| Hotline: 0983.970.780

Dưa hấu XK 'còng lưng' gánh cước phí vận tải

Thứ Hai 22/02/2016 , 13:35 (GMT+7)

Thương lái buôn dưa hấu sang Trung Quốc hiện nay không chỉ đang khốn đốn về chuyện bị thị trường ép giá, ép loại, mà còn phải “oằn lưng” gánh cước phí vận tải quá nặng. Chỉ tính riêng dưa mua tại Long An, chi phí lên xe đã mất 6.700 đ/kg, cộng cước vận tải 1kg dưa đã tăng lên 8.700đ, mất thêm hao hụt 1.000đ/kg...

Giá tuột dài

Anh Tư, một thương lái lớn chuyên thu mua dưa hấu cung ứng cho thị trường Trung Quốc, cho biết: Từ 10 giờ sáng mùng 7 tháng Giêng, những “ông lớn” trong thị trường tiêu thụ dưa hấu Trung Quốc bắt đầu thu mua những mẻ dưa đầu tiên năm mới, trong ngày đầu tiên mở hàng, giá thu mua dưa hấu tại cửa khẩu đứng ở mức 2,2 - 2,4 NDT/kg.

Bước sang ngày mùng 8, mùng 9, giá dưa hấu bị thị trường Trung Quốc đè dần từ 1,7-1,8 NDT/kg xuống còn 1,4-1,5 NDT/kg. Đến hiện nay, dưa đẹp nhất (từ 2,5kg/quả trở lên) được xếp dưa loại 1 giá có nhỉnh lên một tí, nhưng cũng chỉ bán được 1,7 NDT/kg. Hiện 1 NDT quy đổi ra tiền Việt là 3.400 VNĐ, vị chi 1kg dưa hấu thương lái Việt Nam chỉ bán được có 5.780 VNĐ/kg.

Giá bán bị hạ thấp, buộc các thương lái cũng phải hạ giá thu mua dưa của nông dân. Hiện dưa hấu được trồng tại Phú Túc (Gia Lai) và Sông Hinh (Phú Yên) đang thu hoạch rộ. Nếu như vào thời điểm đầu năm mới, những chủ ruộng dưa ở Đăk Lăk thu hoạch sớm đã phải đắng lòng vì thua lỗ do giá dưa chỉ bán được có 4.000đ/kg thì hiện nay, những chủ ruộng dưa đang vào kỳ thu hoạch còn khốn đốn hơn, vì giá dưa tiếp tục giảm sâu.

Ông Lê Đình Chiến (71 tuổi) ở Diên Khánh (Khánh Hòa), một thương lái lớn chuyên thu mua dưa hấu khắp nước cung ứng cho thị trường Trung Quốc, cho hay: “Do dưa bán sang thị trường Trung Quốc bị hạ giá nên buộc chúng tôi cũng phải hạ giá mua của nông dân. Hiện tôi đang thu mua dưa hấu loại 1 từ 2,5kg/quả trở lên của nông dân ở Phú Túc (Gia Lai) và Sông Hinh (Phú Yên) với giá từ 2.700 - 3.000 đ/kg, đây là giá mua tại ruộng.

Dưa hấu bị hạ giá đến mức này người trồng ai nấy đều khóc ròng vì lỗ nặng, nhưng chúng tôi không thể mua cao hơn. Vì với giá bán hiện nay tại thị trường Trung Quốc, sau khi chi phí đưa dưa lên xe, cước vận chuyển đến cửa khẩu, trừ hao hụt do dưa bị dạt (bị loại) thì cánh thương lái chúng tôi còn lỗ dữ hơn”.

12-14-55_2
Giá nhiên liệu giảm sâu nhưng cước vận chuyển dưa hấu vẫn không giảm

“Tôi đang có gần 9 sào dưa đã được hơn 1 tháng tuổi. Đầu tư vào ruộng dưa đã bộn tiền mà giờ nghe giá dưa tuột thấp như vậy mà lòng như đang có lửa đốt. Dù nghe giá dưa thấp nhưng vẫn cứ phải đầu tư chăm sóc, nếu đến khi thu hoạch mà giá vẫn như thế này thì chắc chắn bị mất vốn như chơi”, nông dân Nguyễn Văn Hồng ở thôn Hòa Ninh, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định), lo lắng.

Theo các thương lái, hiện nay dưa hấu chẳng những đang bị thị trường Trung Quốc ép giá mà còn bị ép khi phân loại. Ví như anh Tư ở Long An vừa có chuyến hàng đầu năm đi Trung Quốc 1 xe dưa 27 tấn thì chỉ được cân mua 22 tấn, bị loại mất 5 tấn. Số lượng dưa bị loại phải bán từng quả, tiền bán cả 5 tấn dưa chỉ đủ trả cước vận tải cho chuyến hàng.

