| Hotline: 0983.970.780

Đưa chuối 'tiến vua' vào siêu thị

Thứ Bảy 09/03/2024 , 08:36 (GMT+7)

YÊN BÁI Trong khi người trồng chuối ở nhiều nơi khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm, người nông dân ở Văn Yên đang thành công đưa chuối ‘tiến vua’ vào siêu thị ở Hà Nội.

Anh Nguyễn Cao Cường - Giám đốc HTX trồng chuối ngự xã Yên Hợp, huyện Văn Yên đã thành công trong việc đưa sản phẩm vào siêu thị. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Nguyễn Cao Cường - Giám đốc HTX trồng chuối ngự xã Yên Hợp, huyện Văn Yên đã thành công trong việc đưa sản phẩm vào siêu thị. Ảnh: Thanh Tiến.

Khởi nghiệp từ cây chuối ngự

Những ngày sau Tết Nguyên đán, chúng tôi đến thăm vườn chuối của anh Nguyễn Cao Cường – giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông - lâm nghiệp Cường Vui ở xã Yên Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Cả khu vườn rộng hơn 2 ha trồng chuối ngự Đại Hoàng. Đây là giống chuối có nguồn gốc từ làng Đại Hoàng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, từng là sản vật dùng để dâng lên nhà vua nên có tên gọi là chuối “ngự tiến” hay chuối “tiến vua”.

Giữa vườn chuối xanh mướt, những thân cây to, tán lá rộng, nhiều buồng chuối nây quả được bọc túi nilon để phòng trừ sâu bệnh. Mỗi gốc chuối chỉ có từ 1-2 cây, gần như gốc nào cũng đang ra hoa hoặc treo buồng. Chuối được trồng thẳng hàng, khoảng cách đều nhau, dưới mặt đất cỏ dại được phát quang sạch, tạo cảm giác như đang đi dạo trong sân vườn.

Kể lại câu chuyện khởi nghiệp từ cây chuối ngự, anh Cường cho biết, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Văn Yên hơn 30 năm, loay hoay buôn bán đủ nghề nhưng cũng không khá lên được. Một lần đi chơi sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thấy người dân họ trồng chuối tiêu cho thu nhập cao nên đã nung nấu ý định trồng chuối quy mô lớn để phát triển kinh tế.

Trồng chuối ngự đã mang lại thu nhập cao cho anh Cường và nhiều hộ dân ở Văn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Trồng chuối ngự đã mang lại thu nhập cao cho anh Cường và nhiều hộ dân ở Văn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Trước đây cả khu vực này gieo cấy lúa 1 vụ, còn lại trồng ngô vì thiếu nước sản xuất. Năm 2010 anh bắt tay thực hiện mô hình trồng chuối ngự. Tận dụng những bụi chuối trong vườn do bố mẹ trồng từ trước, anh đánh tỉa lấy cây giống, chuyển đổi đất ruộng lúa, ngô trồng chuối.

Ban đầu, sản phẩm chuối được anh Cường bán ở các chợ trong huyện, thấy chất lượng, mẫu mã đẹp một số thương lái tìm đến tận vườn thu mua. Trung bình 1 sào đất (360 m2) trồng khoảng 50 gốc, mỗi gốc sẽ cho thu hoạch từ 3 - 4 buồng/năm, với giá trung bình 50.000 đồng/buồng, một sào thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu thâm canh hiệu quả mỗi ha chuối mang lại giá trị kinh tế gần 200 triệu đồng cho nông dân.

Sản xuất chuối hữu cơ

Thấy mô hình trồng chuối của anh Cường phát triển tốt, một số hộ dân trong xã đã đến học tập làm theo. Đến nay, ở xã Yên Hợp đã thành lập được HTX trồng chuối và tiêu thụ sản phẩm từ chuối. Khi tham gia HTX, các thành viên sẽ hỗ trợ nhau trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Các thành viên trong HTX thâm canh vườn chuối theo phương thức hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng. Ảnh: Thanh Tiến.

Các thành viên trong HTX thâm canh vườn chuối theo phương thức hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Vũ Văn Cường – thành viên HTX cho biết, nhiều năm gắn bó với ngô, lúa nhưng cuộc sống luôn khó khăn. Thấy cây chuối dễ trồng, tốn ít công chăm sóc mà nhanh cho thu hoạch. Được anh Cường hỗ trợ cây giống và kỹ thuật trồng, năm 2017 gia đình anh đã chuyển đổi hơn 10 sào đất lúa 1 vụ và đất vườn tạp sang trồng chuối ngự. Sản phẩm có đến đâu được HTX thu gom bán cho các siêu thị nên rất phấn khởi, mỗi năm diện tích chuối mang lại cho gia đình anh thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Vốn là cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phân bón, thời gian sinh trưởng ngắn, lại hợp đất Yên Hợp nên đến nay trong xã đã phát triển vùng thâm canh hơn 12 ha. Toàn bộ diện tích được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có nguồn gốc hóa học.

