| Hotline: 0983.970.780

Dừa Bình Định với thị trường tỷ đô: Đi tắt đón đầu

Thứ Năm 12/09/2024 , 06:30 (GMT+7)

Có diện tích dừa lớn nhất miền Trung, khi dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Bình Định phấn khởi vì đã sớm cấp mã số vùng trồng cho dừa xiêm.

Cơ hội và thách thức

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, tỉnh có diện tích dừa lớn thứ 5 cả nước (chỉ sau các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long) và lớn nhất khu vực miền Trung.

Tính đến năm 2023, diện tích dừa trên đất Bình Định có 9.353ha; trong đó, diện tích dừa xiêm (dừa uống nước) chiếm 24,5%, tương đương khoảng 2.292ha; năng suất bình quân đạt 119,3 tạ/ha, sản lượng 111.358 tấn/năm.

Vườn dừa của anh Lưu Anh Vũ ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) đã được ngành chức năng làm hồ sơ cấp mã số vùng trồng. Ảnh: V.Đ.T.

Vườn dừa của anh Lưu Anh Vũ ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) đã được ngành chức năng làm hồ sơ cấp mã số vùng trồng. Ảnh: V.Đ.T.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bình Định sẽ tăng diện tích dừa lên đến 10.000ha, trong đó có 9.700ha dừa kinh doanh, sản lượng đạt 116.400 tấn/năm (chủ yếu là dừa xiêm uống nước), tập trung chủ yếu ở  thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ, huyện Hoài Ân và huyện Phù Cát.

Dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là cơ hội cho nông dân đang sở hữu gần 3.000ha dừa xiêm ở Bình Định. Lâu nay, dừa uống nước được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội tỉnh và một ít được bán ra các tỉnh ngoài. Giá cả thì chênh lệch lớn tùy mùa, vào mùa nắng dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/quả, mùa mưa chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/quả. Giờ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, chắc chắn dừa uống nước sẽ có giá ổn định hơn, nông dân sẽ có thu nhập tốt hơn”, ông Cang kỳ vọng.

Bình Định càng vui hơn khi ngành chức năng tỉnh này vừa hoàn tất thủ tục xin cấp mã số vùng trồng cho hơn 70ha dừa xiêm uống nước của 2 huyện Phù Cát và Hoài Ân. Bởi, mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hiện Bình Định có gần 3.000ha dừa xiêm uống nước. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện Bình Định có gần 3.000ha dừa xiêm uống nước. Ảnh: V.Đ.T.

Tăng tốc cấp mã số vùng trồng

Dừa tươi uống nước đứng trước cơ hội lớn được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, thế nhưng với diện tích hơn 70ha đã làm thủ tục cấp mã số vùng trồng trong tổng diện tích dừa tươi gần 3.000ha của Bình Định là chẳng bõ bèn gì. Thế nên trong thời gian tới đây, ngành chức năng Bình Định sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thúc đẩy các địa phương có nhiều diện tích dừa tăng tốc đăng ký cấp mã số vùng trồng cho diện tích dừa uống nước.

Đồng thời, căn cứ vào các yêu cầu của nước nhập khẩu, ngành chức năng Bình Định hướng dẫn các tổ chức, cá nhân biết để thực hiện; đặc biệt là hướng dẫn nông dân canh tác cây dừa uống nước theo quy trình của nước sở tại để đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu.

Dừa tươi uống nước ở Bình Định đứng trước cơ hội lớn được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Ảnh: V.Đ.T.

Dừa tươi uống nước ở Bình Định đứng trước cơ hội lớn được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Võ Đình Trí, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Trên địa bàn huyện Phù Cát hiện có 1.200 dừa, hầu hết là dừa uống nước. Đầu năm 2024, ngành chức năng huyện này đăng ký với Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định làm thủ tục cấp mã số vùng trồng cho 3 vùng dừa tại 3 thôn Tùng Chánh, Hòa Đại và Hội Vân của xã Cát Hiệp; và vùng dừa tại thôn Phú Kim của xã Cát Trinh với tổng diện tích 60ha của 120 hộ. Hiện nay, Chi Chi cục đã hoàn tất thủ tục và đã gửi cho Cục Bảo vệ thực vật.

Còn theo ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, trên địa bàn huyện này hiện có 500ha dừa uống nước, trong đó có hơn 250ha đang thời kỳ kinh doanh, dừa Hoài Ân đã được Bộ KH-CN cấp nhãn hiệu tập thể. Đầu năm 2024, ngành chức năng huyện Hoài Ân cũng đã đăng ký với Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định làm thủ tục cấp mã số vùng trồng cho hơn 10ha dừa uống nước.

“Mã số vùng trồng xuất khẩu sẽ được ngành chức năng nước sở tại kiểm tra. Với cây dừa uống nước ở Phù Cát thì chúng tôi rất yên tâm vì hầu hết được canh tác theo hướng hữu cơ”, ông Võ Đình Trí cho hay.

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Kiểm soát dịch bệnh gặp khó do vắng thú y cơ sở

ĐBSCL Thiếu vắng hệ thống thú y cơ sở khiến công tác phòng chống dịch, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chanh dây Hoàng kim VN77

ĐẮK LẮK Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hòa tổ chức hội thảo giới thiệu giống chanh dây Hoàng kim VN77 và xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất