| Hotline: 0983.970.780

Mỗi năm đào tạo 500.000 nông dân tham gia đề án 1 triệu ha lúa

Thứ Bảy 27/01/2024 , 09:17 (GMT+7)

CẦN THƠ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, sẽ phối hợp đào tạo kỹ thuật canh tác lúa cho 1.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng và khoảng 500.000 nông dân mỗi năm.

Công nghệ giúp giảm đến 30% lượng phân bón

Ngày 26/1, tại thành phố Cần Thơ, đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đến thăm mô hình khảo nghiệm sử dụng sản phẩm sinh học trên cây lúa do Viện Lúa ĐBSCL phối hợp với một doanh nghiệp triển khai.

Đại biểu tham quan đánh giá các nghiệm thức của thí nghiệm. Ảnh: Minh Đảm.

Đại biểu tham quan đánh giá các nghiệm thức của thí nghiệm. Ảnh: Minh Đảm.

Tại ruộng trình diễn, các đại biểu lần lượt được xem và nghe thuyết minh về kết quả ban đầu của thí nghiệm. Theo đó, đại diện nhóm nghiên cứu đã mô tả các nghiệm thức trong thí nghiệm giảm lượng phân bón trong canh tác lúa. Kết quả thí nghiệm cho thấy, nếu giảm lượng phân bón vô cơ đến 30% và sử dụng kết hợp sản phẩm sinh học có thể giúp cây lúa phát triển tương tự như cây lúa trong mô hình đối chứng sử dụng 100% lượng phân bón như công thức khuyến cáo.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã giao các cơ quan trực thuộc nhanh chóng thực hiện kế hoạch bằng những hành động rất cụ thể.

Với trách nhiệm của mình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Tổ trưởng Tổ truyền thông cho Đề án đã tìm kiếm những đối tác có công nghệ tiên tiến giúp bà con nông dân nâng cao năng suất, chất lượng hạt lúa nhưng giảm được phát thải khí nhà kính, đồng thời mời các đối tác có công nghệ đánh giá kiểm soát chất lượng giảm khí thải. Ông cũng cho biết, mô hình khảo nghiệm này là kết quả bước đầu trong công tác phối hợp của đơn vị với đối tác Hàn Quốc.

Bụi lúa trong nghiệm thức giảm 30% phân bón và sử dụng sản phẩm sinh học (bên phải) phát triển bình thường so với bụi lúa đối chứng (ở giữa). Ngoài ra, bụi lúa trong nghiệm thức sử dụng 100% phân bón kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học (bên trái) phát triển mạnh. Ảnh: Minh Đảm.

Bụi lúa trong nghiệm thức giảm 30% phân bón và sử dụng sản phẩm sinh học (bên phải) phát triển bình thường so với bụi lúa đối chứng (ở giữa). Ngoài ra, bụi lúa trong nghiệm thức sử dụng 100% phân bón kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học (bên trái) phát triển mạnh. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Chang Hyeok Chang, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Dong Yang, chia sẻ: “Đối với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi đã mang đến một công nghệ của Hàn Quốc là chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển bộ rễ cây trồng và công nghệ tưới ngập khô xen kẽ (AWD) để nông dân tăng năng suất lúa đồng thời cải thiện môi trường nuôi trồng. Đây cũng là điều mong muốn của Chính phủ Hàn Quốc cho những người nông dân Việt Nam và mối quan hệ giữa hai nước”.

Tiếp tục đánh giá để xem xét nhân rộng mô hình

Cũng theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, dự kiến tháng 3/2024 đơn vị sẽ phối hợp với doanh nghiệp tổ chức hội thảo đánh giá kỹ thuật canh tác sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa ĐBSCL. Trong đó, chú trọng đánh giá tác dụng của sản phẩm về khả năng kích thích phát triển bộ rễ lúa, khả năng quang hợp từ đó góp phần tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất lúa, giảm phát thải khí nhà kính.

Sau đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với các đối tác xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh; phối hợp sử dụng các sản phẩm vô cơ với các sản phẩm sinh học tạo ra các mô hình canh tác lúa đảm bảo năng suất, chất lượng, giảm chi phí vật tư đầu vào. Mô hình sẽ được xây dựng tại 12 tỉnh, thành phố ĐBSCL thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong năm 2024.

Ông Lê Quốc Thanh đang so sánh sự phát triển của các bụi lúa trong thí nghiệm giảm phân bón. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Quốc Thanh đang so sánh sự phát triển của các bụi lúa trong thí nghiệm giảm phân bón. Ảnh: Minh Đảm.

Sau khi kết thúc các mô hình trình diễn, các bên sẽ cùng nhau đánh giá, biên tập tài liệu canh tác lúa thông minh. Tài liệu sẽ là các hướng dẫn để nông dân dễ dàng sử dụng trong thực tế sản xuất, đây là 1 trong các tài liệu thuộc bộ tài liệu đào tạo khuyến nông cộng đồng phục vụ Đề án 1 triệu ha.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ NN-PTNT tổ chức đào tạo hệ thống khuyến nông cộng đồng, các hợp tác xã kỹ thuật canh tác của mô hình này, bình quân mỗi năm đào tạo 1.000 lượt cán bộ khuyến nông cộng đồng và khoảng 500.000 nông dân.

Song song với đó còn có các hoạt động truyền thông công nghệ liên quan đến giảm phát thải, trong đó có công nghệ sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu sinh học của doanh nghiệp trong mô hình khảo nghiệm này được ưu tiên. Các kênh truyền thông sẽ được sử dụng phổ biến như kênh đại chúng VTV, Báo Nông nghiệp Việt Nam và một số các kênh khác. Ngoài ra, các công nghệ sẽ được số hóa và đăng tải trên app khuyến nông xanh, các nền tảng thông tin khác.

“Chúng tôi sẽ có một loạt chương trình trong đó tập trung vào tăng cường năng lực, hỗ trợ năng lực cho bà con thông qua các lớp đào tạo, huấn luyện. Mong muốn bà con tham gia vào chương trình 1 triệu ha hãy tuyệt đối tuân thủ quy trình khi tham gia vào câu chuyện thị trường quốc tế”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh chia sẻ thêm.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Tân Lạc thu hoạch trên 1.000 tấn quýt Vân Sơn

HÒA BÌNH Mùa vụ này các nhà nông Mường Bi lại được mùa quýt Vân Sơn, sản lượng cho thu hoạch ước trên 1.000 tấn quả, đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.