| Hotline: 0983.970.780

Triển khai 28 nội dung để thi hành Luật Tài nguyên nước

Thứ Sáu 21/06/2024 , 14:27 (GMT+7)

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị triển khai Luật Tài nguyên nước; đối thoại giữa các bên liên quan để sử dụng tài nguyên nước hiệu quả.

“Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật” được Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức tại Hải Phòng sáng nay, 21/6. Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì.

Tham dự Hội nghị có đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương; đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan thuộc Bộ TN&MT; đại diện Sở TN&MT của 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ; đại diện các Tổ chức quốc tế; cùng đại diện phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; và các cơ quan, đơn vị liên quan khác.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Gia Chính.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Gia Chính.

Hội nghị được tổ chức với sự hỗ trợ của dự án Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) “Thúc đẩy an ninh nguồn nước và môi trường cho các lưu vực sông xuyên biên giới sông Mã và sông Neun-Cả và vùng ven biển liên quan (CHDCND Lào và Việt Nam)” thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), thực hiện bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Tại Hội nghị, Bộ TN&MT giới thiệu tổng quan và những điểm mới của Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua, đồng thời giới thiệu các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật tài nguyên nước 2023, gồm Nghị định số 53/2024 ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 54/2024 ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư 3/2024 ngày 16/5/2024 của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư 04/2024 ngày 16/5/2024 của Bộ TN&MT quy định kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư 05/2024 ngày 16/5/2024 của Bộ TN&MT quy định về di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất.

Hội nghị trao đổi, làm rõ những nội dung có thể có cách hiểu khác nhau để Bộ TN&MT giải đáp, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị phổ biến Luật Tài nguyên nước sáng 21/6. Ảnh: Gia Chính.

Các đại biểu tham dự Hội nghị phổ biến Luật Tài nguyên nước sáng 21/6. Ảnh: Gia Chính.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ: Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...).

Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 02 Nghị định, 03 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước (đều có hiệu lực thi hành cùng với Luật Tài nguyên nước ngày 1/7/2024).

Bộ TN&MT mong muốn đây là dịp để khởi động đối thoại đa phương giữa các bên liên quan chính, bao gồm những nhà lập chính sách; các Bộ, ngành liên ngành; chính quyền địa phương chia sẻ và thảo luận về những thách thức và ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới; giới thiệu các dự án quản lý nước xuyên biên giới quốc tế, cơ hội tái cơ cấu và thành lập Tổ chức lưu vực sông, chia sẻ các khó khăn, thách thức về tài nguyên nước tại các sông xuyên biên giới.

Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành, đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là còn nhiều thách thức. Bốn nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Thông qua Hội nghị, Bộ TN&MT mong muốn đây là dịp để khởi động đối thoại đa phương giữa các bên liên quan, chia sẻ và thảo luận về những thách thức và ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới. Ảnh: TL.

Thông qua Hội nghị, Bộ TN&MT mong muốn đây là dịp để khởi động đối thoại đa phương giữa các bên liên quan, chia sẻ và thảo luận về những thách thức và ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới. Ảnh: TL.

Để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật (Quyết định số 274-TTg ngày 2/4/2024), tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, ngay khi các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được ban hành, Bộ TN&MT đã có 3 văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phổ biến văn bản cũng như sẵn sàng triển khai khi các văn bản nêu trên có hiệu lực thi hành.

Với những cố gắng, nỗ lực rất lớn của Bộ TN&MT, đến nay, Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước mới đã được hoàn thiện đúng tiến độ, chất lượng, là một trong những Hệ thống pháp luật chuyên ngành được triển khai xây dựng, hoàn thiện một cách đồng bộ, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và đặc biệt là Luật Tài nguyên nước, 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, 3 Thông tư. Các văn bản này sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực tế và cùng hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.

Theo Bộ TN&MT, trong quá trình xây dựng Luật Tài nguyên nước 2023, cơ quan soạn thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác, tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, AFD, KOICA, IUCN, JICA, FAO, GEF… để chia sẻ, hiểu sâu hơn mô hình quản lý, bối cảnh, trình độ phát triển, thực tiễn triển khai các chính sách tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới, cũng như các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam.

Trong đó, Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), thực hiện bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã phối hợp, hỗ trợ tích cực quá trình xây dựng và hoàn thiện khung thể chế, chính sách, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, qua đó nhằm bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn nước xuyên biên giới, hệ sinh thái nước ngọt có liên quan theo hướng bền vững và tối ưu hóa lợi ích cho các quốc gia có chung nguồn nước.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.