Thời cơ mở rộng thị trường của dừa Việt Nam. Đầu xuân ra quân trồng rừng tập trung. Triển khai nhiệm vụ nuôi tôm nước lợ năm 2024. Những chuyến tàu 'ăn tết trên biển' mang lộc về cho ngư dân.
Cơ hội vàng cho trái dừa xuất ngoại
Minh Phúc khai thác
Thị trường cho quả dừa và những sản phẩm từdừa đang rất rộng mở. Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu về dừa của Trung Quốc lên tới 2,6 tỷ quả/năm. Trong khi đó, Hải Nam được coi là vùng cung cấp dừa chính của Trung Quốc chỉ đạt sản lượng khoảng 250 triệu quả/năm. Chính vì vậy, ngoài nhập dừa từ Thái Lan, Indonesia…, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu dừa từ Việt Nam.
Ngoài Trung Quốc, nhiều thị trường khó tính khác trên thế giới như Anh, Mỹ, Canada, Trung Đông… đã bắt đầu biết đến danh tiếng của trái dừa Việt Nam và đều cho phép nhập trái dừa tươi Việt Nam.
Việc lần đầu tiên, nước tương mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) được xuất đi Đức, Nhật; việc các HTX ở Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre… đang liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết thu mua phục vụ chế biến, xuất khẩu… đang cho thấy những bước tiến dài của ngành dừa. Đặc biệt, dừa đang là cây trồng tiềm năng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu và hành động xanh toàn cầu. Nếu nông dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất dừa sạch, đầu tư chế biến bài bản thì có thể nói hiện nay và thời gian tới chính là cơ hội để trái dừa Việt vươn tầm.
Đầu xuân ra quân trồng rừng tập trung
Thanh Nga sx
Sau kỳ nghỉ tết, các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh ra quân trồng rừng tập trung. Theo đó, tổng diện tích trồng đến thời điển này ước gần 2 ngàn ha.
Năm 2024, toàn tỉnh này phấn đấu trồng mới 8 ngàn 600 ha rừng tập trung, trong đó có 8.300 ha rừng sản xuất, 300 ha rừng phòng hộ và đặc dụng. Chủ yếu ở các vùng trồng rừng trọng điểm là huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn và Vũ Quang. Để nâng cao hiệu quả trồng mới rừng, ngành lâm nghiệp tuyên truyền người dân sử dụng các loại giống chất lượng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật về trồng rừng thâm canh; trồng rừng gỗ lớn thay thế rừng gỗ nhỏ như hiện nay.
Triển khai nhiệm vụ nuôi tôm nước lợ năm 2024
Trọng Linh – Văn Vũ sx
Nghề nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và của cả nước nói chung ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp tôm như hiện nay, thách thức lớn đặt ra là “bài toán” về môi trường, dịch bệnh, thiếu hụt nguồn nguyên liệu và thị trường còn khó khăn.
Sáng nay, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ nuôi tôm nước lợ năm 2024 do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT chủ trì, các đại biểu trao đổi thẳng thắn nhằm đề ra các giải pháp, kinh nghiệm,… để nâng cao sản lượng, chất lượng và phát triển bền vững ngành tôm trong thời gian tới.
Kế hoạch sản xuất năm 2024, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260 đến 270 ngàn con. Diện tích nuôi tôm đạt 737 ngàn ha ( trong đó tôm sú 622 ngàn ha, tôm thẻ 115 ngàn ha). Sản lượng tôm các loại 1.065 ngàn tấn.
Những chuyến tàu ‘ăn tết trên biển’ mang lộc về cho ngư dân
Vũ Đình Thung sx
Đã thành thông lệ, từ Mùng 10 đến Rằm tháng Giêng hàng năm, Cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định tấp nập đón những chuyến tàu “ăn tết trên biển”. Thị xã Hoài Nhơn có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn với hơn 2 ngàn 300 chiếc. Dịp Tết Giáp Thìn 2024, toàn thị xã có 800 tàu đánh bắt xuyên tết. Năm nay thời tiết thuận lợi, biển êm, đa số tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn đều có lộc biển. Sau gần 1 tháng đánh bắt, trung bình mỗi tàu đánh bắt được từ 2 đến 2,5 tấn cá ngừ đại dương. Với giá bán trung bình 100 nghìn một kg cá ngư đại dương, ngư dân Hoài Nhơn rất phấn khởi. Niềm vui có “lộc biển” báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa. Không chỉ mang lại niềm vui cho ngư, lộc biển đầu năm còn tạo công ăn, việc làm cho hàng ngàn lao động trên bờ làm các dịch vụ hậu cần nghề cá.