghiệp Ngọc An (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Dây chuyền sấy lạnh và ép lạnh dầu dừa tinh khiết của HTX Nông nghiệp Ngọc An (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Nhờ là nguyên liệu chế biến các sản phẩm tiêu dùng cao cấp nên khi xuất khẩu sang châu Âu, cơm dừa có giá trị rất cao. Trung Quốc thì dùng cơm dừa để ép ra 1 loại nước giải khát được gọi là sữa dừa. Sữa dừa có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, giúp trẻ em phát triển thể chất. Trong khi đó, cơm dừa ở Việt Nam chỉ dùng để chế biến dầu dừa thủ công có giá trị thấp.

Hiện nay, trên địa bàn Thị xã Hoài Nhơn đã có vài cơ sở chế biến tinh dầu dừa, nhưng muốn xuất khẩu sang châu Âu phải thông qua những trung gian ở miền Nam. Thêm nữa, dầu dừa chế biến bằng phương pháp thủ công không thể cạnh tranh được với các loại dầu ăn công nghiệp khác, nên có giá trị rất thấp. Muốn nâng cao giá trị cây dừa, phải có những doanh nghiệp đầu tư sâu vào chế biến các sản phẩm cao cấp như ở các nước”, ông Điềm phân tích.

Còn theo ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư nông nghiệp Chấn Hưng Sinh Lợi (TP.HCM), đến cả chỉ xơ dừa của Việt Nam hiện cũng chưa được khai thác hết tiềm năng. Chỉ xơ dừa ở Việt Nam mới chỉ được làm thảm xơ dừa và làm dây dừa, còn Nhật Bản nhập khẩu chỉ xơ dừa để sản xuất nệm ghế ô tô cao cấp.

Sản phẩm dầu dừa tinh khiết của HTX Nông nghiệp Ngọc An (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Sản phẩm dầu dừa tinh khiết của HTX Nông nghiệp Ngọc An (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo người Nhật, mút cao su làm nệm ghế xe ô tô có êm đấy, nhưng không có sức hút tự nhiên, gây hại cho sức khỏe con người. Trong khi đó, nệm ghế ô tô làm bằng xơ dừa có sức hút ẩm rất cao, hút mồ hôi rất tốt, đặc biệt là nó có thể tự hủy.

Cũng theo ông Bút, sọ dừa hiện đang được các nước tiên tiến nhập khẩu để sản xuất than hoạt tính, loại than có giá trị rất cao. Không chỉ vậy, sọ dừa còn được ép ra làm nút áo cho những mặt hàng cao cấp. Trước đây, trong một lần đi tham quan ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), ông Bút đã tận mắt chứng kiến một doanh nghiệp ở đây nhập khẩu sọ dừa thật già đã chuyển sang màu đen để sản xuất những chiếc nút áo bành tô (loại áo khoác dài) và nút áo, nút quần cho mặt hàng may mặc cao cấp.

Bánh tráng nước dừa được sản xuất tại HTX Nông nghiệp Ngọc An (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Bánh tráng nước dừa được sản xuất tại HTX Nông nghiệp Ngọc An (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: Lê Khánh.

“Sọ dừa được họ đưa vào máy ép thành từng miếng hình tròn, nút áo bành tô thì sọ dừa được ép thành miếng to; nút áo, nút quần bình thường thì sọ dừa được ép thành những miếng nhỏ. Ép xong, những miếng sọ dừa được đưa qua máy chà cho bằng phẳng, sau đó được đưa sang máy khoan lỗ. Công đoạn cuối cùng của những chiếc nút là đưa qua máy đánh bóng. Những chiếc sọ dừa lớn người ta dành để làm nút áo bành tô, sọ dừa nhỏ làm nút áo, nút quần bình thường. Nút áo, nút quần làm bằng sọ dừa sẽ tự phân hủy khi áo quần đó bị bỏ đi", ông Bút cho biết.

"Nguyên liệu vải xô may quần áo bên châu Âu cũng được chiết xuất từ xơ dừa để sau này nó có thể tự phân hủy. Ở bên Tây, 1 bộ đồ người ta chỉ mặc 5 - 7 lần, sau đó bỏ đi bởi họ thích chạy theo mẫu mã, nên họ cần những chất liệu có thể tự hủy để bảo vệ môi trường”, ông Phan Thanh Bút cho biết. 

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.