Hỗ trợ 50% giá giống
Từ bao đời nay, hươu sao gắn liền với địa danh huyện Hương Sơn. Đối tượng này không chỉ giải quyết vấn đề cơm ăn, áo mặc mà con giúp hàng chục nghìn hộ dân các huyện miền núi làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Giá trị về mặt an sinh xã hội, phát triển kinh tế của con hươu nay không chỉ gói gọn ở Hương Sơn mà đã mở rộng xuống các huyện đồng bằng, thậm chí vươn ra ngoại tỉnh, trong đó có TP Hà Tĩnh.
Năm 2023, thực hiện Nghị quyết 51, ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh và Quyết định số 1383/QĐ-UBND ngày 16/6/2023 của UBND thành phố Hà Tĩnh về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương này hỗ trợ xây dựng dự án “Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hươu sao”, trong thời gian 5 năm, từ 2023 – 2028.
Một lãnh đạo TP Hà Tĩnh chia sẻ, sở dĩ TP mạnh dạn đưa hươu sao “hạ sơn” là bởi đặc thù nhân dân vùng ven TP như xã Thạch Bình, Đồng Môn, Thạch Hạ… lâu nay vẫn đang chăn nuôi bò, lợn nông hộ, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống trong khu dân cư.
Hơn nữa, quỹ đất trồng cỏ tại các khu vực này cũng khá nhiều nên thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi hươu.
“Chúng tôi kỳ vọng chương trình liên kết chăn nuôi hươu sao sẽ giúp nông dân ven đô có một nguồn thu nhập ổn định, giảm thiểu rủi ro trong quá trình chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm hươu sao riêng của TP Hà Tĩnh”, vị lãnh đạo nói.
Theo lộ trình, năm 2023 dự án liên kết giữa Công ty TNHH SXTM Dịch vụ An Phong (viết tắt là Công ty An Phong) và 7 hộ gia đình đã thả nuôi 41 con hươu, ngân sách hỗ trợ 50% con giống, 30% chuồng trại theo tiêu chuẩn.
Từ năm 2024, tiếp tục mở rộng quy mô liên kết với các hộ dân tại các xã, phường như Thạch Bình, Thạch Trung, Đồng Môn, Đại Nài… nhằm từng bước tạo ra chuỗi chăn nuôi hươu quy mô lớn.
Doanh nghiệp là “bà đỡ”
Ngày 19/2/2024, PV theo chân lãnh đạo TP Hà Tĩnh và Công ty An Phong “hái lộc” đầu xuân. Những cặp nhung hươu từ 800g - 1kg được doanh nghiệp thu mua ngay tại chuồng, nông dân phấn khởi ra mặt.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thành (70 tuổi) và bà Lê Thị Huệ, thôn Tây Bắc, xã Thạch Bình trước đây nuôi 4 con bò và 5 con lợn, thường xuyên bị dịch bệnh, giá bán bấp bênh nên hiệu quả kinh tế thu về mỗi năm chỉ đạt khoảng 15 triệu đồng. Đáng nói, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc nên thường bị hàng xóm phàn nàn gây mất đoàn kết.
Năm 2023, thông qua chính sách hỗ trợ của thành phố, gia đình ông Thành cải tạo chuồng trại, thả nuôi 4 con hươu đực, 1 con hươu cái do Công ty An Phong cung cấp.
Sau một thời gian chăm sóc, đến nay gia đình đã khai thác được 3 cặp nhung với tổng trọng lượng gần 2kg. Một cặp gia đình để sử dụng, bán 2 cặp thu về trên 13 triệu đồng.
“Toàn bộ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, khai thác nhung hươu chúng tôi được cán bộ của Công ty An Phong hướng dẫn rất tỉ mỉ. Bây giờ so sánh với nuôi bò, nuôi lợn thì nuôi hươu vừa ít dịch bệnh, không hôi thối mà còn góp được một khoản tiền kha khá”, bà Huệ phấn khởi chia sẻ.
