| Hotline: 0983.970.780

Cây dừa thầm lặng làm giàu

Thứ Ba 13/09/2022 , 10:25 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Nghĩ lại cách đối xử của mình đối với cây dừa, người dân ở xứ dừa Hoài Nhơn mới thấy mình bất công, bởi xưa nay chỉ biết hái quả chứ chẳng chút đầu tư.

Rỉ rả rót tiền cho nông dân

Dừa là cây ăn quả có diện tích khá lớn ở vùng Nam Trung Bộ; trong đó, nhiều nhất là Bình Định với gần 9.300ha, tập trung ở Thị xã Hoài Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, Phù Cát; tiếp đến là Phú Yên và Khánh Hòa mỗi tỉnh có khoảng gần 2.000ha. Diện tích dừa ở Ninh Thuận không đáng kể, chỉ khoảng vài chục ha, chủ yếu là dừa xiêm uống nước.

Riêng ở Bình Định, nơi có diện tích dừa lớn nhất vùng Nam Trung bộ, từ xa xưa, cây dừa đã có mặt trên vùng đất này, tập trung nhiều nhất ở Thị xã Hoài Nhơn, thế nên mới có câu ca dao “Công đâu công uổng công thừa, công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”.

Mỗi năm dừa chế biến cho thu hoạch 3 lần, 1 lần sau Tết Nguyên đán, 1 lần giữa năm và 1 lần cuối năm. Ảnh: V.Đ.T.

Mỗi năm dừa cho thu hoạch 3 lần, nên nông dân có nguồn thu nhập thường xuyên. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Dừa ở Hoài Nhơn bạt ngàn, đi đâu cũng thấy bóng dừa, nhiều nhất là tại các phường Tam Quan, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc. Hầu hết dừa ở Hoài Nhơn đều được trồng từ trước năm 1975, bom đạn chiến tranh tàn phá lớp này người dân trồng lớp khác thay vào, cứ thế diện tích dừa được duy trì cho đến nay.

Ông Nguyễn Ngọc Thảng ở khu phố Phụng Du 1, phường Hoài Hảo (Thị xã Hoài Nhơn) đang có 180 cây dừa được trồng từ trước năm 1975 trên đất vườn thừa quanh nhà, đến nay dừa của ông Thảng đã được 45 - 50 tuổi. Trước đây, gia đình ông trồng dừa không được quy hoạch bài bản, đụng đâu trồng đó, cây nào bị bom đạn đốn ngã thì ông trồng dặm vào. Cây giống cũng không được chọn lựa, ấy vậy mà nay bình quân mỗi năm 1 cây dừa cũng cho được khoảng 35 quả.

Dừa ở Hoài Nhơn hầu hết được trồng trước năm 1975, chủ yếu là dừa ta lấy cơm, để già mới hái làm nguyên liệu cho các cơ sở chế biến các sản phẩm từ dừa như: Dầu dừa, kẹo dừa, mứt dừa, bánh tráng nước dừa… Mỗi năm dừa cho thu hoạch 3 lần. Ăn Tết Nguyên đán xong thu hoạch đợt đầu, đây là lứa quả của đợt hoa ra vào tháng 10 âm lịch năm trước. Từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch thu hoạch đợt chính, đến tháng 10 âm lịch thu hoạch vét để dừa ra hoa cho quả vào năm sau.

"Mỗi cây dừa bình quân mỗi năm cho 35 quả, 180 cây dừa của tôi mỗi năm cho 6.300 quả, lúc giá cao, mỗi quả bán được 10.000 đồng thì trúng to, lúc dừa hạ còn 6.000 - 7.000đ/quả thì gia đình cũng có thu nhập đều đều để xoay sở cuộc sống”, ông Thảng cho hay.

Dừa ở Bình Định được trồng nhiều nhất ở thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Dừa ở Bình Định được trồng nhiều nhất tại Thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nông dân Dương Minh Trưởng (67 tuổi) ở thôn Tân An, xã Hoài Châu (Thị xã Hoài Nhơn), người hiện có 36 cây dừa ta trồng từ năm 1985 trên đất vườn thừa thẹo cho biết thêm: “Lúc cao điểm, dừa già lấy cơm chế biến dầu có giá 11.000 - 12.000đ/quả, hiện nay dừa quả to khoảng 1,5kg mới bán được 7.000đ/quả, dừa nhỏ hơn chỉ 6.000đ/quả. Thời điểm dừa tăng giá, mỗi đợt hái dừa gia đình tôi cũng có thu nhập 6 - 7 triệu đồng, lúc giá hạ thấp mỗi đợt thu hoạch với 36 cây dừa gia đình tôi cũng thu được vài triệu đồng”.

Không chỉ có dừa chế biến, dừa uống nước còn cho hiệu quả cao hơn. “Ở Khánh Hòa mỗi năm chỉ có 3 tháng mùa mưa, còn lại là thời gian nắng gắt nên dừa uống nước bán rất chạy. Hiện nay, ở Khánh Hòa 1 quả dừa uống nước mua ở chợ có giá đến 15.000đ, mỗi cây dừa chỉ tính cho 20 quả, người trồng đã có thu nhập 300.000đ. Nhà tôi chỉ có 10 cây dừa uống nước mà mỗi đợt hái quả cũng thu được 3 triệu đồng. Trong khi mỗi ha dừa trồng đến 200 cây, phải khẳng định cây dừa hiện nay là loại cây ăn quả cho thu nhập rất khá”, bà Lương Kim Ngân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.

