| Hotline: 0983.970.780

Đưa tư duy mở vào xây dựng, triển khai kế hoạch của ngành nông nghiệp

Thứ Ba 10/05/2022 , 10:32 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói cần mở rộng tư duy, thu thập nhiều ý kiến trong việc xây dựng cũng như thực hiện các kế hoạch của ngành nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngoài yếu tố kỹ thuật, khoa học thì các đề án, kế hoạch của ngành nông nghiệp cần có thêm ý kiến của chuyên gia về thị trường. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngoài yếu tố kỹ thuật, khoa học thì các đề án, kế hoạch của ngành nông nghiệp cần có thêm ý kiến của chuyên gia về thị trường. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 9/5, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng các Thứ trưởng tham dự họp giao ban với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT. Từ báo cáo của các đơn vị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các nhiệm vụ được giao, xem đang còn vướng mắc, chậm trễ ở đâu, vì sao, thì phải tìm cách khắc phục, đẩy nhanh tiến độ.

“Nguyên nhân có thể là do nguồn lực, con người, thời gian, kiến thức… Chúng ta cần tìm ra những công cụ đơn giản hơn để xây dựng và thực hiện các quy hoạch, chiến lược của ngành”, ông Lê Minh Hoan nói.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng cũng cho rằng cần đưa tư duy mở, mở rộng khu vực lấy ý kiến khi xây dựng, triển khai các kế hoạch của ngành nông nghiệp: “Chúng ta có thể xây dựng từng bước, với sự tham gia của nhiều đơn vị, chuyên gia trong và ngoài Bộ, tránh tình trạng tự mình làm từ đầu đến cuối như hiện nay”.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng lưu ý, không chỉ dừng lại ở các yếu tố kỹ thuật, khoa học như hiện nay, các đề án sắp tới cần lưu ý đến tư duy thị trường khi xây dựng.

“Có thể gửi các quy trình, đề án cho các chuyên gia kinh tế đóng góp ý kiến bên cạnh các chuyên gia về trồng trọt”, Bộ trưởng trao đổi với Cục trưởng Trồng trọt về đề án cho cây thanh long ở các tỉnh phía Nam.

Về các chỉ đạo cụ thể hơn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý các cơ quan chuyên môn về sản lượng lương thực năm nay, trong bối cảnh thời tiết có nhiều diễn biến dị thường.

Ngoài ra, các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản cũng cần nắm chắc chiến lược để thực hiện hiệu quả trong cảnh chỉ số nhập khẩu của nhiều nguyên liệu đầu vào đang giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

“Các đơn bị cần bám sát, có giải pháp ứng phó kịp thời trong sản xuất để đảm bảo được mục tiêu sản lượng đề ra theo kế hoạch”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Liên quan đến lĩnh vực thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo thêm cần tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại hoạt động cho ngư dân và xây dựng các HTX để hoạt động hiệu quả hơn.

Sản xuất nông nghiệp khả quan

Lĩnh vực trồng trọt, tính đến trung tuần tháng 4, cả nước gieo cấy được 3.496,7 nghìn ha nghìn ha lúa đông xuân và hè thu; đã thu hoạch khoảng 1.893,6 nghìn ha, tăng 5,0% cùng kỳ; sản lượng thu hoạch đạt khoảng 12,8 triệu tấn.

Về chăn nuôi, trong tháng 4, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch trên vật nuôi nên dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; đồng thời đẩy mạnh phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát, ổn định giá thức ăn chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất...

Đến cuối tháng 4, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Cụ thể: Đàn trâu ước giảm khoảng 1,9%; đàn bò ước tăng khoảng 1,3%; đàn lợn tăng 5,5% và đàn gia cầm tăng 2,2%.

Với lĩnh vực lâm nghiệp, trong tháng 4, liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng tại các tỉnh Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhìn chung 4 tháng đầu năm, thiệt hại rừng giảm sâu so với cùng kỳ năm trước nhờ nhiều địa phương đã hướng dẫn người dân và tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng chống cháy rừng.

Liên quan thủy sản, sản lượng tháng 4 ước đạt 736,4 nghìn tấn, tăng 2,6% so tháng 4/2021. Lũy kế 4 tháng, tổng sản lượng ước đạt 2.600 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng quan về thương mại trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước trên 4,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 4/2021; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính khoảng 1,9 tỷ USD, lâm sản chính ước gần 1,6 tỷ USD, thủy sản đạt gần 1,1 tỷ USD và chăn nuôi đạt 29,7 triệu USD…

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.