Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ. |
Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, có sự tham gia của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), là tác giả của danh hiệu “gia đình văn hóa”, bằng thái độ hết sức thẳng thắn, vị ĐBQH này đã đề nghị Bộ VH-TT&DL cần nghiêm túc xem xét lại việc trao danh hiệu “gia đình văn hóa” vì danh hiệu đó không thực chất, không có tác dụng điều chỉnh hành vi, đạo đức xã hội, và: “Tôi không đánh giá cao việc này, Bộ VH-TT&DL cần xem xét lại. Ngay cả việc đưa ra rất nhiều bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cũng cần phải xem lại. Vấn đề cốt yếu là yếu tố đạo đức thì lâu nay bị bỏ rơi. Giá trị đạo đức bị đảo lộn nhưng lại ban hành nhiều bộ tiêu chí không hiệu quả, không đi vào thực tế”.
Đúng như vậy. Ngày xưa, việc trao cho một cá nhân hay một cộng đồng dân cư một danh hiệu nào đó, thường là do vua ban. Rất hiếm những trường hợp được nhận danh hiệu đó.
Cá nhân hay cộng đồng phải khổ công phấn đấu, phải có thành tích đặc biệt xuất sắc mới dành được vinh dự ấy. Và sau đó thì danh hiệu đó trở thành truyền thống của gia đình hay cộng đồng.
Nhưng ngày nay, danh hiệu “gia đình văn hóa” trở nên hết sức rẻ rúng. Chẳng cần rèn luyện, phấn đấu gì. Thậm chí cả những gia đình vợ chồng đánh nhau như chém chả, con cái hỗn hào với bố mẹ, bố mẹ bạo hành con cái hết sức dã man, nghiện hút... và không biết bao nhiêu tệ nạn khác. Nhưng chẳng sao, cứ cuối năm là cán bộ văn hóa xã hay phường lại mang tờ chứng nhận “gia đình văn hóa” đến trao tận tay.
Danh hiệu “gia đình văn hóa” càng ngày càng giống như danh hiệu “học sinh tiên tiến” trong các trường phổ thông, cũng như trong đội ngũ công chức, viên chức các công sở. Cách đây vài ba chục năm, tìm một học sinh tiên tiến, học sinh giỏi trong các trường phổ thông hết sức khó khăn, vì vô cùng hiếm.
Ngược lại, bây giờ, tìm một học sinh không tiên tiến lại thấy khó vô cùng. Vì tất cả đều tiên tiến cả rồi. Không phải các em giỏi hơn ngày trước, mà do tiêu chí đánh giá đã khác trước. Trong các công sở cũng vậy. Tất cả đều tiên tiến. Nhưng nhiều người vừa đạt danh hiệu hôm trước, hôm sau đã bị công an bập còng số 8 vào tay, lôi đi.
Tất cả đã trở nên hình thức. Tất cả đều không có tác dụng điều chỉnh hành vi và đạo đức xã hội. Tham nhũng càng ngày càng nhiều, càng lớn. Đạo đức càng ngày càng xuống cấp. Thế mà mỗi năm, ngân sách lại tốn kém một khoản tiền không nhỏ chỉ để in các thứ giấy chứng nhận các danh hiệu đó.
Lời phát biểu của vị ĐBQH tỉnh An Giang, có thể được coi là một tiếng chuông báo động.