Chia sẻ câu chuyện sản xuất chuối hữu cơ, anh Nguyễn Cao Cường - Giám đốc HTX cho biết, với vùng trồng chuối tập trung, HTX đã áp dụng các quy trình kỹ thuật từ việc cày ải, phơi đất, diệt nguồn bệnh, tạo độ thoáng cho đất giúp vi sinh vật phát triển thuận lợi; trồng cây theo hàng lối, mỗi gốc chỉ để 1 cây mẹ và từ 1 - 2 cây con khỏe mạnh phân đều về các phía. Phân bón cho chuối là phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục. Phần thân, lá cây sau khi thu hoạch được chặt nhỏ bỏ vào gốc vừa làm phân bón vừa có tác dụng giữ ẩm cho đất mà lại không xả rác thải ra môi trường.

Người dân sử dụng máy phát để làm sạch cỏ dại trong vườn chuối vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân sử dụng máy phát để làm sạch cỏ dại trong vườn chuối vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong phòng trừ sâu bệnh, bà con chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đảm bảo theo nguyên tắc “đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách”. Cỏ dại trong vườn được phát quang bằng máy để tạo độ thoáng giúp tiêu diệt mầm bệnh. Các kỹ thuật này được HTX phổ biến, hướng dẫn cho rất cả các thành viên và người dân trong xã, tạo vùng nguyên liệu sạch, chất lượng cao.

Đến năm 2021, sản phẩm chuối ngự của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm có tem, nhãn, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, được canh tác theo quy trình hữu cơ bền vững, an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường với cam kết “4 không” gồm: không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không dư lượng phân bón hóa học, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng. 

Đưa chuối sạch vào hệ thống siêu thị

Những buồng chuối già sau khi thu hoạch để khô nhựa, không sử dụng chất bảo quản. Quy trình giấm chuối là khâu quan trọng nhất, vì vậy HTX đã xây dựng lò ủ đốt trấu, nhiệt độ giấm chuối phải đảm cho cả buồng chuối chín vàng đều, nếu thiếu nhiệt độ chuối sẽ không chín đều hoặc quá lửa quả chuối sẽ bị thâm đen. Đây được coi là bước quan trọng để sản phẩm chuối ngự tìm được thêm nhiều bạn hàng, trong đó có cả những hệ thống siêu thị, các cửa hàng hoa quả sạch trong tỉnh Yên Bái và một số chuỗi siêu thị ở thành phố Hà Nội như Siêu thị tự chọn B11 Kim Liên, hệ thống siêu thị Metro - Phạm Văn Đồng. Mỗi tháng tổng sản lượng xuất bán trung bình gần 10 tấn quả tươi.

Sản phẩm chuối ngự đưa vào siêu thị có mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm chuối ngự đưa vào siêu thị có mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo anh Cường, ban đầu anh phải tự tìm đến các siêu thị, cửa hàng để giới thiệu, quảng bá, chào bán sản phẩm với số lượng ít. Chuối đưa vào hệ thống siêu thị phải sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học, chất cấm trong thâm canh, sơ chế, bảo quản. Quả chuối trong các nải phải đồng đều, màu sắc tươi tự nhiên, không bị trầy dập trong quá trình thu hoạch, vận chuyển. 

Sau khi khẳng định được uy tín, chất lượng, các hệ thống siêu thị, cửa hàng đã chủ động ký hợp đồng thu mua với sản lượng tăng dần. Vì vậy, để có đủ nguồn hàng xuất bán, ngoài sản phẩm của các thành viên, HTX đã thu mua thêm của các hộ dân trong xã, cam kết, giám sát lẫn nhau trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. 

Để đồng hành cùng nhân dân tiêu thụ ổn định sản phẩm chuối ngự, cuối năm 2022, HTX đã đầu tư thêm nhà xưởng, lò sấy công suất 1,2 tạ/ngày để chế biến sản phẩm chuối ngự sấy. Mặc dù chưa có thị trường tiêu thụ lớn chủ yếu bán nhỏ lẻ qua các kênh truyền thống, song việc chế biến sản phẩm từ chuối để bán vào dịp cuối năm khi sản lượng bắt đầu khan hiếm của HTX đã giúp người dân tiêu thụ sản phẩm trong mùa thu hoạch, không bị ép giá và làm tăng giá trị sản phẩm. 

Đến nay, HTX đã có 2 sản phẩm OCOP là sản phẩm chuối ngự tươi và chuối ngự sấy Yên Hợp được nhiều thị trường quan tâm và khách hàng ưa chuộng. Kế hoạch trong thời gian tới, HTX sẽ hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc để nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. 

Ông Đinh Xuân Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hợp cho biết: để đủ điều kiện xuất khẩu, sản phẩm của địa phương phải nâng hạng tiêu chuẩn OCOP. Trước mắt, chính quyền xã sẽ vận động bà con nông dân mở rộng diện tích vùng nguyên liệu thêm khoảng 10 ha để đáp ứng sản lượng. Hỗ trợ và khuyến khích HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, bao tiêu sản lượng chuối tại địa phương và vùng lân cận để có đủ nguyên liệu. Ngoài ra, chú trọng mẫu mã, bao bì sản phẩm, tích cực quảng bá, xúc tiến thương mại tại các gian hàng OCOP, các đại lý, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Từ đó, tiếp cận thêm nhiều nguồn khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm