Quận Nikicho nằm ở phía tây nam tỉnh Hokkaido (Nhật Bản), ở chân bán đảo Shakotan với ngành sản xuất chính là nông nghiệp và chăn nuôi.
Nông nghiệp của quận Nikicho chủ yếu là trồng cây ăn quả như anh đào, táo, nho và các loại rau trong nhà kính như cà chua, dâu tây, sản xuất lúa gạo và chăn nuôi bò sữa, chủ yếu sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ, chăn nuôi an toàn.
Thông qua Công ty Hải Phong, quận Nikicho và Nghiệp đoàn World lead có mong muốn hợp tác với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT trong việc tuyển chọn các cán bộ khuyến nông, sinh viên đang học và đã tốt nghiệp tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học thuộc Bộ NN-PTNT sang Nhật Bản làm việc, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực nghề trong sản xuất nông nghiệp thuộc các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, cơ khí...
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Tham chia sẻ, đây là định hướng quan trọng của Bộ NN-PTNT trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.
Trước đó, hồi tháng 6/2023, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) với các trường cao đẳng và quận Nikicho, Nghiệp đoàn World Lead và công ty Hải Phong trong việc tuyển chọn và cử các ứng viên tham gia chương trình đào tạo nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản.
Sau lễ ký kết, quận Nikicho, Nghiệp đoàn World Lead, Công ty Hải Phong và các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT đã khẩn trương triển khai các nội dung để thúc đẩy đưa các ứng viên đủ điều kiện sang Nhật Bản tham gia chương trình.
Về phía đoàn công tác Nhật Bản, ông Sato Seiichiro, Quận trưởng quận Nikicho cho rằng, để triển khai hợp tác phát triển nông nghiệp, phía quận Nikicho và phía Việt Nam cần đi sâu vào tổ chức, công tác vận hành.
“Chúng tôi mong muốn sinh viên và lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc không chỉ để giải quyết vấn đề kinh tế mà còn có thể học hỏi tri thức, kỹ thuật và áp dụng những kiến thức đã học tại Nhật Bản khi trở về lao động tại Việt Nam”, ông Sato kỳ vọng.
Ông Sato chia sẻ, quận Nikicho có nhiều nghiệp đoàn tiếp nhận lao động từ nước ngoài và đều áp dụng mô hình đào tạo này. Tuy nhiên, đây là mô hình thí điểm đầu tiên được triển khai với cán bộ khuyến nông.
Lãnh đạo quận Nikicho mong muốn mô hình hợp tác đào tạo này có thể được nhân rộng hơn ra các quận lân cận có năng lực phát triển nông nghiệp mạnh mẽ, từ đó có thể chào đón sinh viên ngành nông nghiệp và cán bộ nông nghiệp Việt Nam sang thực tập và làm việc nhiều hơn.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, kể từ khi biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát với quận Nikicho và hai bên đồng quan điểm về trao đổi lực lượng lao động. Hoạt động trao đổi này không chỉ giúp gia tăng thu nhập cho người lao động mà còn thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm giữa hai bên.
Ông Thanh cũng khẳng định các cán bộ khuyến nông, lực lượng thực tập sinh đều được đào tạo và có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, thêm vào đó được Công ty Hải Phong đào tạo kỹ năng cơ bản, có thể tham gia ngay vào chuỗi sản xuất của các cơ quan thuộc quận Nikicho.
“Ngay sau khi ký kết bản ghi nhớ, chúng tôi đã triển khai cùng Công ty Hải Phong lựa chọn 50 ứng cử viên, trong đó có 7 người đủ điều kiện về chứng chỉ, chứng nhận và sẵn sàng sang Nhật Bản trao đổi học tập", ông Thanh nói.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN-PTNT đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tuyển chọn kỹ các ứng viên đáp ứng yêu cầu từ phía quận Nikicho. Đảm bảo việc tuyển dụng và học tập diễn ra nghiêm túc, có kết quả để khi ứng viên trở lại quê hương có thể áp dụng tốt các kiến thức được đào tạo tại Nhật Bản vào thực hành nông nghiệp tại nước nhà.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề xuất phía quận Nikicho nghiên cứu cùng các nghiệp đoàn để hợp tác với Bộ NN-PTNT trong xây dựng vùng nguyên liệu, đào tạo, trao đổi sản phẩm và thúc đẩy du lịch nông thôn với mô hình thí điểm là vùng hoa tam giác mạch tại Hà Giang.