| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp phải hòa nhịp vào cách mạng công nghệ 4.0

Chủ Nhật 08/05/2022 , 19:25 (GMT+7)

Do nguồn lực, ngân sách trong nước hạn chế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp cần tranh thủ ngoại lực để không bị văng khỏi vòng xoáy thay đổi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo ngày 8/5. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo ngày 8/5. 

Trong sáng 8/5, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dự Hội thảo Quốc tế về Nông nghiệp Hiệu quả cao tại Việt Nam. Đây là sự kiện được thực hiện dưới sự bảo trợ của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng là phiên tọa đàm đầu tiên của chuỗi sự kiện.

Bày tỏ sự vui mừng khi dự hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là không gian để các bên liên quan trao đổi, học hỏi thêm kiến thức từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp. Với chất xúc tác là Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 2/2022, người đứng đầu Bộ NN-PTNT mong các chuyên gia dự hội thảo cùng vào cuộc, nhằm đưa ra những giải pháp đồng bộ, kịp thời cho những vấn đề mang tính toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hay biến chuyển xu thế tiêu dùng.

"Ngành nông nghiệp phải hòa nhịp vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Chúng ta có nhiều tiềm năng và tham vọng, nhưng cần trước mắt cần giải quyết từng vấn đề riêng lẻ, trước khi đưa ra một kế hoạch tổng thể", Bộ trưởng nói. 

Theo Bộ trưởng, nguồn lực, ngân sách trong nước còn hạn chế. Do đó, để ngành nông nghiệp không bị văng khỏi vòng xoáy thay đổi của thế giới, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trong nước rất cần những diễn đàn như này để kết nối với bạn bè thế giới, đồng thời tận dụng được những giá trị tích lũy đã khẳng định được tính đúng đắn trong thực tiễn.

Chia sẻ thêm với hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông báo, Bộ NN-PTNT vừa phối hợp Bộ Ngoại giao và các bên liên quan tổ chức thành công Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp kiều bào, tạo sức hút từ khối ngoại, tăng cường giao lưu thương mại. Đây cũng là cơ sở để ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung được dịp chia sẻ hàng ngày, hàng giờ kho tri thức vô tận của bạn bè năm châu.

"Hy vọng những tri thức từ hội thảo hôm nay sẽ giúp chúng ta giàu thêm trí tuệ, và sớm đến với đồng ruộng, người nông dân", Bộ trưởng bộc bạch.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng nhắc lại cam kết "phát thải các bon bằng không" mà Việt Nam đưa ra tại COP 26. Để đạt được mục tiêu ấy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, nền nông nghiệp chạy theo sản lượng khó bền vững, và cần chuyển hóa những tư duy, kiến thức mới thành chỉ đạo trong thực tế.

Hứa phản hồi sớm và đầy đủ nhất về mọi kiến nghị, đề xuất từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế tại hội thảo, Bộ trưởng kết luận: "Đã đến lúc chúng ta cần lấy chuẩn mực thị trường để sản xuất nông nghiệp, thay vì lấy sản xuất để định hình thị trường, trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay".

Tại hội thảo ngày 8/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua dịch Covid-19 và trên đà phục hồi như hiện nay, ngành nông nghiệp càng phát huy giá trị trong đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

"Hội thảo này là hoạt động kết nối cụ thể, thực chất giữa chuyên gia - nhà quản lý và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự liên kết hợp tác, chia sẻ kiến thức, mở rộng cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh", ông Phương nói.

Nhắc lại một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra về những chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói có “đầu bài” trong lĩnh vực nông nghiệp, cần sự tham gia góp ý, trao đổi của các chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng sự ủng hộ, đồng hành của Bộ NN-PTNT. Đó là Dự án Trung tâm Phát triển nông nghiệp sáng tạo do Bộ chủ trì, giao Cục Phát triển doanh nghiệp là đầu mối nghiên cứu, triển khai.

Đây là dự án nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho nông sản, thực phẩm Việt Nam, đặc biệt khu vực phía Bắc.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ mong muốn, các chuyên gia sẽ có những ý kiến cụ thể, thực tiễn về việc phát triển, vận hành Trung tâm nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nông nghiệp và người dân. 

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.