Mới nghe qua chuyện có người mua cau non một số nhà vườn ngỡ như lời đồn nhảm. Thế nhưng khi đi về miệt vườn Phong Điền (Cần Thơ) hay Kế Sách (Sóc Trăng), Bến Tre..., chúng tôi “mắt thấy, tai nghe” thì đó là sự thật.
Ở quanh thị trấn Phong Điền hiện có bốn vựa trái cây, từ hơn 7 ngày qua trở nên nhộn nhịp khi mua bán thêm mặt hàng cau non.
Cỡ trái được thu mua còn xanh tơ, to chừng hơn đốt ngón tay cái người lớn. Ai cũng bảo rằng thương lái thu gom cau non bán cho thương nhân Trung Quốc, song đi quanh các nhà vựa chẳng thấy bóng dáng thương nhân Trung Quốc nào ra mặt trực tiếp thu mua. Họ mua chủ yếu thông qua mối lái đặt hàng qua điện thoại với giới chủ vựa tại các địa phương.
Tại một vựa trái cây có mặt tiền giáp lộ Vòng Cung - tỉnh lộ 923 và phía sau nằm kề bên sông Cần Thơ, thuộc ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, từ mấy ngày qua nhà vựa này đã dành hẳn một gian nhà thu mua cau non và sau đó cho nhân công cắt tỉa, tách từng trái ra khỏi buồng cau, đóng thùng, theo xe tải chở đi các tỉnh phía Bắc.
Mỗi nhà vựa có hơn chục người làm lái cau chạy gom hàng từ các nơi. Sáng sớm họ tỏa đi tìm mua cau khắp các địa bàn quận, huyện lân cận như Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai (Cần Thơ) và xa hơn là đến các huyện Châu Thành, Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang hay chạy ngược lên vùng cù lao trên sông Hậu thuộc An Giang.. Một nhà vựa thu mua bình quân trên 100kg/ngày.
Anh Võ Châu Sơn, người chuyên mua bán trái cây và cau hơn 20 năm ở chợ Phong Điền, nói: "Thú thật từ trước tới nay tôi chưa từng thấy cách mua bán trái cau non như thế này. Còn nói rằng thương lái Trung Quốc mua, nhưng trên thực tế tôi chỉ gặp mấy tay thương lái TP.HCM, họ đưa ra qui cách đặt hàng, chở ra các tỉnh phía Bắc, họ làm gì tôi cũng không biết rõ.
Họ ứng tiền trước theo từng đợt giao hàng 5-10 triệu đồng/ngày. Hết tiền tôi điện báo, họ chuyển khoản theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Ngoại trừ trái cau kiểng không mua, còn lại trái cau non của các giống cau ta như: Cau ớt, cau hòn, cau vú bò…đều mua, giá trên 30.000đ/kg theo quy cách 50-60 trái/kg".
Theo anh Sơn, căn cứ theo giá đặt hàng, nhà vựa thu mua từ các lái cau tay dưới, cân cả buồng, giá trên 20.000đ/kg. Từ đó, dân thu gom cau non mua tại các nhà vườn dưới mức 15.000-20.000đ/kg.
Về phần nhà vựa chịu chi phí tiền công sơ chế 2.000đ/kg (gồm cắt lẩy từng trái ra khỏi buồng gọn gàng theo quy cách mỗi trái phải còn dính phần cuống dài 20cm để giữ cho trái tươi không bị héo); chi phí đóng thùng, mỗi thùng 30kg và chịu phí vận chuyển.
Bán cau non, lợi hay hại?
Hiện nay, người tìm mua cau non ở các địa phương có nhiều diện tích như TP Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang...
Anh Vũ Bá Quan, Phó phòng NN-PTNT huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho rằng: Mấy năm trước có thương lái thu mua cau, nhưng chỉ mua cau trái già tách lấy hạt sấy khô bán ra miền Trung, miền Bắc.
Nhưng từ 5-7 ngày qua thấy hơi lạ là tại một số vựa trái cây ở xã Nhơn Mỹ bắt đầu thu mua cau non với giá 30.000-40.000đ/kg.
Tuy nhiên, cau không phải là cây trồng chủ lực, không trồng tập trung và cũng không mang lại nhiều lợi ích kinh tế.. Như thế nếu có thu hoạch cau non cũng không gây hại gì.
So với năm trước đây, vào lúc này nhà vườn bán cau ăn trầu 4.000đ/kg nên so ra bán cau non vẫn có lợi hơn gấp nhiều lần. Tuy vậy có lẽ do tác động “ăn theo” giá cau non hiện nay cau già trái tròn đẹp đang có giá 40.000 đồng/chục (16 trái/chục).
Anh Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phong Điền (Cần Thơ) nhìn nhận: Cau là cây trồng phụ nên trước mắt bán cau non được giá, nhà vườn có lợi.
Hiện nay do chưa biết rõ có tác động từ giới thương lái Trung Quốc hay không và không biết rõ mục đích mua cau non để làm gì? Về lâu dài có mua cau non nữa không hay chỉ khuấy động thị trường nhất thời? Do đó, chính quyền địa phương tiếp tục giám sát, đồng thời khuyến cáo người dân không vì thấy lợi trước mắt mà đổ xô chuyển đổi chạy theo trồng cau ào ạt.