Đúng 3 ngày sau khi đối tượng Phan Quốc Việt bị khởi tố và bắt tạm giam, Bộ Y tế có thông cáo báo chí rất dài để giải thích về hành trình “chinh phục” của bộ kit test do Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất. Bộ Y tế cho rằng quyết định cấp phép ngày 4/3/2020 căn cứ vào ý kiến chuyên môn của Bộ Khoa học & Công nghệ nhằm “đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tại thời điểm khó khăn khi tiếp cận với nguồn cung ứng sinh phẩm trên thế giới”.
Nghe qua cũng có lý, nhưng nghĩ lại thấy buồn cười. Bởi lẽ, vai trò chuyên môn của Bộ Y tế ở đâu, mà không thẩm định hay phản biện một sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người? Bộ Y tế đổ thừa cho Bộ Khoa học & Công nghệ, thì hàng nghìn người Việt Nam đã bị thiệt hại do bộ kit test ấy biết đổ thừa cho ai? Bộ Y tế là cơ quan trọng yếu của công tác phòng chống Covid-19 mà lại thờ ơ với thị trường xét nghiệm một thời gian dài, thì ngân sách Nhà nước làm sao kham nổi dòng tiền chảy vào túi những kẻ bất lương?
Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á thổi giá để thu lợi 4.000 tỷ đồng, đâu phải nhờ “một tay che trời” của đối tượng Phan Quốc Việt. Trong danh sách mang tên "SARS‐CoV‐2 IVDs: sản phẩm không được chấp thuận cho EUL” đăng tải trên website chính thức của Tổ chức Y tế thế giới WHO ngày 10/12/2021 có tên kit test của Công ty Việt Á.
Thế nhưng, website của Bộ Khoa học & Công nghệ ngày 26/4/2020 khẳng định rằng: “Ngày 24/4/2020, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học & Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá bộ KIT LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR KIT do Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất theo quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00”. Đồng thời, cũng trong tháng 4/2020, Bộ Khoa học & Công nghệ thông tin chính thức tại các cuộc họp về bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất đã được WHO chấp thuận.
Tháng 10/2021, WHO đã có văn bản trả lời “not accepted” (không chấp nhận) sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, nhưng cả Bộ Khoa học & Công nghệ lẫn Bộ Y tế đều dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra.
Chỉ đến lúc đối tượng Phan Quốc Việt bị khởi tố và bắt tạm giam, thì những “thông tin vàng” liên quan đến bộ kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á mới vội vàng gỡ khỏi website của Bộ Khoa học & Công nghệ. Nghĩa là từ tháng 4/2020 đến tháng 12/2021, hàng triệu bộ kit xét nghiệm mạo danh “WHO chấp nhận” đã lưu hành một cách giả dối trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” tại Việt Nam.
Tranh thủ đồng bào đang khốn đốn vì đại dịch toàn cầu để mưu lợi cá nhân, thì đúng là đồng tiền đang nghiền nát nhân tính. Có còn không cảm xúc tự trọng “lương y như từ mẫu”, hay pháp luật phải mạnh tay trừng trị nghiêm khắc để trả lại đạo đức cho xã hội?