| Hotline: 0983.970.780

Khi cây sắn bị nhìn bằng ánh mắt tội nghiệp

Thứ Sáu 11/03/2022 , 06:45 (GMT+7)

'Là cây trồng chủ lực, nhưng có địa phương lại nhìn nhận cây sắn bằng ánh mắt tội nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã đẩy sự rủi ro về phía nông dân...'.

Thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng tải loạt bài "Phập phù cây sắn" phản ánh toàn diện những vấn đề bất cập trong tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, đặc biệt là nhiều thách thức trong phát triển cây sắn trước bệnh khảm lá rất phức tạp... Loạt bài đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học. 

Bệnh khảm lá đang là mối đe dọa tới sự phát triển bền vững của cây sắn ở nước ta. Ảnh: NNVN.

Bệnh khảm lá đang là mối đe dọa tới sự phát triển bền vững của cây sắn ở nước ta. Ảnh: NNVN.

Bài liên quan

Để khép lại vấn đề này, ngày 10/3, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Khẩn trương cung ứng nguồn giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh, phát triển cây sắn bền vững", với sự tham gia của lãnh đạo Cục Bảo vệ thực, Hiệp hội sắn Việt Nam, GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp...

Tại tọa đàm, ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam đã chia sẻ nhiều vấn đề cấp thiết cần phải xốc lại tổ chức sản xuất cho cây sắn. "Là cây trồng chủ lực, nhưng có địa phương nhìn nhận cây sắn bằng một ánh mắt tội nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp khi đã đẩy sự rủi ro về phía nông dân...", ông Tiến chua xót.

Tràn lan nhà máy sắn

Cùng với bệnh khảm lá sắn hoành hành, hiện các nhà máy sắn cũng đang đối mặt với nguy cơ "đói" nguyên liệu, nhiều nhà máy phía Nam rất khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu. Có vẻ như đang có sự vênh nhau rất lớn giữa số lượng, công suất chế biến của các nhà máy sắn và khả năng đáp ứng nguồn sắn nguyên liệu hiện nay, thưa ông?

Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam. Ảnh: NNVN.

Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam. Ảnh: NNVN.

Bài liên quan

Hiện nay, cây sắn đã có một vị trí nhất định trên bản đồ kinh tế của Việt Nam cũng như trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam rơi vào khoảng 1,2 tỷ USD, có những năm đạt đến 1,4 tỷ USD và đứng thứ 3 trong sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sau gạo và cà phê. Mỗi năm có khoảng 1,2 triệu lao động tham gia sản xuất, chế biến sắn. Cây sắn chủ yếu nằm ở các vùng núi, vùng sâu vùng xa và duyên hải miền Trung. 

Hiện Việt Nam chỉ đứng thứ 2 sau Thái Lan về sản lượng sản xuất tinh bột sắn với khoảng 3 triệu tấn mỗi năm. Mang ý nghĩa, hiệu quả về kinh tế và xã hội trong những năm qua, tuy nhiên cây sắn cũng đang đứng trước rất nhiều nguy cơ và khó khăn. 

Thứ nhất là yếu tố thị trường, hiện chúng ta mới chỉ tập trung xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Thị trường này chiếm đến 85% kim ngạch xuất khẩu sắn của Việt Nam, trong đó 65 - 70% kim ngạch xuất khẩu tiểu ngạch. Trong khi thời gian qua, tình hình Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc ngày càng phức tạp. Tôi cho là chúng ta đang “đựng trứng trong một rổ”.

Các nhà máy chế biến tinh bột sắn những năm qua mọc lên như nấm, nhưng gần như rất ít doanh nghiệp chịu xây dựng vùng nguyên liệu một cách bài bản. Ảnh: Việt Khánh.

Các nhà máy chế biến tinh bột sắn những năm qua mọc lên như nấm, nhưng gần như rất ít doanh nghiệp chịu xây dựng vùng nguyên liệu một cách bài bản. Ảnh: Việt Khánh.

Bài liên quan

Thứ hai, tình hình dịch bệnh cũng là một nguy cơ rất sát. Dịch bệnh khảm lá đã tàn phá mạnh mẽ ngành sắn và các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương đang thực sự lo lắng.

