Tặng rơm để làm sạch cánh đồng. Xây dựng công trình trữ và cấp nước sinh hoạt kinh phí 130 tỷ đồng. Doanh nghiệp ngành dừa bước vào ‘đường đua’ thị trường tỷ đô.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó đã có 12 mặt hàng rau quả ( gồm: dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít); tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại.
Việc ký kết các Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về cho phép xuất khẩu chính ngạch nông sản đã tạo sức bật cho nhiều loại nông sản của Việt Nam tại thị trường này. Sau khi có Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường này trong 2 năm trở lại đây đã lớn hơn rất nhiều so với các năm trước cộng lại.
Theo Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,33 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2023.
‘Tặng’ rơm để làm sạch cánh đồng
Tâm Phùng – Tâm Đức sx
Vụ hè thu năm nay, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), có diện tích gieo cấy trên 250ha. Năng suất dự kiến khoảng 56 tạ/ha. Những ngày này, bà con đang khẩn trương thu hoạch lúa để tránh thất thu do thiên tai gây ra.
Nhằm làm sạch rơm rạ trên cánh đồng và không ảnh hưởng đến việc gieo cấy cho vụ sau, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất đã khuyến khích bà con nông dân đầu tư mua máy cuốn rơm làm sạch đồng mà không thu lệ phí. Nhiều bà con đã đưa máy cuốn rơm ra đồng thu gom rơm và bán cho thương lái hay người có nhu cầu với giá 17 ngàn đồng mỗi cuộn rơm. Mỗi ha ruộng lúa, người thu gom rơm cũng có thu nhập khoảng 2 triệu đồng.
Xây dựng công trình trữ và cấp nước sinh hoạt kinh phí 130 tỷ đồng
Văn Vũ sx
Từ nguồn vốn của Bộ NN-PTNT thực hiện dự án xây dựng Công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại 7 tỉnh của vùng ĐBSCL, tỉnh Kiêng Giang đang bắt đầu khảo sát tại các xã đảo và vùng ven bển để xây dựng công trình với kinh phí 130 tỷ đồng.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, với 81 Công trình mà Bộ NN-PTNT xây dựng tại 7 tỉnh vùng ĐBSCL thì Kiên Giang có 9 công trình xây dựng tại các huyện An Minh, An Biên, U Minh, Kiên Lương và Vĩnh Thuận. Các công trình sẽ có chức năng trữ nước và tạo nguồn nước, đảm bảo nước ngọt tại những vùng hải đảo, vùng khan hiếm nước, có nguồn nước bị xâm nhập mặn, hạn hán.
Bà Trang Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, theo dự kiến, vào cuối tháng 8/2024 Công trình sẽ được khởi công và đến cuối năm 2025 hoàn thành, sau khi hoàn thành công trình sẽ cung cấp nước cho hàng ngàn hộ dân sinh sống tại các vùng ven biển và hải đảo.
Doanh nghiệp ngành dừa bước vào ‘đường đua’ thị trường
Minh Phúc khai thác
Ngoài việc kỳ vọng cơ hội sẽ mở ra trong thời gian tới từ Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dừa tươi vào Trung Quốc, ngành dừa Việt cần được mở lối để tiến xa vào “đường đua” tỷ đô trên thị trường toàn cầu. Điều này rất cần nâng tầm chuỗi giá trị dừa, liên kết chặt chẽ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho ngành dừa.
Với góc nhìn của một doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Bến Tre về xuất khẩu các sản phẩm dừa, Công ty TNHH Lương Quới cho biết đang ráo riết đầu tư công nghệ để hội nhập và bước vào “đường đua” thị trường dừa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp ở một số địa phương có thế mạnh về vùng nguyên liệu dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang tập trung hỗ trợ các DN đăng ký thực hiện mã số vùng trồng, để khi có ký kết Hiệp định thư chính thức DN dừa chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ có đủ điều kiện để đáp ứng cho các DN.