Còn bị đối xử bất công

Cây dừa mang lại cho nông dân hiệu quả kinh tế là vậy, nhưng ngoài những diện tích dừa xiêm mới được trồng để lấy quả cung cấp cho dịch vụ giải khát là được chăm chút kỹ lưỡng, những diện tích dừa “lão niên” lấy cơm để chế biến hầu như bị nông dân bỏ mặc, chẳng chút đầu tư, hái quả xong là giao phó cho trời đất rồi chờ đến kỳ thu hoạch sau. Suốt hơn nửa thế kỷ cây dừa bị đối xử bất công là vậy mà vẫn lặng thầm “rót” tiền cho nông dân.

Ông Nguyễn Ngọc Thảng ở khu phố Phụng Du 1, phường Hoài Hảo (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đang có 180 cây dừa được trồng từ trước năm 1975. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Ngọc Thảng ở khu phố Phụng Du 1, phường Hoài Hảo (Thị xã Hoài Nhơn) đang có 180 cây dừa được trồng từ trước năm 1975. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Trước năm 1975, chiến tranh tàn phá kinh khủng, bom đạn đốn ngã dừa liên tục. Khi ấy thì thời gian đâu mà chọn giống để trồng lại, nhìn thấy dưới gốc có quả dừa già nào đã mọc mầm là đào hố bỏ xuống trồng dặm, nên giờ dừa cho năng suất không cao, mỗi năm 1 cây dừa cho 35 quả là phấn khởi lắm rồi.

Ấy vậy mà không bao giờ nó được ăn chút phân bón nào, tưới tắm thì càng không. Nông dân chỉ biết ăn của nó chứ chẳng bao giờ cho nó ăn. Nếu dừa được chăm sóc kỹ lưỡng thì năng suất càng cao hơn nữa, nông dân sẽ có thu nhập tốt hơn”, ông Dương Minh Trưởng (67 tuổi) ở thôn Tân An, xã Hoài Châu (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) bộc bạch.

Còn theo nông dân Nguyễn Ngọc Thảng ở khu phố Phụng Du 1, phường Hoài Hảo (Thị xã Hoài Nhơn), trong ý thức của nông dân xứ dừa Hoài Nhơn, dừa là cây lâu năm lại “to con khỏe mạnh” nên không cần phải đầu tư chăm sóc. Dừa cũng là loại cây dễ tính, dù không được chăm sóc như những loại cây ăn quả khác nhưng vẫn miệt mài cho quả.

“Dừa ở Hoài Nhơn ngày càng già cỗi nên năng suất cho ngày càng giảm. Muốn dừa “trẻ hóa” cần phải được chăm sóc, bón phân, nhưng nay giá phân bón cao ngất, trong khi dừa quả lại hạ giá nên chuyện bón phân cho cây dừa là bất khả thi. Nếu cây dừa được bón phân, tưới nước định kỳ như cây cà phê thì hiệu quả kinh tế của cây dừa mang lại sẽ cao gấp nhiều lần so với cây cà phê”, nông dân Nguyễn Ngọc Thảng khẳng định.

Nửa thế kỷ nay các chủ vườn dừa ở Bình Định chỉ biết hái quả chứ không đầu tư cho cây dừa. Ảnh: V.Đ.T.

Nửa thế kỷ nay, các chủ vườn dừa ở Bình Định chỉ biết hái quả chứ không đầu tư cho cây dừa. Ảnh: Lê Khánh.

Cây dừa ở Bình Định bị nông dân đối xử bất công là vậy, cây dừa ở nhiều tỉnh trong vùng Nam Trung bộ còn bị chính quyền địa phương “ngó lơ”, không mặn mà quan tâm, ví như ở Phú Yên.

Theo ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, tỉnh này hiện còn gần 2.000ha dừa, chủ yếu là diện tích trồng phân tán. Dừa ở Phú Yên chỉ được trồng tập trung tại Thị xã Sông Cầu với khoảng 800ha, hầu hết là giống dừa ta lấy cơm để chế biến. Những vườn dừa ở Phú Yên đã hình thành từ xa xưa, càng về sau, người dân chặt bỏ những diện tích đã già cỗi mà không trồng lại nên diện tích dừa ngày càng giảm, chỉ một ít diện tích được trồng lại dừa xiêm lấy nước.

“Tình hình tiêu thụ sản phẩm dừa không nổi đình nổi đám như các loại cây ăn quả khác, hiệu quả kinh tế cũng không có gì nổi bật nên nông dân Phú Yên không quan tâm lắm đến cây dừa. Trong định hướng phát triển cây ăn quả trên địa bàn, cây dừa cũng không nằm trong danh sách những loại cây sẽ phát triển của Phú Yên trong thời gian tới”, ông Nguyễn Lê Lanh Đa cho hay.

Dừa được bóc vỏ để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: V.Đ.T.

Dừa được bóc vỏ để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Lê Khánh.

“Trước đây ở Khánh Hòa có đến 2.500ha dừa, thế nhưng qua quá trình đô thị hóa, nhiều diện tích dừa bị phá bỏ để nhường đất cho những công trình nên giờ chỉ còn gần 2.000ha. Nhận thấy dừa là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Khánh Hòa vẫn khuyến khích nông dân phá bỏ những loại cây kém hiệu quả chuyển sang trồng dừa xiêm lấy nước.

Dừa là loại cây ăn quả dễ bảo quản được lâu, không như các loại cây ăn quả khác là phải ăn ngay. Sau thu hoạch, nếu dừa chưa bán được liền thì có thể để hôm sau bán, thậm chí để cả tuần mà không sợ hư hỏng”, bà Lương Kim Ngân, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa chia sẻ.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm