Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) đã được biết đến là thủ phủ của các loại đá quý, đặc biệt là đá ruby. Từ nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm này, những “họa sĩ” nơi đây đã tạo nên những bức tranh đủ màu sắc, độc đáo, tinh xảo.
Biến đá quý thành tranh
Chúng tôi đến thị trấn Yên Thế (huyện Lục Yên) vào những ngày đầu năm, những cơ sở chế tác tranh đá quý ở đây đang nhộn nhịp sản xuất do lượng khách đặt hàng tăng cao.
Theo chị Nguyễn Thị Hằng - chủ cơ sở làm tranh đá quý Hồng Ngọc, nguồn nguyên liệu để sản xuất tranh đá quý chủ yếu là đá quý, đá bán quý, đá Red ruby, Garnet, Spinel; Blue sapphire; Green peridot, Pargasite và được sử dụng một phần từ nguồn nguyên liệu tự nhiên của quá trình khai thác mỏ hoa đá trắng.
Quy trình để tạo nên một bức tranh đá quý đòi hỏi nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ. Khâu đầu tiên là rửa đá cho sạch tạp chất bên ngoài, tiếp đó là cho đá vào cối giã. Giã xong dùng sàng nhỏ để lọc ra những viên còn to, chưa đạt yêu cầu thì tiếp tục giã lại. Việc chọn nguyên liệu đá cho tranh là khâu quan trọng bởi những viên đá có độ chuẩn và đẹp sẽ góp phần tạo nên những bức tranh có giá trị cao.
Cũng giống như họa sĩ, người làm tranh đá quý phải biết pha màu từ những hạt đá to, nhỏ để trộn ra hàng trăm màu khác nhau. Điều đặc biệt là nguyên liệu chính phải là đá màu tự nhiên, nếu sử dụng đá nhuộm phẩm màu sẽ không thể làm ra được tranh.
Chị Lê Thị Thúy Thanh ở thị trấn Yên Thế năm nay mới 30 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm theo nghề làm tranh đá quý. Nhờ có tay nghề giỏi nên chị Thanh được nhiều cơ sở thuê về chế tác tranh với mức thu nhập từ 250 – 300 nghìn đồng/ngày, mỗi tháng có có thu nhập ổn định khoảng 7 – 8 triệu đồng. Dịp giáp Tết Nguyên đán vừa qua thì những người “họa sĩ” như chị Thanh thường được trả công cao hơn, nhiều khi phải làm tăng ca, thêm giờ để đáp ứng nhu cầu mua tranh tăng cao.
Theo chị Thanh, công việc làm tranh đá quý đa phần được chị em phụ nữ lựa chọn bởi cần sự khéo léo, tỉ mỉ. Hiện nay, nhiều người như chị đã coi đây là nghề chính có thể gắn bó cả đời. Để có được bức tranh đẹp thì cần có sự sáng tạo chứ không chỉ theo khuôn mẫu. Kỹ thuật làm tranh đá quý hết sức công phu, từ việc sơ chế đá, chuốt đá, nghiền đá, chọn đá màu đến vẽ tranh, ghép đá… đều thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người thợ.
Một bức tranh đá quý khổ nhỏ, trung bình, phải mất từ 2-3 ngày mới hoàn thành. Những bức tranh cỡ lớn, nhiều họa tiết, có khi phải mất cả tuần. Mỗi bức tranh đẹp cần sự kết hợp hài hòa giữa ý tưởng phối cảnh của họa sĩ với đôi bàn tay khéo léo của thợ ghép đá, chăm chút công phu từng họa tiết.
Công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn chế tác
Những ngày giáp Tết không khí tại các xưởng chế tác tranh càng trở nên sôi động, lượng khách đến tham quan, đặt hàng, mua tranh tăng đột biến. Những vị khách đến đặt hàng chủ yếu lựa chọn những bức tranh khổ lớn có chủ đề mừng thọ, tranh gia đình, hoa đào, hoa mai và tranh chữ…
Chị Nguyễn Thị Nguyệt - chủ cơ sở sản xuất tranh đá quý Giếng Ngọc (thị trấn Yên Thế) chia sẻ: Sau khi khai thác thì đá quý vẫn ở dạng nguyên khối, phải cần đến các nhân công cắt, gọt, đẽo ra thành từng phần. Phần đẹp nhất sẽ được chế tác để làm trang sức. Những phần còn lại sẽ được xử lý để làm nguyên liệu chế tác tranh đá quý.
