| Hotline: 0983.970.780

Duy trì sản xuất, lưu thông nông sản, đảm bảo nguồn cung thực phẩm

Thứ Tư 28/07/2021 , 12:28 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương duy trì, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm; lưu thông hàng hóa, vật tư đầu vào cho sản xuất.

Theo Bộ NN-PTNT, những tháng cuối năm 2021, sản xuất thủy sản, chăn nuôi được nhận định sẽ tiếp tục phải đổi mặt với nhiều khó khăn, thách thức như bắt đầu vào mùa mưa bão..., đặc biệt là diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 làm gia tăng nguy cơ đứt gãy hàng loạt các chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo phát triển, sản xuất thủy sản, chăn nuôi các tháng cuối năm 2021. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo phát triển, sản xuất thủy sản, chăn nuôi các tháng cuối năm 2021. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ, với phương châm vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển sản xuất, đảm bảo mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2021, ngày 28/7, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất thủy sản, chăn nuôi các tháng cuối năm 2021.

Tạo điều kiện lưu thông sản phẩm, vật tư chăn nuôi, thủy sản

Theo đó, cần tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn; các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

Tập trung kiểm soát điều kiện sản xuất, chất lượng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, xác nhận mã số đăng ký cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; điều kiện cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương có giải pháp cụ thể tổ chức triển khai các nội dung tại Công văn số 4510/BNN-CN ngày 20/7/2011 của Bộ NN-PTNT về tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản; Công văn số 1123/TCTS-NTTS ngày 20/7/2021 của Tổng cục Thủy sản về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương tạo điều kiện lưu thông, vận chuyển sản phẩm chăn nuôi, thủy sản và các mặt hàng vật tư đầu vào cho sản xuất chăn nuôi, thủy sản. Ảnh: TL.

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương tạo điều kiện lưu thông, vận chuyển sản phẩm chăn nuôi, thủy sản và các mặt hàng vật tư đầu vào cho sản xuất chăn nuôi, thủy sản. Ảnh: TL.

Cụ thể, cần tạo điều kiện cho việc kiểm dịch động vật, vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật, các loại thuốc, vacxin, thức ăn cho động vật và vật tư đầu vào phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và chuỗi sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; chủ động đề xuất phương án tổ chức giết mổ, cung ứng động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, bảo đảm phòng chống Covid-19 và an toàn dịch bệnh theo quy định.

Bên cạnh đó, cần chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ và của địa phương tại các cảng cá, các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Xem xét mở lại chợ đầu mối, chợ dân sinh

Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh/thành ưu tiên bố trí phương tiện, nhân lực, vật lực để thực hiện kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại khu vực các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đạt hiệu quả cao nhất. Xem xét ưu tiên tổ chức tiêm vacxin Covid-19 cho lực lượng lao động và quản lý tại cảng cá, thuyền viên, lực lượng thú y để chủ động trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức các biện pháp phòng chống dịch và tổ chức sản xuất tại thực địa.

Ngoài ra cần chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tham gia hỗ trợ thu mua, vận chuyển, tạm trữ, đồng thời xem xét việc mở lại các chợ đầu mối, chợ dân sinh để tiêu thụ sản phẩm.

Chủ động thống kê các chuỗi sản phẩm thủy sản có sản lượng lớn (qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản...), phối hợp với các địa phương có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm để thiết lập và duy trì các kênh phân phối sản phẩm thủy sản, đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm.

Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh/thành nghiên cứu cho phép mở lại các chợ đầu mối, chợ dân sinh để tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản. Ảnh: TL.

Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh/thành nghiên cứu cho phép mở lại các chợ đầu mối, chợ dân sinh để tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản. Ảnh: TL.

Tập trung phát triển sản xuất thủy sản, chăn nuôi. Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tiếp tục đẩy mạnh phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ, nuôi cá tra các tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch sản xuất.

Đồng thời phát triển sản xuất các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá rô phi, nhuyễn thể, cá nước lạnh, cá biển...) và các loài cá bản địa, đặc hữu để phát huy tiềm năng lợi thế tự nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Hướng dẫn và động viên ngư dân tổ chức khai thác thủy sản trên biển an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Đối với chăn nuôi, cần rà soát lại số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn, có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế để đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, nhất là các tỉnh gần các thành phố có nhu cầu tiêu thụ lớn. Đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm, kể cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp...

Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò thịt, dê thịt) là những đối tượng vật nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu thức ăn nhập khẩu. Đây là những đối tượng có khả năng tận dụng tốt các nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm của nông - lâm - ngư nghiệp tại địa phương.

Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh/thành tổ chức triển khai, hướng dẫn ngư dân, người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các biện pháp phòng, chống, ứng phó với thiên tai, bão, lũ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi xảy ra thiên tai.

Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi, khuyến cáo kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, ứng phó khi môi trường nuôi có diễn biến bất lợi.

Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu cá hoạt động khai thác, ra, vào cảng (hoặc bố trí địa điểm phù hợp trong trường hợp cảng cá thực hiện phong tỏa phòng chống dịch); bốc, dỡ thủy sản và hàng hóa đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (giữa) yêu cầu các địa phương tổ chức tiêm vacxin cho đàn vật nuôi để chủ động phòng các bệnh nguy hiểm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (giữa) yêu cầu các địa phương tổ chức tiêm vacxin cho đàn vật nuôi để chủ động phòng các bệnh nguy hiểm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chủ động phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm

Về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, cần đẩy mạnh việc tổ chức xây dựng các cơ sở, chuỗi chăn nuôi khép kín; cơ sở, vùng, chuỗi sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh.

Tổ chức tiêm vacxin cho đàn vật nuôi để chủ động phòng các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tai xanh..., bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng 80% tổng đàn thuộc diện tiêm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh, mới nhập đàn và tiêm nhắc lại trước thời điểm hết miễn dịch sinh ra do lần tiêm trước.

Hướng dẫn cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, tổ chức giám sát dịch bệnh chủ động tại cơ sở; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, tiêu độc tại các khu vực nuôi và khu vực nguy cơ cao (như các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm,...) để tiêu diệt các loại mầm bệnh ngoài môi trường.

Hướng dẫn chủ vật nuôi, người nuôi trồng thủy sản khi thấy gia súc, gia cầm, thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết nhiều bất thường cần báo cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân.

Tuyệt đối không vứt xác động vật bệnh, chết ra môi trường, không xả thải nước, chất thải các cơ sở nuôi trồng bị dịch bệnh ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, ở diện hẹp, tránh để lây lan diện rộng, khó kiểm soát.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Bộ giống chất lượng là tiền đề đưa lâm nghiệp Nghệ An bay cao

Muốn vươn tầm thành thủ phủ lâm nghiệp của cả nước, bên cạnh công tác thu hút đầu tư, Nghệ An phải nâng cấp bộ giống cây lâm nghiệp đang trên đà suy thoái.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.