Chuẩn bị cán mốc tỷ đô
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam (VCA), trong năm 2022, xuất khẩu dừa, các sản phẩm từ dừa và sản phẩm liên quan tới dừa đã đạt trên 900 triệu USD. Trong kim ngạch này, chưa bao gồm các sản phẩm làm từ gỗ dừa và các sản phẩm thủ công thương mại sử dụng nguyên liệu từ cây dừa.
Ngành dừa Việt Nam hiện có gần 90 sản phẩm từ cây dừa đã được đưa ra thị trường, trong đó có những mặt hàng có giá trị kinh tế cao như tinh dầu dừa phục vụ cho các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Bên cạnh đó có gần 200 sản phẩm thực phẩm có sử dụng nguyên liệu dừa.
Bà Nguyễn Thị Trúc Liên, Giám đốc Khối nguyên liệu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), cho rằng tiềm năng xuất khẩu của ngành dừa Việt Nam rất lớn. Từ vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa … đều có thể làm ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là khi nhiều doanh nghiệp ngành dừa đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến hiện đại.
Theo bà Bùi Hoàng Yến (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương), Cộng đồng Dừa Quốc tế đã dự báo tốc độ tăng trưởng nhu cầu các sản phẩm từ dừa đến năm 2025 ở mức 10%/năm. Trong đó, nhu cầu sữa dừa tăng 15%; thạch dừa 5,6%; bột dừa 6,6%; kem dừa 36%; nước dừa 25%; dầu dừa tinh khiết 21% … Với sự tăng trưởng về nhu cầu trên thị trường thế giới như trên, cơ hội cho ngành dừa Việt Nam là không nhỏ.
Ông Cao Bá Đăng Khoa cho biết, trong năm 2023, ngành dừa sẽ duy trì năng lực chế biến, xuất khẩu và đưa kim ngạch lên ở mức khoảng 940-950 triệu USD. Với đà tăng trưởng hiện nay, trong vòng 2 năm tới, chắc chắn ngành dừa sẽ vượt mốc 1 tỷ USD xuất khẩu.
Vực lại giá dừa để giữ vùng nguyên liệu
Một nỗi lo lắng lớn với ngành dừa hiện nay là giá dừa nguyên liệu giảm sâu từ nửa cuối năm 2022 đến nay. Giá dừa hiện tại thấp hơn tới hơn 10% so với mức giá thấp nhất trong năm 2018. Ông Cao Bá Đăng Khoa cho biết, nguyên nhân chính là do trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm gián đoạn đơn hàng của nhiều doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dịch bệnh kéo dài cũng làm ảnh hưỡng tới tiến độ xây dựng các vùng dừa nguyên liệu hữu cơ, có ứng dụng công nghệ để kiểm soát, minh bạch hóa nguồn dừa nguyên liệu. Đây là những yêu tố quan trọng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm từ dừa có giá trị cao, vì các ngành sử dụng nguyên liệu từ dừa như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm … trên thế giới đòi hỏi nguyên liệu dừa phải được minh bạch, có kiểm soát.
Do đó, dừa nguyên liệu rớt giá chủ yếu là dừa từ những vườn chưa được minh bạch, kiểm soát. Còn các vùng dừa nguyên liệu đã có chứng nhận hữu cơ, có kiểm soát nguyên liệu vẫn đang giữ được giá bán, thậm chí đang có xu hướng tăng giá trong quý 1 và 2 năm 2023.
Chính vì vậy, một nhiệm vụ quan trọng mà VCA đặt ra trong năm 2023 là phải nâng được giá dừa nguyên liệu nhằm ổn định đời sống người dân trồng dừa, hạn chế thấp nhất tình trạng phá bỏ vườn dừa. Qua đó, giữ vững được vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị cho trái dừa cũng như hiệu quả kinh tế của người nông dân trồng dừa. Hiện nay, tổng diện tích dừa cả nước vào khoảng 188 nghìn ha, sản lượng 1,9 triệu tấn quả/năm.
"Ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu, ngành dừa cũng sẽ chú trọng phát triển thị trường nội địa. Vì khi có các thương hiệu sản phẩm từ dừa trên các kệ hàng ở thị trường nội địa, thì sẽ có thêm nền tảng để chứng minh về nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm thân thiện với môi trường của ngành dừa Việt Nam trên thị trường dừa thế giới". Ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam.