| Hotline: 0983.970.780

Đưa Sơn La trở thành trung tâm của ngành sữa

Thứ Hai 06/05/2019 , 09:07 (GMT+7)

Đánh giá cao sự thành công trong SX, xem đây là hình mẫu điển hình về liên kết SX của ngành bò sữa cả nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong tương lai, Sơn La hoàn toàn có khả năng để trở thành một trung tâm lớn của ngành sữa cả nước.

Từ ngày 5/5, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã bắt đầu chuyến công tác và làm việc tại tỉnh Sơn La về một số chương trình phát triển nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Sơn La như phát triển chăn nuôi bò sữa, phát triển cây ăn quả… Trong ngày 5/5, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La đã thăm và làm việc với Cty CP Bò sữa Mộc Châu.
 

Bước tiến vững chắc thông qua liên kết SX

Theo Cty CP Bò sữa Mộc Châu, với định hướng trọng tâm là liên kết chuỗi khép kín giữa các hộ chăn nuôi với Cty và các đơn vị chăn nuôi lớn, quy mô hiện đại, gắn với chế biến và tổ chức tiêu thụ sản phẩm chế biến, giai đoạn 2010-2018, Cty CP Bò sữa Mộc Châu đã thể hiện được sự phát triển một cách bền vững trên nhiều mặt, cả về tổ chức chăn nuôi, mở rộng quy mô đàn bò, nâng cao sản lượng và năng suất sữa, mở rộng và hiện đại hóa chế biến, tổ chức thị trường tiêu thụ…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với UBND tỉnh Sơn La và Cty CP Bò sữa Mộc Châu

Cụ thể, tổng đàn bò sữa của Cty từ khoảng 8.000 con năm 2010, đã tăng lên trên 25 nghìn con vào cuối năm 2018, đưa quy mô đàn bò/hộ từ mức bình quân chỉ 15 con/hộ lên mức trên 41 con/hộ. Nhờ áp dụng nhiều giải pháp tổng hợp vào chăn nuôi, nhất là cây ngô ủ ướp tăng sản lượng từ mức chỉ 37 nghìn tấn vào năm 2010 lên mức 176 nghìn tấn vào năm 2018, vì vậy năng suất sữa bình quân của đàn bò đã tăng bình quân từ 18 lít/con/ngày lên hơn 25 lít/con/ngày. Doanh thu của Cty giai đoạn 2010-2018 đã tăng hơn gấp 2 lần, từ 1.200 tỉ đồng lên trên 1.500 tỉ đồng. Tiền lương bình quân của Cty theo đó cũng được nâng lên từ 4,5 triệu đồng/người/tháng lên trên 8,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, mức lợi tức hàng năm chi trả cho các cổ đông luôn đạt trên 20%... Đây là mức cổ tức đáng mơ ước đối với một DN trong ngành nông nghiệp hiện nay.

Đến nay, nhờ sử dụng tinh phân định giới tính, tỉ lệ bò cái chửa đạt trên 56%, trong đó tỉ lệ bê cái đã được nâng lên tới trên 87%. Hiện Cty có 560 hộ chăn nuôi trực tiếp liên kết, trong đó 100% các hộ đã có máy vắt sữa. Cùng với sự nâng cấp đồng bộ cả về hạ tầng chăn nuôi, chuồng trại cho các hộ liên kết, Cty đã đầu tư 3 trại chăn nuôi tập trung công nghệ cao theo tiêu chuẩn Châu Âu với quy mô từ 500 đến 1.000 con/trại, đồng thời cũng đã xây dựng được cơ sở chăn nuôi bò sữa đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh đối với bệnh LMLM…

Về chế biến, thời gian qua, Cty cũng đã đầu tư, cải tiến hàng loạt dây chuyền chế biến sữa hiện đại theo công nghệ Châu Âu, SX ra trên 30 sản phẩm sữa các loại. Từ năm 2010 đến 2018, Cty đã tiếp tục mở rộng quy mô SX, tăng thêm hơn 1.000 lao động (trong tổng số khoảng 2.600 lao động hiện tại), trong đó tạo việc làm cho nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, gắn với việc phát triển thêm hàng trăm trang rại vệ tinh. Bên cạnh đó, nhờ phát triển vùng nguyên liệu cho bò sữa, năm 2018, Cty đã mua của nông dân tổng cộng trên 176 nghìn tấn ngô thức ăn chăn nuôi cho nông dân với trị giá trên 300 tỉ đồng…
 

Bò sữa Sơn La chưa tương xứng với tiềm năng

Tại buổi làm việc với Cty CP Bò sữa Mộc Châu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trước đây, Việt Nam từng được đánh giá là quốc gia không có điều kiện về chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên những bước tiến dài của ngành sữa Việt Nam trong những năm qua đã chứng minh chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một cường quốc về ngành sữa, ít nhất là trong khu vực, trong đó, mô hình phát triển bò sữa của Mộc Châu (Sơn La) là một điển hình cho tiềm năng này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (thứ hai bên trái sang) cùng đoàn công tác thăm dây chuyền chế biến sữa tại Cty CP Bò sữa Mộc Châu

