| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 24/02/2020 , 08:45 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 08:45 - 24/02/2020

Đúng pháp luật nhưng phải thuận nhân tình

Việc xây dựng lò mổ tại địa điểm đối diện với tam quan của Quan Âm cổ tự có thể hội đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Thế nhưng...

Quan Âm cổ tự ở xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Nguồn: internet.

Quan Âm cổ tự ở xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Nguồn: internet.

HTX Hiền Nguyên thuộc thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) được phép xây dựng lò giết mổ heo với công suất 200 con/ngày ở đầu nguồn nước, đối diện với tam quan của Quan Âm cổ tự, đã khiến dư luận ở địa phương xôn xao và bức xúc.

Theo sư thầy Thích Nguyên Tâm, trụ trì chùa, thì Quan Âm cổ tự là một trong 5 ngôi chùa cổ của Việt Nam còn sót lại sau chiến tranh.

Chùa được làm vào năm Hồng Đức thứ 3 triều vua Lê Thánh Tông (1473), đến nay đã có tuổi đời hơn năm thế kỷ. Hàng tháng chùa đều tổ chức 2 khóa tu vào các ngày 1 và 15 âm lịch. Mỗi khóa tu có hàng ngàn phật tử trong vùng đến chùa để cầu an.

Đạo phật có 5 giới, tức là 5 điều cấm (nhất giới sát sinh; nhị giới ẩm tửu; tam giới tà dâm; tứ giới hoặc ngôn; ngũ giới đạo tặc) thì sát sinh là giới cấm đầu tiên. Nay xây lò mổ ngay đầu nguồn nước, lại đối diện với tam quan chùa, thì khác gì phỉ nhổ, khác gì xúc phạm đến giới luật của nhà phật? Hàng ngày, từ 4 đến 5 giờ sáng là giờ nhà chùa bắt đầu buổi tụng kinh sớm, cũng là lúc lò mổ bắt đầu “ra tay” để 6 đến 7 giờ có thịt giao cho các quầy bán lẻ ở các chợ trong vùng.

Bên này tụng kinh, bên kia tiếng chúng sinh (nhà phật coi chúng sinh bình đẳng, con vật cũng như con người, đều có quyền sống như nhau) kêu la thảm thiết vì bị thọc dao vào cổ, còn gì phản cảm hơn?

Đó là chưa kể lò mổ được xây dựng ở đầu nguồn nước, lấy gì để đảm bảo rằng chất thải từ từng ấy con heo sau khi bị giết mổ không gây ô nhiễm?

Trả lời báo chí về sự việc trên, chủ tịch UBND xã Thanh Trạch Nguyễn Văn Lào cho rằng việc đặt địa điểm xây dựng lò giết mổ tập trung, trị giá 3,7 tỷ đồng tại địa điểm trên đã được các sở, ngành của tỉnh thẩm định và đánh giá tác động của môi trường, thấy hội đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì mới cho phép xây dựng.

Vâng, có thể là như vậy. Việc xây dựng lò mổ tại địa điểm đối diện với tam quan của Quan Âm cổ tự có thể hội đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Thế nhưng khi chăm chú đánh giá các yêu cầu của pháp luật, thì các nhà quản lý lại quên đi một yêu cầu quan trọng vào bậc nhất, tuy không được ghi trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là, làm bất cứ việc gì cũng phải thuận nhân tình.

Chùa chiền là cửa phật, là nơi hội tụ tâm linh, là nơi người người gửi niềm tin nơi đức Phật. Sao lại để hàng ngàn phật tử ngày ngày phải dối diện với cảnh “dao đâm vào thì trắng, dao rút ra thì đỏ”, với cảnh hàng trăm chúng sinh bị xẻ thịt phanh thây? Địa phương thiếu gì chỗ mà lại cứ nhất định đặt ở chỗ ấy? Niềm tin tâm linh chính là nhân tình. Xúc phạm đến niềm tin tâm linh, thì làm sao mong nhân tình thuận theo được?

Bình luận mới nhất