Thứ ba, hiện nay quy hoạch phát triển đang bị mất cân đối giữa quy mô chế biến với khả năng năng lực hiện có của vùng nguyên liệu. Tất cả các nhà máy hiện nay chỉ đảm bảo được 60% công suất hoạt động so với công suất đầu tư.

Trên thực tế, việc phát triển cây sắn diễn ra tràn lan nhưng các nhà máy chế biến vẫn không có nguyên liệu, gây ra lãng phí xã hội, lãng phí kinh tế của các doanh nghiệp. Có những địa phương, điển hình như ở Nghệ An, Đắk Lắk, đặc biệt là ở Tây Ninh có tới gần 50 nhà máy chế biến sắn.

Trước nay, chúng ta chủ yếu nhập nguyên liệu từ Campuchia nhưng thời gian qua, do dịch bệnh và do nước bạn kêu gọi vốn đầu tư từ Trung Quốc cũng như Thái Lan nên không còn dư dả nguồn cung nguyên liệu, theo đó các nhà máy của Việt Nam không thể hoạt động hết công suất.

Sắn nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu tỷ đô-la, nhưng các doanh nghiệp chế biến đa phần đi 'mua dạo' sắn nguyên liệu, liên kết sản xuất với nông dân rất yếu. Ảnh: NNVN.

Sắn nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu tỷ đô-la, nhưng các doanh nghiệp chế biến đa phần đi "mua dạo" sắn nguyên liệu, liên kết sản xuất với nông dân rất yếu. Ảnh: NNVN.

Chúng ta đang đi ngược quy trình phát triển. Trước khi cho ra đời một nhà máy chế biến, cần phải tính được năng lực, khả năng cung ứng của vùng nguyên liệu. Nói cách khác, chúng ta phải có vùng nguyên liệu để đảm bảo quy mô đầu tư hợp lý, thế nhưng các địa phương lại làm ngược lại, cứ cho xây dựng các nhà máy mà không tính đến yếu tố nguyên liệu. Điều đó dẫn đến việc cạnh tranh rất khốc liệt giữa các nhà máy. Về vấn đề này, Hiệp hội đã từng kiến nghị, về phía nhà nước, cần có những quy định, quản lý nghiêm ngặt về quy hoạch phát triển cây sắn.

Thứ tư, các doanh nghiệp không chú tâm đến việc đầu tư theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng”. Hiện nay, cây lúa, cây cà phê hay cây mía... đều có chính sách riêng. Còn cây sắn vẫn chưa có chính sách nào của nhà nước và đang phải "tự trăn trở”, "tự bơi” để tồn tại theo kiểu tự do.

“Hiệp hội sắn Việt Nam đề xuất Bộ NN-PTNT cần sớm tổ chức cuộc họp gắn kết UBND các tỉnh, Sở NN-PTNT các tỉnh với doanh nghiệp chế biến, kinh doanh ngành sắn tại các địa phương để triển khai đồng bộ việc phát triển cây sắn. Các doanh nghiệp cần phải được vào cuộc vì quyền lợi thiết thực của họ”, ông Nghiêm Minh Tiến đề xuất.

Doanh nghiệp sắn đẩy rủi ro cho nông dân

Vậy thì trong thời gian tới, những mắt xích nào cần phải được củng cố, tháo gỡ để có thể xây dựng mối liên kết sản xuất và đảm bảo nguồn sắn nguyên liệu cho chế biến một cách bền vững, thưa ông?

Thiếu những mối liên kết sản xuất, nông dân trồng sắn luôn trong thế 'tự bơi', với những rủi ro, long đong, phập phù về giá cả. Ảnh: Văn Dũng.

Thiếu những mối liên kết sản xuất, nông dân trồng sắn luôn trong thế "tự bơi", với những rủi ro, long đong, phập phù về giá cả. Ảnh: Văn Dũng.

