| Hotline: 0983.970.780

Ethylene Oxide tồn dư trong thực phẩm sản xuất tại EU

Thứ Sáu 03/09/2021 , 09:43 (GMT+7)

Dù cấm sử dụng Ethylene Oxide trong khử trùng thực phẩm hay khu vực lưu trữ thực phẩm, EU vẫn phát hiện dư lượng chất này trong sản phẩm sản xuất tại khu vực.

Một số sản phẩm mì ăn liền sản xuất tại Việt Nam phát hiện Ethylene Oxide gây xôn xao dư luận cuối tháng 8/2021.

Một số sản phẩm mì ăn liền sản xuất tại Việt Nam phát hiện Ethylene Oxide gây xôn xao dư luận cuối tháng 8/2021.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, từ năm 2020, Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF) đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến Ethylene Oxide (EO). Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Italia (28).

Các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao... Trong đó đối tượng được tập trung nhiều nhất là vừng, phụ gia thực phẩm E410 (locust bean gum) và các sản phẩm có liên quan.

EO là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. EO không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô. EO đặc biệt hiệu quả khi khử khuẩn cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn Salmonella.

Tại châu Âu, chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp. Từ năm 1991, EU đã cấm việc sử dụng các sản phẩm có thành phần EO trong khử trùng thực phẩm hay khu vực lưu trữ thực phẩm. 

Bộ Công thương cho biết, dù cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm, EU vẫn phát hiện ra dư lượng EO trong thực phẩm ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối. Hiện các nhà chức trách của EU tiếp tục tìm ra nguyên nhân của việc xuất hiện và tồn dư chất này trong thực phẩm nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới cũng như được sản xuất ngay tại một số quốc gia trong khối EU.   

Từ năm 2005, EU định nghĩa lại về dư lượng EO. Chúng là tổng của hai thành phần: Ethylene Oxide và 2-Cloroetanol (một dạng chuyển hóa của Ethylene Oxide).

Hiện nay, nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn.

Với EU, khối này tăng cường kiểm tra dư lượng EO trong các sản phẩm thực phẩm, sau khi phát hiện chất này vượt nhiều lần ngưỡng cho phép của lô hạt vừng nhập khẩu từ Ấn Độ hồi năm 2020. Theo quy định của khối, giới hạn EO nằm trong khoảng 0,02 – 0,2 mg/kg, tùy loại thực phẩm và phụ gia. Con số này thấp hơn đáng kể so với quy định của Mỹ và Canada là 7mg/kg cho các loại thảo mộc, rau củ khô, vừng.

Hàn Quốc không cấm sử dụng Ethylene Oxide mà chỉ giới hạn chất chuyển hóa của nó là 2-Chloroethanol ở mức: 30 mg/kg trong thực phẩm thông thường, 10 mg/kg đối với thực phẩm cho trẻ sơ sinh.

Từ những dữ liệu trên, Bộ Công thương khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng. Cụ thể: (1) Thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm. (2) Kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, đặc biệt là các cấu phần thuê mua gia công, sản xuất.

(3) Làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì không phát sinh mối nguy. (4) Nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường xuất khẩu để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất.

Vào cuối tháng 8/2021, một số sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào EU. Theo Bộ Công thương, sản phẩm này chịu nhiều nguy cơ vượt ngưỡng EO bởi có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt... Những nguyên liệu này có thể được cung cấp bởi nhiều cơ sở khác nhau trước khi được đóng gói trong sản phẩm cuối cùng.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.