“Ngày 20/2 vì đã lỡ mua nên tôi vừa ra chuyến hàng khác, nhưng không dám đưa sang Trung Quốc vì sợ lỗ nữa, mà bán cho bạn hàng ở tỉnh Hải Dương mỗi người năm ba tấn để cứu vốn. Gía bán tại đây được 9.900 đ/kg.

Trong khi dưa mua tại Long An tính cả chi phí lên xe đã mất 6.700 đ/kg, cộng cước vận tải 1kg dưa đã tăng lên 8.700đ, mất thêm hao hụt 1.000đ/kg nên giá thành 1kg dưa đã lên đến 9.800đ/kg. Kể như chuyến hàng này huề vốn, nhưng nếu đưa sang thị trường Trung Quốc thì lỗ nặng, vì ở đây chỉ được thu mua 5.780đ/kg”, anh Tư than thở.

Dưa oằn lưng cõng cước vận tải

Thương lái buôn dưa hấu sang Trung Quốc hiện nay không chỉ đang khốn đốn về chuyện bị thị trường ép giá, ép loại, mà còn phải “oằn lưng” gánh cước phí vận tải quá nặng. Bức xúc nhất là trong thời gian qua, dù giá nhiên liệu liên tục giảm sâu nhưng giá cước vận tải vẫn đang đứng ở mức cao.

Theo cho biết của thương lái Lê Đình Chiến ở Diên Khánh (Khánh Hòa), hiện nay 1 xe dưa (loại 4 chân) chở đúng tải sẽ vận chuyển được 20 tấn dưa, phí vận tải ra đến cửa khẩu là 20 triệu đồng.

12-14-55_1
Giá dưa hấu ngày càng tuột dốc thảm hại

Điều xót lòng nhất của các thương lái hiện nay là do ngành GTVT chưa quản lý được giá cước vận tải nên các nhà xe còn cớ để thao túng.

“Giá dầu hiện nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 9.500 đ/lít, thế nhưng giá cước 1 chuyến dưa đi Trung Quốc không giảm mấy so với trước đây khi giá dầu còn ở mức trên 15.000 đ/lít là bao. Đáng nói hơn là hiện nay lượng xe tải nhiều hơn thời điểm xe chưa bị hạ tải, thế nhưng ngành GTVT của mình chưa ấn định giá sàn cho cước vận tải, nên khi vào mùa thu hoạch dưa, nhà xe mặc sức ra giá cước, thương lái cần là cứ phải chấp nhận đi”, ông Chiến nói bức bối.

Theo ông Chiến, đã đến lúc ngành GTVT phải ra quy định giá sàn cho cước vận tải. Ông Chiến ví dụ: Nếu xe chở hàng trái cây, thời gian vận chuyển trên đường được quy định từ Sài Gòn đến Hà Nội tài xế không được chạy quá 40 tiếng đồng hồ, và trong quá trình vận chuyển nhà xe phải bảo quản để trái cây còn giữ được độ tươi và ít hư hỏng thì phải được ấn định mức cước cao hơn, giá sàn là bao nhiêu tùy tuyến đường, thương lái yên tâm không sợ bị “bắt chẹt”.

“Bây giờ, khi Nhà nước chưa ấn định được mức sàn giá cước vận tải trên từng loại hàng nên các nhà xe muốn giá nào thì hô giá đó. Riêng trong chuyện buôn dưa hấu, gía bán đã thấp mà giá cước lại cao buộc thương lái phải mua hàng rẻ, người thiệt hại cuối cùng vẫn là nông dân”, ông Chiến nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi mức sàn của giá cước các loại mặt hàng chưa được ấn định, không chỉ các nhà xe thu cước “tùy hứng” mà đây còn là kẽ hở để các “cò xe” thao túng. Theo tiết lộ của các thương lái chuyên buôn dưa hấu đi Trung Quốc ở miền Trung và miền Nam, có nơi thậm chí “cò xe” còn đứng ra làm giá cho nhà xe để được hưởng chênh lệch. Mỗi xe tải tùy lớn nhỏ, “cò xe” sẽ cắt tiền cước từ 500-700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/xe.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Khẩn thiết cần 1 đầu mối đứng ra đàm phán

'Chúng tôi chỉ là hiệp hội, không có chức năng quản lý và chưa được hướng dẫn thủ tục cấp giấy kiểm định vàng O', Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nestlé Việt Nam: Tiên phong phát triển bền vững, đồng hành kiến tạo tương lai xanh

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra những giải pháp vừa tạo tác động tích cực môi trường, vừa thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.