Các loại đá quý được ngâm nước hoà cùng với một lượng axit loãng trong khoảng thời gian 20h – 24h để tẩy sạch các tạp chất, sau đó mang ra đãi rửa bằng nước sạch để các tạp chất và hoá chất không còn bám lại trên đá. Đá được đưa ra những khay lớn phơi nắng cho thật khô ráo, thu gom lại chuyển đến công đoạn say và đập nhỏ. Cách làm này cũng sẽ giúp cho việc loại trừ những nguyên liệu đá kém chất lượng trước khi đưa vào chế tác.
Tại cơ sở của chị Nguyệt luôn có từ 5-7 thợ làm tranh đá. Những ngày cận Tết xưởng phải thuê thêm người do đơn đặt hàng dày đặc, đối với những người có kinh nghiệm và chế tác giỏi sẽ được giao những bức tranh khổ lớn, có độ khó cao và được trả mức thù lao khá hơn thợ mới vào nghề.
Cái khó trong tranh đá quý Lục Yên là làm sao để những hạt đá màu li ti thể hiện được những hình ảnh mượt mà, sống động, trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự chứ không chỉ dừng lại ở những mảng màu sắc đậm nhạt đơn thuần.
Nhiều bức tranh tinh xảo đã tới thị trường nước ngoài
Hiện nay, làng nghề tranh đá quý Lục Yên có 46 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương. Mỗi năm làng nghề sản xuất, chế tác ra khoảng gần 4.000 sản phẩm. Thể loại tranh đá quý khá đa dạng bao gồm tranh đồng quê, tranh dân gian, tranh sơn thủy, tranh thư pháp, tranh xuân hạ thu đông, tranh truyền thần và nhiều loại khác.
Trong dịp Tết Nguyên đán, tranh hoa đào, hoa mai, mã đáo thành công và tranh chữ rất được ưa chuộng với ý nghĩa chào đón xuân năm mới, đem lộc về cho gia chủ, quanh năm tươi tốt, đem lại ấm no, vui vẻ cho gia đình.
Giờ đây, tranh đá quý ở Lục Yên không chỉ dừng lại ở một số mẫu tranh dân gian đơn thuần như tranh Đông Hồ, chữ thư pháp… mà ngày càng xuất hiện những bức tranh khổ lớn, làm theo đơn đặt hàng của khách phỏng theo các tác phẩm nổi tiếng thế giới.
Do kích thước hạt đá sử dụng cùng tính chất quang học và màu sắc, những bức tranh đá luôn có nét độc đáo riêng như tính ba chiều, độ sáng, độ phản quang. Với nguyên liệu sử dụng là đá quý và đá bán quý được hình thành trong tự nhiên, trải qua thời gian dài dưới ảnh hưởng của địa chất và môi trường, ko bị ảnh hưởng và phai màu theo thời gian. Nội dung những bức tranh đá quý không chỉ có ý nghĩa về mặt nghệ thuật mà có ý nghĩa cả về mặt phong thủy.
Tranh đá quý được nhiều người thích và sử dụng để treo tại phòng khách, phòng làm việc, đại sảnh. Ngoài ra, sản phẩm tranh đá quý thường được xem như là một quà tặng có giá trị để tặng trong các dịp quan trọng như tân gia nhà mới, mừng thọ, khai trương. Chính vì vậy, nghề chế tác tranh đá quý ngày càng phát triển, các nghệ nhân và thợ tranh nơi đây vẫn sáng tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã mới để nâng tầm làng nghề và nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Ông Tăng Kết Dư, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế cho biết: Những sản phẩm tranh đá quý Lục Yên với vẻ đẹp tự nhiên đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhiều tác phẩm có độ tinh xảo và giá trị được được xuất khẩu ra nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… Doanh thu mỗi năm từ nghề làm tranh đá tại huyện Lục Yên đạt khoảng hơn 25 tỷ đồng.