Theo Bộ trưởng, hiện nay, với quy mô đàn bò sữa cả nước trên 290 nghìn còn, sản lượng sữa trên 1 triệu tấn/năm, mức tăng trưởng hàng năm đạt trên 15%, Việt Nam đã và đang trở thành quốc gia hàng đầu khu vực về ngành sữa. Vừa qua, với việc Trung Quốc đã chính thức cho phép NK chính ngạch sữa và các sản phẩm sữa, cơ hội và dư địa cho ngành sữa Việt Nam sẽ còn rất lớn, trong đó tỉnh Sơn La hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm lớn của ngành sữa cả nước.

Bộ trưởng đánh giá: Mặc dù chương trình phát triển bò sữa của Mộc Châu trong chặng đường dài, đã tạo được những thành công và sự phát triển bền vững, là định hướng rất đúng và trúng, và là hình mẫu cho liên kết SX khép kín theo chuỗi, từ nông dân với nhà máy, giữa chế biến tới tổ chức thị trường, phân phối… Tuy nhiên, năng suất sữa bình quân của đàn bò Mộc Châu hiện nay vẫn còn ở mức thấp so với một số DN khác trong cả nước. Theo chiến lược của Cty CP Bò sữa Mộc Châu đến năm 2020, tổng đàn bò đạt từ 30-32 nghìn con, đến năm 2030 đạt 70 nghìn con. Theo Bộ trưởng, định hướng này vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Sơn La vốn đang có rất nhiều dư địa.

Lãnh đạo Cty CP Bò sữa Mộc Châu giới thiệu dây chuyền chế biến sữa với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (bìa phải)

Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Sơn La, phối hợp với Cty CP Bò sữa Mộc Châu, cần phải có chiến lược, đề án có tầm vóc đủ lớn, để Sơn La trong tương lai phải trở thành một trung tâm lớn của ngành bò sữa cả nước, để làm sao khi nhắc đến Sơn La, là phải nhắc tới sữa. Bên cạnh đó, phát triển bò sữa cần phải trên cơ sở phát đa dạng, hài hòa, đồng bộ nhiều loại hình, từ mở rộng đàn bò, mở rộng quy mô và công nghệ chế biến lẫn thị trường, gắn với dịch vụ, du lịch... Trong đó, cần đặc biệt lưu ý để hài hòa giữa phát triển mở rộng quy mô SX nhưng vẫn phải đảm đảm yếu tố môi trường. Theo đó thời gian tới, Bộ NN-PTNT cùng với một số DN, sẽ phối hợp với Sơn La để nghiên cứu, đẩy mạnh việc SX phân bón hữu cơ tận dụng chất thải trong chăn nuôi bò sữa nhằm đảm bảo môi trường, nhất là môi trường phục vụ du lịch. Đây cũng là kênh nhằm quay vòng khép kín theo hướng SX hữu cơ cho trồng trọt tại địa phương, đồng thời gia tăng nguồn thu cho chăn nuôi bò sữa.

“Phát triển bò sữa tại Sơn La, cần phải gắn với việc đẩy mạnh một cách tổng thể nguyên tắc tuần hoàn, gắn với nông nghiệp hữu cơ bền vững. Bên cạnh đó, Cty CP Bò sữa Mộc Châu cần phải tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu SX giống, để trở thành trung tâm về giống, trung tâm về đào tạo, chuyển giao KH-CN có tầm vóc, gắn với hoạt động du lịch”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gợi ý tỉnh Sơn La nói chung, Cty Bò sữa Mộc Châu nói riêng cần sớm nghiên cứu, tổng kết thêm về chính sách bảo hiểm cho bò sữa đã triển khai. Đồng thời, phối hợp với Bộ NN-PTNT để nghiên cứu SX một số mặt hàng mới như trồng nấm công nghệ cao của Nhật Bản trên cơ sở tận dụng nguồn phế thải của thức ăn xanh và chất thải trong chăn nuôi bò sữa. Nghiên cứu mở rộng, đa dạng hóa cuộc thi Hoa hậu Bò sữa hàng năm thành Ngày hội sữa, trên cơ sở kết hợp thêm đa dạng nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, hoạt động tôn vinh điển hình trong SX sữa, các dịch vụ gắn với chăn nuôi, chế biến, ẩm thực về sữa…

Về cơ hội XK sữa và sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị của Bộ NN-PTNT, do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ trì, thời gian tới nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tập huấn, phổ biến cụ thể, chi tiết các thủ tục cần thiết, giới thiệu các bạn hàng để Cty CP Bò sữa Mộc Châu tiếp cận, sớm đưa sản phẩm XK sang thị trường này nếu có điều kiện và mong muốn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác thăm và trao đổi về mô hình liên kết trong chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu (Sơn La)

Xem thêm
Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.