| Hotline: 0983.970.780

Đánh giá ngành chăn nuôi phải toàn diện như cả cuộc cờ

Thứ Hai 05/07/2021 , 18:21 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, phải nhìn tổng thể ngành chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm như một cuộc cờ thay vì chỉ vài nước cờ không được như ý.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 của ngành chăn nuôi ngày 5/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, trong nền kinh tế thị trường có độ mở cao như hiện nay, việc ngành chăn nuôi chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố khách quan của cung cầu thị trường trên thế giới là hết sức bình thường.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo ngành chăn nuôi cần ưu tiên tập trung tối đa cho phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm từ nay đến cuối năm 2021. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo ngành chăn nuôi cần ưu tiên tập trung tối đa cho phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm từ nay đến cuối năm 2021. Ảnh: Nguyên Huân.

Theo Thứ trưởng Tiến, đã chăn nuôi theo thị trường sẽ có lúc được, lúc mất, lúc lãi, lúc hòa nên không vì nhìn thấy một vài thời điểm, hiện tượng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá gia súc, gia cầm giảm mà coi đó là thực trạng chung của ngành. 

6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 196 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa ước đạt 60 triệu USD, tăng 35%, thịt và các sản phẩm từ thịt đạt 54,6 triệu USD, tăng 30,8%.

“Cần nhìn nhận ngành chăn nuôi trong những năm qua toàn diện như một cuộc cờ, và cuộc cờ này phải khẳng định là chúng ta đang đi đúng hướng. Ngành chăn nuôi cần phải nhìn rõ, nhìn thẳng vào thực trạng của mình để biết điểm mạnh, điểm yếu ở đâu; mặt nào phát huy, lĩnh vực nào cần cải thiện để từ đó có định hướng, dự báo kịp thời hơn, tránh việc bị động, chạy theo diễn biến của thị trường”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo ngành chăn nuôi tập trung cao độ, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ thành quả đạt được, đây là điều kiện tiên quyết cần ưu tiên.

Song song đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là lĩnh vực chế biến để nâng giá trị gia tăng cho ngành.

Dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ rất cao bùng phát ở nước ta. Ảnh: TL.

Dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ rất cao bùng phát ở nước ta. Ảnh: TL.

Đặc biệt, cần có các hội nghị chuyên sâu, chuyên đề cho từng lĩnh vực của ngành, từ chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy cẩm, gia súc ăn cỏ, vật nuôi đặc sản… để cùng mổ xẻ, tháo gỡ khó khăn, mở cửa thị trường, tìm những hướng đi mới bên cạnh những sản phẩm truyền thống, thế mạnh đã vàng đang làm tốt cần tiếp tục duy trì.

Ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2021, tổng đàn bò cả nước tăng 2,5%, lợn tăng 11,6%, gia cầm tăng 5,4% (riêng đàn trâu giảm 3,1%) so với cùng thời điểm năm 2020.

Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt trên 3,2 triệu tấn, trong đó sản lượng thịt bò hơi đạt 231.000 tấn, tăng 4,2% (quý 2 đạt 106.000 tấn, tăng 4,6%); sản lượng thịt trâu hơi đạt 61.000 tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2020 (quý 2 đạt 27.000 tấn, giảm 1%).

Sản lượng thịt lợn hơi 6 tháng đầu năm đạt 2 triệu tấn, tăng 8,1% (quý 2 đạt 1 triệu tấn, tăng 8,6%); sản lượng thịt gia cầm hơi đạt 932.000 tấn, tăng 6,1% (quý 2 ước đạt 450.000 tấn, tăng 6,1%); sản lượng trứng gia cầm đạt 8,4 tỷ quả, tăng 5% (quý 2 ước đạt 4 tỷ quả, tăng 5,6%); sản lượng sữa bò tươi đạt 561.000 tấn, tăng 11,2% (quý 2 đạt 285.000 tấn, tăng 12,8%).

Tổng đàn và sản lượng gia súc, gia cầm 6 tháng đầu năm đều tăng trưởng khá cao. Đồ họa: Lê Bền.

Tổng đàn và sản lượng gia súc, gia cầm 6 tháng đầu năm đều tăng trưởng khá cao. Đồ họa: Lê Bền.

Với sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản lượng thức ăn công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tính đạt khoảng 10,3 triệu tấn, tăng khoảng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thức ăn cho lợn đạt 5,1 triệu tấn, tăng 29,7% so với cùng kỳ 2020, thức ăn cho gia cầm đạt 4,6 triệu tấn, giảm 9,6% so với cùng kỳ 2020.

Về quản lý môi trường chăn nuôi, tổng hợp báo cáo của Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố, tình hình xây dựng và ban hành Nghị quyết của HĐND các tỉnh về quy định vùng nội thành, nội thị không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi tại các địa phương, hiện có 11/63 tỉnh, thành (chiếm 17,5%) đã ban hành nghị quyết; 6/63 địa phương (chiếm 9,5%) đang trình dự thảo Nghị quyết của HĐND; 42/63 tỉnh, thành (chiếm 66,7%) đang xây dựng và 4/63 tỉnh, thành (chiếm 6,3%) chưa xây dựng.

Về quy định mật độ chăn nuôi tại các địa phương, hiện có 16/63 tỉnh, thành (chiếm 25,4%) đã ban hành Quyết định của UBND. Trong số đó, có 6/16 tỉnh quy định mật độ chăn nuôi trên toàn tỉnh bằng mật độ chăn nuôi của vùng, 10/16 tỉnh quy định mật độ chăn nuôi cụ thể đối với từng huyện thuộc tỉnh. Có 6/63 tỉnh, thành (chiếm 9,5%) đang trình Dự thảo quyết định, 37/63 tỉnh, thành (chiếm 58,7%) đang xây dựng và 4/63 tỉnh, thành (chiếm 6,3%) chưa xây dựng dự thảo quyết định về mật độ chăn nuôi.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.