| Hotline: 0983.970.780

Đưa thảm xơ dừa Trà Vinh vươn xa

Thứ Hai 11/05/2020 , 09:10 (GMT+7)

Tại Trà Vinh, bà Nguyễn Thị Kim Thúy đã tạo ra một “đế chế” dừa cho riêng mình, tự tay điều hành cơ sở sản xuất thảm dừa lớn nhất của tỉnh.

Bà Thúy bên xưởng chế biến sản phẩm từ dừa.

Bà Thúy bên xưởng chế biến sản phẩm từ dừa.

Hiện mỗi ngày Công ty TNHH Út Mừng của bà nhập 36.000 quả dừa nguyên liệu và hàng tháng gần 300 tấn thảm dừa nâu từ đây được xuất khẩu đi nhiều thị trường: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia... 

Bà Thúy cho hay, năm 2016 nhờ một sự kiện đã giúp bà vực dậy ước mơ doanh nhân. Vì là một trong số ít nữ doanh nhân trên địa bàn tỉnh Bến Tre, ở tuổi 46, bà Thúy được chính quyền địa phương cho đi Canada tham gia một khóa học ngắn hạn về khởi nghiệp và điều hành doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Sang bên đó, mình ngỡ ngàng thấy các chị em phụ nữ làm lãnh đạo trong những công ty khởi nghiệp. Họ mạnh dạn, tự tin thuyết trình về phương thức quản lý công ty thành công. Trở về Trà Vinh, tôi quyết tâm vực dậy xưởng dệt mười mấy năm công sức gây dựng”, bà Thúy chia sẻ.

Xưởng sản xuất các sản phẩm từ xơ dừa của bà Thúy.

Xưởng sản xuất các sản phẩm từ xơ dừa của bà Thúy.

Nhờ khóa học với nhận thức mới, bà Thúy không chỉ cắm cúi vào dệt thảm, mà dành nhiều thời gian đến các hội chợ để tìm cách làm quen, kết nối với các nhà nhập khẩu thảm dừa. Bà đầu tư phần mềm kế toán để theo dõi tình hình tài chính của công ty, thiết lập bộ nhận diện thương hiệu, đặt slogan cho Công ty và thiết kế bao bì khác biệt hơn.

Để tạo nên dấu ấn của Công ty Út Mừng, bà Thúy mày mò sáng tạo cho ra đời loại thảm mới, dệt khít hơn với độ bền cao hơn.

“Ai cũng thấy được là sản phẩm của tôi dày hơn, trọng lượng trung bình đến 65 kg, trong khi của người khác chỉ tối đa là 60 kg thôi. Sự khác biệt về chất lượng đã giúp sản phẩm của Út Mừng lọt vào mắt xanh các khách hàng Hàn Quốc. Một đối tác đến tận nơi thăm xưởng và ký kết hợp đồng với công ty. Nhờ hợp đồng này, đầu ra được đảm bảo với đơn hàng lớn, tôi tuyển dụng thêm nhiều lao động địa phương để đáp ứng lượng cầu mới”, bà Thúy cho hay.

Theo bà Thúy, mỗi tấm thảm dệt tay cần hai người làm, nên bà bảo các chị em, thuyết phục chồng cùng tham gia tạo thành một cặp dệt.

“Có những anh cho rằng nghề dệt là việc của đàn bà, nên lúc đầu muốn thuyết phục được họ không dễ. Nhưng mỗi cặp vợ chồng làm việc cho công ty của tôi kiếm được khoảng 8 - 17 triệu một tháng, nên nhiều cặp đôi đã hào hứng tham gia”.

Từ năm 2017 đến nay, công ty thoát được thế khó và liên tục “ăn nên làm ra”. Hiện tại, ngoài 200 công nhân dệt trong nhà máy, Út Mừng còn thuê lao động bên ngoài xe sợi, mang lại thu nhập ổn định cho 120 hộ gia đình ở Trà Vinh. Trong đó, hơn chục gia đình người Khmer sống ở vùng sâu Bình Phú được bà Thúy đầu tư mua máy và thậm chí bắc đường dây điện để sản xuất.

Hiện mỗi ngày Công ty TNHH Út Mừng nhập vào ít nhất 36.000 quả và mỗi tháng xuất khoảng 30 container thảm dừa đến nhiều thị trường: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… Sản phẩm của công ty đã đa dạng: lưới phủ boong tàu sân bay, phủ đồi trọc phục hồi cây xanh, ốp thân cây chống rét ở xứ lạnh, chiếu lác ủ ấm cho mầm cây ngủ ngon trong mùa đông, thảm trải đường, thảm trong nhà…

Bà Thúy chia sẻ, rất nhiều giai đoạn công ty lâm vào cảnh lao đao sóng gió, và hiện nay đang ở thời kỳ kinh doanh tốt, nhưng vẫn có nguy cơ bị “thất thủ” bất cứ lúc nào. Bà nhận ra sự không bền vững của công ty chính là ở những chiếc máy cũ, thô sơ chạy rào rào, vừa ồn vừa bụi, và không bảo đảm cho cuộc chạy đua tốc độ cung hàng mỗi tháng 30 container.

“Trước đây, mọi cơ sở sàn sàn như nhau về trang thiết bị. Nhưng hiện nay ở Bến Tre những người tốt nghiệp trường kỹ thuật về cải tiến máy, năng suất tăng gấp 3 – 4 lần, giá thành thấp hơn mình.

Giờ không bám theo công nghệ, đổi mới máy móc thì sớm muộn gì mình cũng phải ngừng. Chúng tôi đang lo đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị tân tiến hơn để thoát khỏi áp lực cạnh tranh”, bà nói.

Bà Thúy nêu lên vấn đề khác, muốn tiếp tục phát triển bền vững, phải liên tục cải tiến mẫu mã, tạo ra những sản phẩm mới.

“Mới đây, khách bên Hàn Quốc đặt làm bàn chải từ xơ dừa, họ đưa mẫu từ Sri Lanka cho mình xem. Giờ tôi phải tính xem đầu tư mua máy nào để làm món này. Đấy cũng là thách thức khi máy móc trên thị trường muôn hình vạn trạng, nhưng chẳng có cái nào khớp với nhu cầu của mình.

Nếu làm bàn chải từ ni lông, chắc không có ai tìm đến mình. Làm bàn chải từ xơ dừa thì chưa ai làm, mình phải thế nào? Phải tiếp tục cuộc tìm kiếm máy móc chuyên dụng cho ngành xơ dừa hoặc ít nhất cũng có thể cải tiến, ráp nối”, bà Thúy trăn trở.

Bà Thúy chia sẻ về kỹ thuật làm các sản phẩm xuất khẩu từ xơ dừa.

Bà Thúy chia sẻ về kỹ thuật làm các sản phẩm xuất khẩu từ xơ dừa.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Năm 2024 là một năm thành công đối với ngành cà phê Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu đạt 5,48 tỷ USD nhờ giá tăng mạnh.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hà Nội sắp khởi công hai cầu vượt sông Hồng số vốn 30.000 tỷ đồng

Hai cầu Tứ Liên và Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng sẽ khởi công năm 2025, tổng đầu tư 30.000 tỷ đồng.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.