Với Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT, cây sắn là một trong 13 cây nông nghiệp chủ lực quốc gia, cùng với vị trí nhất định trên bản đồ kinh tế, chúng ta cần có những chính sách vĩ mô xứng tầm với cây sắn. Hay nói cách khác, cây sắn không có lỗi, chúng ta cần có cách nhìn nhận tích cực hơn đối với cây sắn. Từ đó các địa phương mới nhìn nhận cây sắn là cây chủ lực và đưa cây sắn vào chương trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Chúng ta mong muốn có những cánh đồng lớn để tạo ra các vùng hàng hóa, thế nhưng thực tế hiện nay bà con nông dân trồng sắn chủ yếu từ 5 sào đến 1 ha. Người dân cũng không hiểu cánh đồng lớn là như thế nào. Đã là cây chủ lực thì Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng phải có chính sách thiết thực cho cây sắn.

Cùng với đó, hiện nay các địa phương ồ ạt cho ra đời các nhà máy mà không cần biết các nhà máy đó có thể tồn tại ở trạng thái nào cũng như sự đảm bảo để nhà máy hoạt động ra sao. Qua đó gây ra sự mất cân đối giữa quy mô chế biến và vùng nguyên liệu.

Ở đây, lỗi lớn nhất thuộc về các doanh nghiệp khi đã đẩy sự rủi ro về phía bà con nông dân, cứ để người nông dân trồng sắn rồi giành giật nhau mua, gây ra sự hỗn loạn trong thị trường sắn. Việc cây sắn phát triển ra sao, bệnh tật như thế nào cũng bị các bên đùn đẩy trách nhiệm.

Các doanh nghiệp trong ngành sắn cần phải chịu trách nhiệm với nông dân, với chính vùng nguyên liệu của mình trước khi kêu ca nhà nước. Ảnh: NNVN.

Các doanh nghiệp trong ngành sắn cần phải chịu trách nhiệm với nông dân, với chính vùng nguyên liệu của mình trước khi kêu ca nhà nước. Ảnh: NNVN.

Tôi cho rằng, đây là vấn đề mấu chốt mà các doanh nghiệp, các nhà máy kinh doanh trong ngành sắn cần chịu trách nhiệm trước khi kêu ca với nhà nước. Các doanh nghiệp cần phải đầu tư giống, đầu tư đất đai, thậm chí phải ký hợp đồng bảo hiểm về giá cho nông dân. Nói cách khác, cần phải quan tâm hơn đến lợi ích của người trồng sắn rồi mới tính đến lợi ích của nhà máy chế biến.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhìn nhận vấn đề từ 2 phía. Bà con nông dân trồng sắn cũng cần “chung thủy” với các nhà máy, cần tuân thủ theo đúng hợp đồng đã ký với các nhà máy, tránh tình trạng thấy giá ở đâu cao thì bán ở đấy.

"Hiện nay, Hiệp hội sắn Việt Nam đang phối hợp tích cực với Cục BVTV và Viện Di truyền nông nghiệp xúc tiến chương trình bao vây bệnh khảm lá sắn, đồng thời đưa những giống sắn sạch bệnh ở những vùng an toàn sang vùng không an toàn để sản xuất.

Các doanh nghiệp đã từng đưa ra ý kiến mỗi công ty, nhà máy cần tự xây dựng một diện tích trồng sắn đảm bảo được 30 - 40% sản lượng cung cấp cho nhà máy chế biến, đồng thời xây dựng vùng trồng sắn sạch.

Theo Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, cây sắn cũng là cây chủ lực. Nhưng từng địa phương lại có nhận thức về vấn đề này ở mức độ khác nhau. Có địa phương cho rằng cây sắn nằm trong 13 cây chủ lực quốc gia nhưng có địa phương lại coi sắn là cây trồng chính hay thậm chí chỉ là cây trồng phụ. Có địa phương còn nhìn nhận cây sắn bằng một ánh mắt tội nghiệp, không xác định tầm nhìn cũng như chương trình phát triển cây sắn. Do vậy, việc phòng ngừa bệnh dịch cho cây sắn cũng chỉ được xem nhẹ hơn rất nhiều".

(Ông Nghiêm Minh Tiến).

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.