Bệnh khảm lá sắn đã và đang gây thiệt hại lớn tới năng suất và chất lượng cây sắn của cả nước và hiện nay đang có dấu hiệu gia tăng mạnh tại các địa phương trồng sắn. Tính đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 63.000 ha sắn bị bệnh khảm lá gây hại.
Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), nguồn bệnh lây lan chủ yếu là do người dân sử dụng giống sắn đã bị bệnh để đưa vào sản xuất. Do vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần phải đẩy nhanh việc đưa giống sắn mới sạch bệnh, kháng bệnh vào sản xuất.
“Bệnh khảm lá sắn xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2017. Thời gian đầu diện tích sắn bị khảm lá chưa nhiều, tỉnh đầu tiên xuất hiện khảm lá sắn là tỉnh Tây Ninh. Lúc đầu chỉ xuất hiện trong khoảng 1ha, sau đó đã lây lan nhanh từ năm 2017 đến năm 2021 với diện tích lên tới 8.000 ha trên tổng số khoảng hơn 500.000 ha diện tích trồng sắn cả nước. Đặc biệt có thời điểm tới 80.000ha diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá sắn”, ông Nguyễn Quý Dương thông tin.
Hiện nay, 26 tỉnh thành trên cả nước, trải dài ở 3 miền Bắc - Trung - Nam đã ghi nhận bệnh khảm lá sắn. Tuy nhiên, tình trạng khảm lá nặng nhất vẫn là tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Những tỉnh bị khảm lá sắn nặng nhất phải kể đến tỉnh Tây Ninh, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đồng Nai và một số tỉnh khác. Hiện tại, các địa phương đang xuống giống nốt vụ đông xuân 2021 - 2022, diện tích khảm lá sắn cũng đã lên đến trên 53.000 ha.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương cho biết, ngay sau khi xuất hiện bệnh khảm lá sắn, năm 2018, Cục Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống bệnh khảm lá sắn. Bên cạnh đó, từ năm 2018, Cục đã hợp tác với các đơn vị, cơ quan, phối hợp với các tổ chức quốc tế và lấy ý kiến của các cơ quan nghiên cứu có liên quan. Trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành quy trình phòng chống bệnh khảm lá sắn nhằm hướng dẫn cho các địa phương và bà con nông dân.
“Từ những kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn chỉ đạo, có thể thấy rằng một trong những giải pháp rất quan trọng hiện nay là nhân giống sắn sạch bệnh và tạo giống sắn kháng bệnh khảm lá. Đó chính là 2 giải pháp cốt lõi. Muốn giải quyết được bệnh khảm lá sắn, cần phải nhân giống sạch bệnh và tạo giống kháng bệnh”, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.
Theo đó, ông Nguyễn Quý Dương kỳ vọng, sau khoảng 3 năm thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch khảm lá sắn, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán và vận chuyển hom giống bị bệnh cũng như xử lý những cơ sở bán giống không rõ nguồn gốc, giống nhiễm bệnh, chúng ta có thể hoàn toàn kiểm soát được tình hình bệnh khảm lá ở cây sắn.