Cách nhà bà Huệ không xa, con hươu cái của gia đình ông Trần Hữu Bình, thôn Bình Yên vừa hạ sinh một hươu con khỏe mạnh, dự kiến khoảng 6 tháng nữa nếu bán giống ông Bình sẽ có trong tay hơn 10 triệu đồng.
Theo ông Bình, gia đình ông là 1 trong 7 hộ dân nằm trong diện được chính quyền địa phương hỗ trợ chuyển đổi từ nuôi bò, lợn sang chăn nuôi hươu.
Từ trước đến nay, ông luôn nghĩ hươu chỉ nuôi được ở miền núi, tuy nhiên sau khi được hỗ trợ 50% giá giống thả nuôi 5 con hươu, nhận thấy hiệu quả vượt xa kỳ vọng, ông mua thêm 5 con hươu của Công ty An Phong để nhân rộng quy mô.
“Nhà tôi quỹ đất làm chuồng trại rộng nên hươu có sân chơi để phát triển. Hơn nữa nguồn thức ăn như ngô, cỏ cũng dồi dào nên việc chuyển đổi sang nuôi hươu sao là một hướng đi rất đúng đắn”, ông Bình nói.
Để đáp ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng, Công ty An Phong đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi hươu trên diện tích hơn 5ha ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê. Quy mô tổng đàn 200 con, mỗi năm cung ứng hàng ngàn con hươu đực và hươu nái cho người chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh.
Thông qua hợp đồng liên kết, trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp cung ứng con giống cho các hộ dân. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, theo dõi, quản lý dịch bệnh và thu hoạch nhung. Đồng thời, thu mua toàn bộ nhung hươu, hươu con và các sản phẩm khác từ hươu.
Anh Hồ Phúc Đồng, Giám đốc Công ty An Phong cho rằng, lâu nay việc phát triển sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung, TP Hà Tĩnh nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế như: Chất lượng sản phẩm đầu vào chưa đảm bảo, sản xuất còn theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, theo kiểu truyền thống. Sự hợp tác trong sản xuất đang mang tính hình thức, mạnh ai người ấy làm, từ đó mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp “đứt gánh giữa đường”. Thường xuyên xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”…
“Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, chúng tôi xây dựng hợp đồng liên kết rất chặt chẽ, thậm chí có chế tài phạt nặng nếu một bên “bẻ kèo”.
Quan trọng nhất, quá trình thực hiện phải có sự chứng kiến, tham gia của chính quyền các cấp, có như vậy, doanh nghiệp mới tự tin làm “bà đỡ” lâu dài cho nông dân”, anh Đồng nhấn mạnh.
Theo anh, năm 2023 ngoài kinh doanh nhung hươu tươi nguyên cặp, để nâng cao giá trị gia tăng từ con hươu công ty đầu tư máy móc chế biến sâu các sản phẩm mang thương hiệu HUSO như: rượu nhung hươu HUSO, bột nhung hươu HUSO, cao nhung hươu HUSO, đế nhung hươu tán bột, nhung hươu tươi thái lát, nhung hươu ngâm mật ong... đem lại doanh thu cho doanh nghiệp gần 13 tỷ đồng.
Trong tương lai, để nhân rộng được dự án, Công ty An Phong đang phối hợp Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi thành phố sử dụng đệm lót sinh học, dùng men vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi, tạo vòng tuần hoàn an toàn trong quá trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi, chất lượng sản phẩm và bảo vệ sức khỏe con người.
Thạch Bình là xã có nhiều hộ chăn nuôi bò, lợn nhỏ lẻ trong khu dân cư. Từ năm 2019 trở lại đây do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò nên đại đa số hộ chăn nuôi bị xóa đàn và chưa có kế hoạch tái đàn, chuồng trại chăn nuôi cũ sử dụng làm kho chứa phụ phẩm nông nghiệp hoặc để không gây lãng phí, người dân chưa có định hướng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cho phù hợp với điều kiện hiện có cũng như ngành nghề trong nông hộ.
Việc triển khai liên kết nuôi hươu theo chuỗi đã tận dụng, phát huy được lợi thế hiện có của người dân về chuồng trại, ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững.