Chia sẻ với PV báo Nông nghiệp Việt Nam tại buổi ra mắt thương hiệu GoGelato của mình trên đường Kinh Dương Vương, ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh Kẹo Á Châu (ACB Bakery) cho biết, ông có một tình yêu lớn với nông sản Việt cũng như hiểu được tâm tư, tâm huyết của những người nông dân bởi: "Tôi cũng xuất thân từ một người nông dân và hiểu được sự khó nhọc để trồng ra các loại nông sản trái cây", ông nói.
Vì vậy, suốt trong quá trình phát triển doanh nghiệp này, ông Kao Siêu Lực cùng cộng sự luôn nghiên cứu để đưa các loại nông sản trái cây vào trong các sản phẩm. Qua đó, vừa hỗ trợ được người nông dân, vừa tăng giá trị cho nông sản Việt, mà lại mang lại những nét rất riêng.
Theo ông Kao Siêu Lực, Việt Nam có lợi thế bởi có nhiều loại nông sản rất ngon và phong phú chủng loại theo từng mùa. Vì vậy, để nâng cao giá trị cho nông sản Việt, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải đầu tư về mặt công nghệ chế biến sâu, cũng như kinh nghiệm, bản lĩnh và cái tâm của người chế biến. Khi đó, sản phẩm mới được tạo ra từ nông sản Việt sẽ được thị trường đón nhận.
Với sự nhạy bén của mình trong việc làm thương hiệu và định vị được xu hướng thị trường, ông Kao Siêu Lực cho ra đời cửa hàng GoGelato nhắm vào phân khúc giới trẻ "chịu chi tiền" với kem Ý Gelato, bánh pizza, cà phê... mang phong cách Ý giữa lòng Sài Gòn.
Nói về việc đưa nông sản Việt vào món kem Gelato (một loại kem nổi tiếng của Ý - PV), ông Kao Siêu Lực cho rằng, kem Ý có hàm lượng béo thấp, mềm mịn và dẻo tan trong miệng, rất khác so với Ice Cream. Vì vậy, khi kết hợp với từng loại nông sản, đều phải đo lượng đường có trong từng loại trái cây để có một công thức chuẩn và đặc biệt giữ được hương vị riêng của nông sản Việt.
"Thường ở Ý người ta chỉ dùng phần hương của xoài để làm kem, nhưng xoài cát Hòa Lộc của Việt Nam rất ngon, vì vậy chúng tôi lấy cả phần chất của xoài cát Hòa Lộc để tạo ra món kem Ý chuẩn hương vị Việt Nam.
Chúng tôi cũng chọn dừa để đưa vào kem Gelato, nhưng vì dừa có độ béo nên đòi hỏi kinh nghiệm để hài hòa hương vị với kem Ý. Mặt khác, dừa là thể lỏng (chứa nước) mà kem Gelato hoàn toàn không có nước. Công thức Gelato dừa của tôi phối hợp 4 loại nước cốt dừa khác nhau, trong đó, có loại tôi tự nấu bằng nước cốt của trái dừa khô. Điều kiện khó nhất khi nấu nước cốt dừa để làm Gelato là không được để sôi quá 100 độ C", ông Kao Siêu Lực nói.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá cao sự khéo léo của ông Kao Siêu Lực khi đã sử dụng các loại nông sản Việt để đưa vào kem GeGolato, qua đó giúp tăng giá trị không những của nông sản Việt mà còn của kem Ý.
“Kem Gelato là một loại kem nổi tiếng của Ý, thế nhưng giờ đây, nguyên liệu, công nghệ máy móc, công thức của Ý kết hợp với trái cây nhiệt đới của Việt Nam. Điều này người Ý chưa từng biết. Có thể sẽ ra loại kem chất liệu Ý, công nghệ Ý nhưng có khi chất lượng GoGelato đó bởi nó phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam hơn.
Ông Kao Siêu Lực nhắm đến thế hệ thứ hai là thế hệ trẻ xài tiền nhiều hơn. Dùng nông sản Việt Nam đưa vào kem Ý nhưng lại phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam. Đây là một sự lựa chọn khôn ngoan", bà Hạnh đánh giá.
Để nâng cao giá trị nông sản Việt, theo bà Vũ Kim Hạnh, ngoài việc đầu tư chế biến sâu thì điều quan trọng nhất đẩy mạnh xuất khẩu thô là làm sao để tăng thời gian bảo quản nông sản
Bà Hạnh đánh giá, việc các doanh nghiệp chế biến nông sản chưa được nhiều. Kêu gọi sự chế biến, nhưng đồng thời cũng phải đẩy mạnh xuất thô, mà trong đó quan trọng nhất là vấn đề tăng thời gian bảo quản để đảm bảo chất lượng bảo quản nông sản. Điều này đụng tới bản lĩnh công nghệ của doanh nghiệp.
Hiện ông Kao Siêu Lực đã nghiên cứu ra 18 loại kem Ý Gelato khác nhau sử dụng các nông sản Việt như như bơ, sầu riêng, dừa, xoài cát Hòa Lộc và một số trái cây nhập khẩu để phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.